Khủng hoảng biểu tình Myanmar “hạ nhiệt”?

Thứ tư, 10/03/2021 14:20

Vào rạng sáng 9-3, hàng trăm người biểu tình Myanmar bị lực lượng an ninh bắt giữ tại thành phố Yangon đêm 8-3 đã được thả, sau khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cùng nhiều quốc gia lên tiếng gay gắt về động thái này.

Nhiều người biểu tình bị bắt giữ trong đêm đã được thả vào sáng 9-3. Ảnh: Reuters

Trước đó, theo BBC, hàng nghìn người dân bất chấp lệnh giới nghiêm đã xuống đường trong đêm 8-3 tại thành phố Yangon để ủng hộ một phong trào biểu tình do thanh niên tổ chức ở quận Sanchaung. Khoảng 200 người được cho là bị lực lượng an ninh Myanmar chặn rời khỏi 4 con phố ở khu vực Sanchaung. Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, nhiều người trong số những người bị mắc kẹt là phụ nữ đang diễu hành ủng hộ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3). Có tiếng nổ phát ra từ khu vực, được cho là do âm thanh của lựu đạn gây choáng được quân đội sử dụng. Một nhóm bảo vệ nhân quyền cho biết, khoảng 50 người đã bị bắt ở Sanchaung sau khi cảnh sát khám xét các ngôi nhà trong đêm.

Trong đêm, lực lượng cảnh sát đồng thời tuyên bố sẽ kiểm tra hộ dân bất kỳ để truy lùng những thanh niên đang trốn trong nhà dân, cảnh báo các hình thức bao che sẽ bị trừng phạt. Khoảng 22 giờ, “cảnh sát bắt đầu nổ súng và bắt giữ”, người phát ngôn văn phòng nhân quyền LHQ Liz Throssell cho biết, mặc dù cô nói rằng “không rõ họ đang bắt giữ những người biểu tình bị mắc kẹt hay những người biểu tình mới đến”. LHQ đã kêu gọi “kiềm chế tối đa” và “thả mọi người trong an toàn, không dùng bạo lực và không bắt giữ”.  Đài truyền hình nhà nước MRTV trước đó cho biết: “Sự kiên nhẫn của chính phủ đã hết và trong khi cố gắng giảm thiểu thương vong trong việc ngăn chặn bạo loạn, hầu hết mọi người đều tìm kiếm sự ổn định hoàn toàn và đang kêu gọi các biện pháp hiệu quả hơn chống lại bạo loạn”.

Đến rạng sáng 9-3, những người này đã được thả. BBC dẫn lời một người biểu tình cho biết, anh có thể rời đi khoảng 6 giờ 30 (giờ địa phương) và nói thêm rằng, lực lượng an ninh rời khỏi khu vực từ sáng sớm. Anh cho biết thêm, 40 người đã bị bắt qua đêm, nhưng những người còn lại vẫn ẩn núp cho đến sáng và đang có thể rời đi. Trên Twitter, một người biểu tình khác cho biết, cô đã “về đến nhà an toàn... sau khi ở một nơi ở Sanchaung cả đêm”, nói thêm rằng “tất cả những người trốn với tôi đều an toàn”.

Các cuộc biểu tình lớn đã xảy ra trên khắp Myanmar kể từ khi quân đội lên nắm chính quyền vào ngày 1-2. Hơn 54 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình cho đến nay. Các nguồn tin cho biết, 3 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên khắp đất nước hôm 8-3. Trong đêm 8-3, cảnh sát đã đột kích vào các ngôi nhà trong khu vực để tìm kiếm những người đến từ bên ngoài Yangon. Người dân trong vùng và một trang tin tức địa phương đăng trên Facebook rằng, ít nhất 20 người đã bị bắt trong các cuộc trấn ráp.  Tại Yangon, bất chấp lệnh giới nghiêm, rất đông người dân tụ tập trên đường phố nhằm đánh lạc hướng lực lượng an ninh. Họ hô vang “Thả các em học sinh, sinh viên ở Sanchaung”.

Trong một diễn biến khác liên quan, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar - tướng Min Aung Hlaing nói rằng, việc bắt giữ cố vấn kinh tế người Australia của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã phát hiện nhiều thông tin bí mật. Trong thông báo sáng 9-3, tướng Min Aung Hlaing nhấn mạnh: “Nỗ lực trốn ra nước ngoài của cựu cố vấn kinh tế Sean Turnell đã bị ngăn chặn kịp thời, nhiều thông tin tài chính bí mật của quốc gia cũng được phát hiện qua ông ta. Các bộ trưởng đang tiến hành những hành động pháp lý liên quan đến vấn đề này”. Ông Turnell, Cố vấn kinh tế người Australia của bà Suu Kyi bị bắt từ ngày 6-2 và không rõ địa điểm bị giam giữ. Myanmar chưa công bố cáo buộc nhằm vào học giả người Australia đồng thời hạn chế quyền tiếp xúc lãnh sự. Theo Reuters, phía Australia đã kêu gọi trả tự do cho ông Turnell, người đang bị hạn chế quyền tiếp xúc với lãnh sự quán nước này ở Myanmar, dù các cáo buộc đối với vị cố vấn nước ngoài của bà Suu Kyi vẫn chưa được công bố.

Australia trước đó đình chỉ chương trình hợp tác quốc phòng với Myanmar. Theo Ngoại trưởng Australia Marise Payne, nước này cũng sẽ chuyển hướng các chương trình viện trợ nhân đạo tại Myanmar. Theo đó, Australia sẽ chú trọng hỗ trợ nhân đạo tới người Rohingyas và các dân tộc thiểu số khác.

KHẢ ANH

>> Biểu tình, đình công lan rộng khắp Myanmar

>> Myanmar vẫn “nóng” hừng hực

>> “Bài toán” hóc búa Myanmar