Khủng hoảng Kazakhstan hạ nhiệt, CSTO chuẩn bị rút quân
Tổng thống Kazakhstan cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình do Nga dẫn đầu sẽ bắt đầu rời khỏi nước này từ ngày 13-1, với thời gian rút quân không quá 10 ngày sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ dẹp yên bạo loạn ở đây.
Các phương tiện quân sự của Nga tại sân bay Almaty ở Kazakhstan ngày 9-1. Ảnh: Reuters |
Kazakhstan có Thủ tướng mới Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ngày 11-1 đã đề cử ông Alikhan Smailov làm Thủ tướng. Tại một phiên họp được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước, Hạ viện Kazakhstan đã nhanh chóng bỏ phiếu thông qua đề cử ông Smailov làm tân Thủ tướng nước này. Ông Smailov, 49 tuổi, đã giữ chức Phó Thủ tướng thứ nhất trong nội các mà Tổng thống Tokayev bãi nhiệm tuần trước sau khi nổ ra làn sóng biểu tình bạo lực tại quốc gia Trung Á này. |
CSTO hoàn tất nhiệm vụ
"Lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính. Trong 2 ngày tới, quá trình rút quân của lực lượng này theo từng giai đoạn sẽ bắt đầu. Quá trình rút quân sẽ không quá 10 ngày", Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết hôm 11-1.
Lực lượng của CSTO gồm hơn 2.000 binh sĩ đã được triển khai vào giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tại Kazakhstan vào tuần trước, theo lời kêu gọi của Tổng thống Tokayev. CSTO, một liên minh quân sự gồm 5 nước thuộc Liên Xô cũ và Nga, được triển khai nhằm giúp đối phó tình hình bạo loạn tại Kazakhstan. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10-1 nói rằng, lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO được triển khai tới Kazakhstan đã hành động kịp thời và chính đáng, bất chấp lo ngại từ phương Tây cho rằng động thái này có thể gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền của quốc gia Trung Á.
Ông Putin cho biết, quân đội từ Nga, Belarus và một số nước thuộc Liên Xô cũ sẽ chỉ đóng quân ở Kazakhstan trong khoảng thời gian có giới hạn và sẽ rút lui khi họ đã đạt được các mục tiêu quan trọng. Theo Tổng thống Nga, tình hình Kazakhstan đang ổn định trở lại và các nhóm chiến binh bạo loạn đã được truy quét khỏi một số cơ sở quan trọng.
Cùng ngày, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã đề cử ông Alikhan Smailov làm Thủ tướng. Tại một phiên họp được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước, Hạ viện Kazakhstan đã nhanh chóng bỏ phiếu thông qua đề cử ông Smailov làm tân Thủ tướng nước này. Ông Smailov, 49 tuổi, đã giữ chức Phó Thủ tướng thứ nhất trong nội các mà Tổng thống Tokayev bãi nhiệm tuần trước sau khi nổ ra làn sóng biểu tình bạo lực tại quốc gia Trung Á này.
Đó là "cuộc tấn công khủng bố" và âm mưu đảo chính
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ngày 10-1 tuyên bố Kazakhstan đã đánh bại một âm mưu đảo chính trong làn sóng bạo loạn tuần trước ở nước này, đồng thời cáo buộc các phiến quân từ Trung Á, Afghanistan và Trung Đông đứng sau vụ bạo loạn này.
Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Tổng thống Kazakhstan cho biết các phần tử có vũ trang đã trà trộn vào người biểu tình ở nước này nhằm tìm cách làm suy yếu trật tự hiến pháp, phá hoại các cơ quan chính phủ và chiếm quyền. Ông khẳng định "đó là một âm mưu đảo chính".
"Một hành động xâm lược được tổ chức và chuẩn bị bài bản nhằm vào Kazakhstan với sự tham gia của các chiến binh nước ngoài, chủ yếu từ các nước Trung Á, bao gồm Afghanistan. Ngoài ra còn có các chiến binh từ Trung Đông. Ý đồ là hình thành một khu vực hỗn loạn có kiểm soát trên lãnh thổ của chúng tôi nhằm giành chính quyền sau đó. Vì vậy, một chiến dịch chống khủng bố đã được phát động ở Kazakhstan", ông Tokayev nói. Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Kazakhstan cho biết tại cuộc điện đàm cùng ngày với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Tokayev nêu rõ các tay súng từ Trung Á, Afghanistan và Trung Đông đứng sau âm mưu đảo chính nói trên.
Làn sóng biểu tình nổ ra ở Kazakhstan trong những ngày đầu năm 2022 để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. Bất ổn an ninh khiến Tổng thống Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh và thành phố lớn của đất nước, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan. Trước tình hình bạo lực leo thang tại Kazakhstan, theo đề nghị của Tổng thống Tokayev, CSTO đã cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến nước này.
Tình hình bất ổn ở Kazakhstan hiện đã được kiểm soát. Trong thông báo ngày 9-1, Phủ Tổng thống Kazakhstan cho biết tổng cộng khoảng 5.800 đối tượng tham gia bạo loạn đã bị bắt giữ, trong đó có "một số lượng lớn người nước ngoài".
KHẢ ANH