Kịch bản tăng trưởng nào cho kinh tế Đà Nẵng?

Thứ sáu, 02/07/2021 08:13

Thực hiện chủ đề năm khôi phục tăng trưởng kinh tế, qua nửa chặng đường, GRDP của Đà Nẵng đã tăng gần 5% so với cùng kỳ. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, nửa năm 2021 còn lại, kinh tế TP sẽ còn tăng trưởng cao hơn.

Hoạt động sản xuất công nghiệp ổn định góp phần vào tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng đạt gần 5%.

3 kịch bản tăng trưởng

Mặc dù từ đầu tháng 5-2021 làn sóng dịch COVID-19 quay lại Đà Nẵng, tuy vậy đến nay TP vẫn đang kiểm soát tốt nguy cơ dịch bệnh, các hoạt động phát triển kinh tế cơ bản được duy trì.  Qua 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế TP đạt gần 5% so với cùng kỳ năm 2020 (tăng hơn 1% so với cùng kỳ 2019 khi chưa xuất hiện dịch COVID-19). Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm trên 60% trong cơ cấu kinh tế đã tăng trên 5,3% (trừ dịch vụ du lịch còn khó khăn). Sự phục hồi của khu vực này tiếp tục đóng vài trò trụ đỡ chính của nền kinh tế. Kế tiếp, khu vực công nghiệp-xây dựng lớn thứ 2 trong cơ cấu kinh tế TP cũng tăng trưởng trên 2,8%. Từ thực tế đó, nếu kiểm soát dịch tốt hơn, kinh tế TP nửa cuối năm 2021 hoàn toàn có thể tăng trưởng cao hơn. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm. 

Theo đó, kịch bản thứ nhất là, nếu dịch được kiểm soát tốt từ đầu tháng 7 thì GRDP 6 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 7% (ngang mức bình quân của năm 2018 và 2019). Như vậy GRDP cả năm tăng 6%, thu nội địa đạt gần 19 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 104% dự toán. Để đạt được kịch bản này, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP phải duy trì phục hồi và tăng trưởng ổn định. Mức tăng một số ngành dự kiến như sau: công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,5-5%); thương mại (tăng 8,5-9%); thông tin và truyền thông (tăng 6,5-7%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 8,5-9%); kinh doanh bất động sản (tăng 6,5-7%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8%. 

Kịch bản thứ 2 là, nếu dịch được kiểm soát từ cuối quý III thì GRDP 6 tháng cuối năm tăng gần 5% (GRDP cả năm đạt 4,5-5%, thu nội địa đạt hơn 18,4 ngàn tỷ đồng). Theo kịch bản này, 6 tháng cuối không có đột phá về tăng trưởng GRDP, khi đó cả năm 2021 kinh tế dự kiến tăng trưởng ở gần 5%. Kịch bản này xảy ra khi trong 6 tháng cuối năm phần lớn các ngành sẽ duy trì mức tăng tương đương hoặc cao hơn một ít so với 6 tháng đầu năm 2021. 

Cuối cùng, kịch bản thứ 3 là, nếu trong quý IV dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm chỉ đạt dưới 3,5% (cả năm tăng dưới 4%), khi đó quy mô kinh tế năm 2021 chỉ bằng năm 2018, thu nội địa đạt khoảng 17,5 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 96% dự toán.

Trong 3 kịch bản nêu trên thì phương án đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư có thể xảy ra nhất với TP là tốc độ GRDP năm 2021 đạt mức 5,5-6%. Điều này phù hợp tình hình thực tế, có tính khả thi cao và có tính phấn đấu trong việc kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp duy trì phục hồi phát triển kinh tế. 

Lĩnh vực công nghiệp xây dựng của Đà Nẵng năm 2021 dự kiến tăng trưởng 3,9%.

Tiếp sức cho doanh nghiệp

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 5,5-6%, ngoài việc tập trung quyết liệt kiểm soát dịch bệnh, Đà Nẵng cần hỗ trợ để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, khơi thông các nguồn lực đầu tư xã hội… Cụ thể, với du lịch, trong bối cảnh dịch còn phức tạp, ngừng trệ, cần khẩn trương tận dụng “khoảng dừng” này để tái cơ cấu, đầu tư hạ tầng cho các sản phẩm đặc trưng, chất lượng, sẵn sàng phục vụ khi du khách quay lại. Cụ thể như phát triển các tuyến du lịch đường thủy, các hoạt động giải trí về đêm trên bãi biển Mỹ An, phố đi bộ Bạch Đằng, An Thượng, cầu Nguyễn Văn Trỗi và dự án chiếu sáng nghệ thuật “Dòng sông ánh sáng”. Với công nghiệp, ngoài việc nắm bắt khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ DN duy trì sản xuất ổn định, TP cần sớm hoàn thiện thủ tục kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng công nghiệp như KCN Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Cầm giai đoạn 2. Với đặc thù phần lớn DN của Đà Nẵng có quy mô nhỏ, bị tổn thương, suy giảm rất nặng do dịch bệnh, vì thế các chính sách gỡ khó, tiếp sức cho DN có ý nghĩa sống còn. Ngoài việc thay thế, bãi bỏ 5/13 chính sách hỗ trợ DN cho phù hợp, thì việc tiếp cận vốn vay ưu đãi, khoanh nợ, giảm thuế, tiền thu đất với DN đang trở nên cấp bách. Hỗ trợ gỡ nút thắt này cho DN cũng là cách duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng.

Song song với việc tiếp sức DN gỡ khó khăn trước mắt, Đà Nẵng cũng sẽ tập trung tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về thủ tục, đất đai, quy hoạch để khơi thông các nguồn lực đầu tư. Trong đó, TP sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ; phê duyệt danh mục quỹ đất kêu gọi đầu tư 5 năm tới cũng như tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021; phê duyệt đề án quản lý và khai thác quỹ đất công trên địa bàn TP. Những dự án cụ thể mà Đà Nẵng nhắm tới để thu hút nguồn lực phát triển gồm: Trung tâm phân phối y dược phẩm quốc tế tại Đà Nẵng; Khu tổ hợp đô thị thông minh- phi thuế quan sườn đồi 850 ha; Khu đô thị sinh thái, thương mại - dịch vụ quận Liên Chiểu 170 ha; thông qua quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Không gian sáng tạo và tổ chức đấu giá đất hơn 17ha; các dự án công nghệ thông tin của FPT, Viettel, VNPT, LG... Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ tập trung hoàn thành đề án đánh giá hiệu quả Trung tâm Hội chợ triển làm cơ sở kêu gọi đầu tư Trung tâm thương mại tầm cỡ quốc tế; hỗ trợ IPPG sớm hoàn thành đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực để trình Thủ tướng vào cuối năm 2021.

Ngoài ra, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra, Đà Nẵng sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Cụ thể, sớm hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án cảng Liên Chiểu- phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Thúc đẩy tiến độ nhà máy nước Hòa Liên, Khu CNC, Vườn tượng APEC, Nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, Khu Công viên phần mềm số 2, dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà... Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, giải pháp đẩy mạnh đầu tư công có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng, tạo tăng trưởng cho kinh tế TP.

HẢI QUỲNH