"Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH vừa là trách nhiệm, vừa là động lực cải tiến, nâng cao chất lượng"

Thứ ba, 14/02/2017 10:17

(Cadn.com.vn) - Việc 2 Chương trình Tiên tiến (CTTT) ngành Điện tử- Viễn thông (ECE) và ngành Hệ thống nhúng (ES) của trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) được Đoàn chuyên gia Đánh giá ngoài của Mạng lưới các trường ĐH thuộc khu vực Đông Nam Á đánh giá đạt kết quả kiểm định tốt nhất Việt Nam theo tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA không chỉ là tin vui đối với nhà trường, mà còn với người học và xã hội. Nhằm giúp người học hiểu rõ hơn về cách đánh giá, kiểm định chất lượng (KĐCL) theo tiêu chuẩn AUN-QA, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xuất sắc, Trưởng Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

P.V: Xin ông khái quát về tiêu chuẩn KĐCL AUN-QA để người học và xã hội có thể hiểu rõ hơn. Để được đánh giá là chương trình tốt nhất Việt Nam theo tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA, 2 CTTT này đã phải vượt qua những tiêu chí đánh giá khắt khe như thế nào?

PGS.TS Phạm Văn Tuấn: Các mạng lưới về đảm bảo chất lượng (ĐBCL) phát triển và ngày càng hoạt động hiệu quả, với nhiều mô hình tiên tiến (INQAAHE, APQN, AQAN, AUN). Việt Nam mới ban hành Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14-3-2016 về Bộ Tiêu chí đánh giá chương trình đào tạo giáo dục ĐH. Bộ tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA (Asean University Network- Quality Assurance) về đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực được Tổ chức AUN ban hành năm 2004 và được triển khai liên tục từ năm 2007 đến nay. Bộ tiêu chuẩn AUN-QA đang được nhiều trường ĐH Việt Nam quan tâm vì sự phù hợp và tính khả thi cao.

Để được công nhận, 2 CTTT này phải đạt được 15 tiêu chí theo Bộ Tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA bao gồm: Kết quả học tập dự kiến ; Mô tả chương trình; Cấu trúc và nội dung chương trình; Chiến lược dạy và học; Đánh giá sinh viên; Chất lượng đội ngũ giảng viên; Chất lượng đội ngũ hỗ trợ; Chất lượng sinh viên; Tư vấn và hỗ trợ sinh viên; Cơ sở vật chất và trang thiết bị; Đảm bảo chất lượng cho quá trình dạy và học; Các hoạt động phát triển đội ngũ; Phản hồi của các bên liên quan; Đầu ra; Sự hài lòng của các bên liên quan...

Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Giám đốc Điều hành Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á AUN-QA cùng tập thể nhà trường ĐH Bách khoa trong ngày vui. Ảnh: P.T 

* Sáng 13-2, Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng long trọng tổ chức lễ công bố, trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn AUN-QA khu vực Đông Nam Á cho 2 Chương trình Tiên tiến ngành: Điện tử- Viễn thông (ECE) và Hệ thống Nhúng (ES). Đến dự có GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS.TS Nantana Gajaseni- Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á AUN-QA.

GS.TS Lê Kim Hùng- Hiệu trưởng ĐH Bách khoa cho biết, 2 Chương trình này đã đạt với số điểm cao nhất trong các chương trình đào tạo đã được đánh giá tại Việt Nam và đứng thứ nhì của vực Đông Nam Á theo tiêu chuẩn AUN-QA. Ngoài việc được đánh giá và được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc gia, tính đến nay, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng có 5 chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức Châu Âu và khu vực Đông Nam Á.

P.T

P.V: Trong quá trình xây dựng 2 CTTT này, nhà trường đã gặp những khó khăn, thách thách và trở ngại gì?

PGS.TS Phạm Văn Tuấn: 2 CTTT này được xây dựng trong 10 năm. Trong quá trình triển khai Tự đánh giá và kiểm định, 2 CTTT này gặp phải những khó khăn, thách thức sau: Về cơ sở dữ liệu, chưa được thống kê khoa học, chưa được cập nhật liên tục. Về cơ sở vật chất: Cần phải nâng cấp đầy đủ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu người học. Tài liệu, chương trình giáo trình thì chưa được đánh giá và cập nhật thường xuyên. Mặt khác, nhận thức chung của xã hội, nhà trường, cán bộ viên chức về ĐBCL còn giới hạn. Bên cạnh đó, để xây dựng một chương trình tốt cần phải có kỹ năng viết báo cáo tự đánh giá tốt, mô tả đúng điểm mạnh, điểm yếu, kế hoạch hành động phù hợp với nội hàm của từng tiêu chí. Một điều không kém phần quan trọng, việc xây dựng chương trình phải bám sát được mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược và chính sách của phát triển của nhà trường và địa phương, phải rõ ràng, phù hợp, thực tế. Để làm được điều này cần phải có sự phản hồi từ xã hội, của nhà tuyển dụng, doanh nghiệp và của cựu người học. Vì thế đòi hỏi phải có thời gian dài tích lũy để xây dựng chương trình.

Việc chọn lựa trường đối tác và chương trình đào tạo phù hợp với mục đích phát triển của địa phương quốc gia, tương thích với năng lực của cơ sở giáo dục cũng rất quan trọng. Phải có đủ nguồn kinh phí ban đầu để xây dựng hợp tác với trường đối tác quốc tế, phát triển cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại phù hợp với Chương trình đào tạo. Đồng thời phải lựa chọn được đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn tốt, có năng lực ngoại ngữ để đàm phán với đối tác, học tập phương pháp giảng dạy hiện đại, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu các bên liên quan tại địa phương và quốc gia. Mặt khác, phải tuyên truyền tới được với xã hội về đặc thù và lợi ích khi theo học chương trình tiên tiến này nhằm tuyển được sinh viên có chất lượng tốt, có năng lực ngoại ngữ đảm bảo theo học được bằng tiếng Anh, có phương án cân đối nguồn kinh phí để sinh viên đủ khả năng chi trả học phí vừa phải... Đấy chính là những khó khăn, thách thức và trở ngại mà chúng tôi đã vượt qua được.

PGS.TS Phạm Văn Tuấn giới thiệu về tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA và hệ thống đảm bảo chất lượng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tại buổi lễ trao giấy chứng nhận.

P.V: Từ việc 2 CTTT này được công nhận đạt chất lượng tốt nhất Việt Nam và  đứng nhì các nước Đông Nam Á, ông nghĩ gì về trách nhiệm của các trường ĐH Việt Nam đối với xã hội, người học trong công khai, minh bạch chất lượng GD đào tạo?

PGS.TS Phạm Văn Tuấn: KĐCL giáo dục không chỉ là đảm bảo nhà trường có trách nhiệm với chất lượng GD-ĐT mà còn mang lại động lực cải tiến, nâng cao chất lượng cho mọi hoạt động của nhà trường. Một KĐCL giáo dục được coi là có hiệu quả khi không chỉ đánh giá một trường hay một chương trình giáo dục có đạt chất lượng hay không, mà còn phải có vai trò của các chuyên gia tư vấn sẵn sàng giúp đỡ nhà trường giải quyết các vấn đề tồn tại và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường. Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nên rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để kịp thời nắm bắt những tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý tiên tiến trên thế giới, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nếu không có những giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng đào tạo thì các cơ sở giáo dục ĐH sẽ không theo kịp sự phát triển, không nhận được sự tín nhiệm của xã hội và xa hơn nữa không hoàn thành được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong giai đoạn mới - giai đoạn cạnh tranh quyết liệt về nguồn lao động có trình độ với các nước Đông Nam Á và trên thế giới.

Hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục luôn phải được các trường ĐH xác định là một trong những hoạt động quan trọng để nâng cao cũng như khẳng định chất lượng đào tạo đối với xã hội, đồng thời cũng là trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng đào tạo của nhà trường. Kết quả kiểm định sẽ được công khai rộng rãi, một mặt thể hiện tính chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đối với xã hội, mặt khác sẽ thúc đẩy tích cực các cơ sở giáo dục có kế hoạch và giải pháp nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị mình.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

P.Thủy (Thực hiện)