Khủng bố và chống khủng bố vẫn là thách thức lớn của Saarc

Chủ nhật, 03/08/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 2-8, tại thủ đô Colombo (Sri Lanka), lãnh đạo 8 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Nam Á (SAARC) đại diện cho 1,5 tỷ người bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, Afghanistan, Bhutan và Maldives đã họp Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15. Myanmar và Australia đã chính thức được chấp nhận tham dự hội nghị này với tư cách quan sát viên cùng với các nước Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Các nhà lãnh đạo trong lễ khai mạc Hội nghị Saarc.

Đây là hội nghị được các nhà quan sát chính trị, lãnh đạo nhiều nước, nhất là Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc hết sức chú ý vì 40% thành phần nghèo khổ trên thế giới là cư dân các nước có chân trong SAARC và những lĩnh vực đang cần được chú trọng liên quan tới an ninh lương thực - thực phẩm, các nguồn năng lượng và xóa đói giảm nghèo. Để đánh tan dư luận vẫn cho rằng, SAARC là một diễn đàn nơi người ta nói nhiều hơn là hành động, sau cuộc họp cấp Bộ trưởng chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, Bộ trưởng của Ấn Độ cho hay, tại hội nghị lần này sẽ có 4 thỏa thuận lớn: "Đó là hiệp định hỗ trợ pháp lý giữa các nước thành viên, thành lập một quỹ phát triển của SAARC gồm 300 triệu USD, đặt ra những tiêu chuẩn đồng nhất, và thành lập một trường đại học - Đại học Nam Á, cho các nước trong Hiệp hội. Đây là những dự án mà chúng tôi đã thảo luận từ lâu, nhưng bây giờ là lúc biến những dự án này thành hiện thực”. Riêng Hiệp định hỗ trợ tư pháp nói trên sẽ cung cấp một khuôn khổ pháp lý để có sự hợp tác lớn hơn giữa lực lượng an ninh các nước thành viên nhằm hỗ trợ điều tra, truy tìm, bắt giữ, chuyển giao, truy tố tội phạm và khủng bố.

Vấn đề khủng bố và chống khủng bố đã trở thành mối quan tâm của toàn cầu mà nổi bật hơn cả là các nước thuộc SAARC. Hiện nay, không chỉ sự trỗi dậy của Taliban tại Afghanistan mà mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, các phần tử Hồi giáo cực đoan, các nhóm khủng bố và lực lượng nổi dậy khác là nhân tố chính gây bất ổn chính trị cho cả khu vực, nhất là Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Afghanistan, và là mối đe dọa đối với Mỹ và phương Tây. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Afghanistan H. Karzai nói rằng, chủ nghĩa khủng bố và nơi trú ẩn an toàn cho khủng bố đang bám sâu hơn ở Pakistan. Ông H. Karzai khẳng định: “Cần phải loại trừ chủ nghĩa khủng bố để thực thi hòa nhập khu vực và kinh tế hơn nữa”. Theo Thủ tướng Ấn Độ M. Singh, khủng bố vẫn là mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định và tiến bộ, nhưng các nước trong vùng không thể thua cuộc chiến này. Thủ tướng Pakistan Y.R. Gilani cũng kêu gọi việc bảo vệ giá trị của chủ nghĩa đa nguyên, chống lại chủ nghĩa khủng bố và cần phải đoàn kết chống lại bạo lực.

Thủ tướng Pakistan Yousaf Raza Gilani (trái) gặp gỡ người đồng cấp Ấn Độ
Manmohan Singh tại Colombo. Ảnh: Reuters.

Bên lề Hội nghị SAARC, một sự kiện được dư luận chú ý nhiều nhất là ngày 2-8, Thủ tướng Ấn Độ M. Singh và người đồng cấp phía Pakistan, ông Y. R. Gilani, đã tiến hành hội đàm kín nhằm cứu vãn tiến trình hòa bình giữa 2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này đang gặp khó khăn. Một nhà ngoại giao Pakistan cho biết, 2 thủ tướng sẽ đưa ra “một tuyên bố toàn diện về quan hệ trong tương lai”. Cũng tại cuộc gặp này,  Thủ tướng Y. R. Gilani đã đồng ý điều tra về vụ đánh bom Đại sứ quán Ấn Độ tại Kabul (Afghanistan) hồi tháng trước mà Cơ quan Tình báo Liên ngành Pakistan bị cáo buộc là có dính líu vào. Quyết định trên được đưa ra sau khi Thủ tướng M. Singh bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này với người đồng cấp Pakistan Y.R. Gilani bằng thông điệp rõ ràng rằng, vụ việc trên cùng với sự vi phạm hiệp định ngừng bắn và hoạt động xâm nhập qua biên giới gia tăng đã gây ra những khó khăn cho quan hệ giữa 2 nước.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 2-8, giao tranh dữ dội đã nổ ra ở miền Bắc Sri Lanka ngay khi Hội nghị SAARC diễn ra cùng ngày tại thủ đô Colombo làm ít nhất 14 binh sĩ chính phủ và 38 phiến quân thuộc Lực lượng những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) thiệt mạng.

Bộ Quốc phòng Sri Lanka cho biết, máy bay lên thẳng vũ trang đã được triển khai để yểm trợ cho bộ binh đang tham chiến đã tiến vào huyện Kilinochchi thuộc miền Bắc nước này, nơi được coi là “thủ đô” của LTTE và là nơi mà thủ lĩnh LTTE Veluppillai Prabhakaran đang ẩn náu, sau những trận giao tranh ác liệt. Trong bối cảnh như vậy, chính quyền Sri Lanka đã phải huy động 20.000 cảnh sát và lực lượng an ninh về thủ đô Colombo để bảo vệ Hội nghị SAARC. Thể hiện rõ mối quan ngại đối với an toàn của Thủ tướng  M. Singh, Ấn Độ đã phái 2 tàu chiến túc trực ngoài khơi Colombo và 3 trực thăng vũ trang đến trực chiến tại khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt  nhất ở thủ đô Colombo.

Tuyết Minh