Khủng bố đe dọa Châu Á - Thái Bình Dương

Thứ năm, 14/05/2015 10:55

(Cadn.com.vn) - Các cuộc tấn công khủng bố cả thành công lẫn thất bại trong năm nay báo hiệu một điềm xấu trong thời gian tới cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

2015 "hứa hẹn" sẽ là một năm đặc biệt tàn bạo. Các phiến quân Hồi giáo ngày càng tăng cường đưa chiến dịch khủng bố đến các đường phố ở các thành phố lớn của phương Tây - vụ nổ súng ở tòa nhà Quốc hội ở Ottawa, vụ xả súng tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris, vụ bắt cóc con tin ở quán cà-phê Lindt tại Sydney.

Mùa chết chóc

Trong khi "mùa chết chóc" truyền thống lan khắp Afghanistan và Iraq, nhiều âm mưu tấn công bị phá vỡ, như cuộc tấn công nhằm vào cuộc diễu hành "Ngày Anzac" ở Melbourne, 17 người lên kế hoạch thực hiện loạt các vụ bắt cóc và tấn công khủng bố bị bắt ở Malaysia, và hai tay súng bị bắn chết tại Texas sau khi nổ súng vào một triển lãm nghệ thuật trưng bày tranh biếm họa về nhà tiên tri Hồi giáo Mohammad.

Nhà chức trách ở Malaysia từng phải vật lộn với các nhóm khủng bố khu vực và trong nước có liên kết với Al-Qaeda và Osama bin Laden vào cuối những năm 1990. Điều này thay đổi khi các nhóm phiến quân kết hợp với nhóm Hồi giáo IS tiếp cận khoảng trống quyền lực trên toàn Iraq và Syria, thay thế ảnh hưởng của Al-Qaeda, và truyền cảm hứng cho thanh niên Hồi giáo trên khắp thế giới nhằm thực hiện những cuộc tấn công khủng bố với hậu quả thảm khốc.

Âm mưu tấn công ở Melbourne vào "Ngày Anzac" được cho là lấy cảm hứng từ vụ giết binh sĩ Anh Lee Rigby ngay giữa London hồi tháng 5-2014. Sau đó, tại Melbourne, 5 người đàn ông trong độ tuổi 18,19 từ vùng ngoại ô Đông Nam thành phố bị bắt và 3 người bị buộc tội lên kế hoạch tấn công khủng bố và chứa vũ khí. Ngoài ra, tại London, một cậu bé 14 tuổi bị bắt với cáo buộc liên quan đến âm mưu khủng bố này. Các nhà phân tích cho biết, cả hai âm mưu trên đều được lên kế hoạch thực hiện vào những ngày quan trọng như "Ngày Anzac" ở Australia, trong khi âm mưu tấn công khủng bố tại Malaysia xảy ra khi các nhà lãnh đạo ASEAN chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh tại đây.

Châu Á đang hứng chịu các vụ tấn công khủng bố khủng khiếp. Ảnh: Diplomat

Quyền lực đặc biệt

Các vụ bắt giữ mới nhất của Malaysia được thực hiện khi Quốc hội nước này thông qua Dự luật chống khủng bố, giao quyền hạn đặc biệt để một ủy ban - có khả năng bắt giữ nghi phạm từ 2-3 năm, 5 năm hoặc thậm chí là vô thời hạn. Quyết định của ủy ban này không chịu bất kỳ sự giám sát tư pháp nào.

Gavin Greenwood, nhà phân tích nguy cơ an ninh của tổ chức Allan & Associates có trụ sở tại Hồng Kông cho biết, các vụ bắt giữ tại Malaysia được đặt trong bối cảnh cuộc đấu tranh nội bộ chính trị gay gắt kể từ cuộc bầu cử năm 2013. Thủ tướng Malaysia Najib Razak chứng kiến sự leo thang giữa các phe phái trong đảng cầm quyền UMNO, phần lớn do cựu lãnh đạo Mahathir Mohamad, người cho rằng ông Najib không có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia vào năm 2018. Trong khi đó, ông Mahathir ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan. Ông Greenwood cho biết, những nỗ lực nhằm loại bỏ ông Najib bao gồm các cuộc tấn công của cánh bảo thủ và phản động trong UMNO nhằm làm suy yếu vị thế bằng cách mô tả ông yếu kém trong việc giải quyết các vấn đề an ninh. Âm mưu tấn công vào "Ngày Anzac" tại Australia cũng tương tự như trường hợp của Malaysia.

Thông tin tình báo ước tính, hơn 20.000 người từ khoảng 50 quốc gia đang chiến đấu cho IS, trong đó gần 1/5 là công dân các nước phương Tây. Việc theo dõi các công dân này là hoàn toàn không thể. Hiện cũng có báo cáo, IS đã chia thành hơn 23 nhánh nhỏ và hoạt động riêng lẻ, không theo cấu trúc trước đây, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh al-Baghdadi. Với những vụ tấn công trong 6 tháng qua, việc IS tiếp tục các vụ tấn công tiếp theo là điều chắc chắn xảy ra.

An Bình
(Theo Diplomat)