Kiểm soát thật tốt F1
“Nếu bệnh nhân khai đúng là F1 của ai đó nhưng khi quá muộn rồi thì trường hợp này giống như F0 mà chúng ta cứ mải mê đi tìm như trước đây. Nếu chúng ta không kiểm soát được thì nó lan ra F con, F cháu, rồi lại rất phức tạp. Cho nên chúng ta phải cải thiện về tốc độ truy xét, truy vết F1 và xét nghiệm cũng như nhanh chóng cách ly để họ không có thời gian ở ngoài cộng đồng, hạn chế thấp nhất những rủi ro”, Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch (BCĐ) Covid-19 TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đề cập vấn đề này tại buổi làm việc trực tuyến với các quận, huyện về công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 8-8.
Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ kiểm tra từng suất ăn của trường hợp F1 đang được cách ly tập trung. |
Không để F1 “nhởn nhơ” ngoài cộng đồng
Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đề nghị, ngành y tế tập trung nghiên cứu, phân tích những ca nhiễm mới để có những nhận định, phản ánh xu hướng lây nhiễm hiện nay, từ đó tham mưu cho BCĐ Covid-19 TP những biện pháp đón đầu kịp thời, hiệu quả…“Chúng ta nên đề ra một số chỉ tiêu nữa để xác định cho được sự nỗ lực trong cuộc chạy đua với sự lây lan của dịch. Vì vậy, ngoài việc rà soát hết những người liên quan đến BV Đà Nẵng, chúng ta phải đặt ra những yêu cầu cao hơn nữa. Cụ thể, khi phát hiện ra một ca nhiễm mới, việc đầu tiên phải làm là truy vết thật nhanh F1, không để sót lọt. Phải tìm hết cho bằng được F1 của ca bệnh để tổ chức cách ly sớm nhất. Đừng để những F1 không phát hiện, còn ở ngoài cộng đồng, đến khi có triệu chứng đi khám, xét nghiệm mới lòi ra nhiễm. Như vậy là mệt lắm, buộc phải làm lại từ đầu…”, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Trưởng BCĐ Covid-19 TP cho rằng, nếu chúng ta không đưa F1 kịp thời đi cách ly, vẫn còn “nhởn nhơ” ngoài cộng đồng, tiếp tục phát tán dịch bệnh ra thì sao gọi là F1 được nữa, đã trở thành F0 rồi. “Họ đã ra ngoài cộng đồng, đi lung tung rồi thì ai chịu cho nỗi được. F1 mà chúng ta chủ động đưa vào khu cách ly, tiến hành xét nghiệm ra bệnh thì đó là một câu chuyện khác. Còn với F1 mà chúng ta không gom được, không truy vết được, họ “chu du” đủ chỗ và chỉ thông qua việc lấy mẫu xét nghiệm rộng rãi hoặc khi có triệu chứng đến khám mới phát hiện ra thì đó là một việc khác, nguy hiểm vô cùng. Cho nên tất cả các khâu đều phải tốc độ hết. Tốc độ và sự chính xác rất cần thiết. Làm nhiều mà không chính xác cũng không được. Muốn vậy thì chúng ta phải làm thật sự nhuần nhuyễn, phải chuyên nghiệp…”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Chủ tịch UBND TP cho rằng, một trong những việc quan trọng là tiếp theo chúng ta phải làm những việc nào. Cũng đường lối đó nhưng làm thêm những biện pháp cụ thể nào. Chỗ nào còn hổng, còn trống thì lấp vào. “Chúng ta nên tập trung phân tích những ca bệnh để đánh giá liều lượng trong cộng đồng. Chúng ta đặt vấn đề F2 có quan trọng không và trong những trường hợp phát hiện sau này có ai là F2 không? F2 có phải là nhóm ưu tiên tiếp theo không hay là bỏ hẳn luôn nhóm đó. Tất cả vấn đề đó cần nghiên cứu, phân tích để có kế hoạch cụ thể”, ông Thơ đặt vấn đề.
Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, làm quyết liệt nhưng phải đúng hướng, đúng cách mới xử lý triệt để được. Ông Thơ nhấn mạnh: “Chúng ta đã có những tín hiệu rất tốt nhưng cũng có những tín hiệu còn lơ là, thấy chưa được an tâm lắm, thấy cảm giác như mình chưa làm chủ được. Vì vậy, chúng ta phải tích cực tìm từng anh, anh nào có nguy cơ cao thì “chụp nhanh” đưa đi xét nghiệm ngay”.
Ths.Bs Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng cho rằng, những ca mới phát hiện gần đây tại thành phố đều là những F1 đã được cách ly. “F1 trong cộng đồng có thể vẫn còn nhưng chúng ta chưa thể rà soát hết được. Theo quy định của Bộ Y tế, chúng ta chỉ cách ly tập trung F1 và lấy mẫu xét nghiệm còn F2 thì tự cách ly tại nhà. Khi F1 có kết âm tính thì F2 liên quan đương nhiên được ra, không phải cách ly tại nhà nữa. Cũng theo quy định, F1 giờ không tiến hành điều tra 14 ngày về trước nữa mà chỉ là 3 ngày trước khi khởi phát bệnh hoặc 3 ngày khi bệnh nhân được phát hiện nhiễm bệnh (nếu bệnh nhân không có triệu chứng). Nên giờ chúng ta không truy ra 14 ngày trước họ đi đâu, làm gì nữa mà chỉ nắm thông tin thời gian 3 ngày trước khi bệnh nhân khởi phát triệu chứng hoặc phát hiện nhiễm bệnh”, Bs Thạnh cho biết thêm.
Nhân viên y tế thu thập thông tin người dân tại khu vực nguy cơ. |
Tín hiệu đáng mừng
Liên quan đến việc lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng ở những điểm nóng, khu vực nguy cơ cao, Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, ngành y tế đã xét nghiệm trên 15.000 trường hợp. Cụ thể, khu Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến): 1.684 trường hợp; khu vực đường Lê Hữu Trác (P. An Hải Đông): 1.659 trường hợp; kiệt 226 Hoàng Diệu (Q. Hải Châu): 900 mẫu; kiệt 586 Ông Ích Khiêm (Q. Hải Châu): 581 trường hợp; tại Miếu Bông (xã Hòa Phước): 476 trường hợp; P. Phước Mỹ: 325 trường hợp, Tổ 36 (P. An Hải Tây): 193 mẫu; đường Đỗ Anh Hàn (P. An Hải Bắc): 480 mẫu; đường Hà Đặc: 230 mẫu... Tất cả những trường hợp trên đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, chưa có ca nào xét nghiệm trong cộng đồng dương tính. Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho rằng: “Với số lượng mẫu lớn như vậy tại các khu dân cư thuộc điểm nóng, nguy cơ cao mà không có trường hợp nào dương tính, tất cả đều bằng không hết như thế là rất yên tâm. Dù yên tâm nhưng chúng ta không được chủ quan, lơ là. Phải rà cho hết F1 để tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm nhanh chóng”.
Theo Bs Thạnh, qua phân tích số liệu bệnh nhân, hiện nay 14 xã, phường có số bệnh nhân mắc ca cao gồm: P. An Hải Đông (9 ca), xã Hòa Tiến (9 ca), P. Hòa Khê (9 ca), P. Nại Hiên Đông (7 ca), P. Nam Dương (7 ca), P. Hòa Cường Nam (6 ca), P. Phước Mỹ (5 ca), P.Hòa Khánh Bắc (6 ca), xã Hòa Phước (5 ca), P. Thọ Quang (5 ca), xã Hòa Phong (5 ca), P. An Hải Bắc (4 ca), P. Tam Thuận (5 ca), P. Xuân Hà (5 ca)… Bs Thạnh cho biết, Tổ công tác phòng chống dịch các địa phương đề nghị nên phân loại cứng một số khu vực cũng như tổ chức khoanh vùng, kiểm soát dịch, thực hiện theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 16 cộng tại một số địa điểm. Tức là thực hiện như Chỉ thị 16 những cộng thêm hoạt động của Tổ Covid-19 cộng đồng, lập barie để đo thân nhiệt người dân ra vào…
Ông Đoàn Ngọc Hồng Anh – Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND TP cho rằng, trong những ngày gần đây, người dân đã ra đường nhiều hơn. Việc người dân tụ tập đi tập thể dục cũng tăng hơn so với trước, nhất là trong thời gian sáng sớm. Bên cạnh đó, tại các chợ và các điểm bán bánh mì vẫn không đảm bảo khoảng cách. Ngoài ra, tại các chốt đo thân nhiệt vẫn còn thiếu nhân lực, có chốt chỉ có một người làm việc này nên đã xảy ra tình trạng dồn ứ lượng người đông… Trưởng BCĐ Covid-19 TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ lưu ý: Khi sự chấp hành của người dân “yếu đi” thì nguy cơ càng tăng lên. Vì vậy, cộng hay không cộng thì do địa phương quyết thôi. Bây giờ 16 mà còn làm “trật lên trật xuống”, nhưng thích cộng thì cho cộng đi. Cộng cố gắng làm cho nó cộng luôn...
Cần đánh giá bức tranh cộng đồng cho chính xác
Nói về vấn đề nguồn lây dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP cho rằng, hầu hết những ca F1 và những ca phát hiện là theo luồng tiếp xúc của họ… Chúng ta truy ra từ thói quen sinh hoạt và việc tiếp xúc của ca bệnh mới quan trọng, chứ không phải chỉ chú ý đến khu vực mà họ sinh sống. Bởi với đặc điểm cư dân thành thị thì việc tiếp xúc giữa người dân trong khu vực không nhiều… “Quan hệ tiếp xúc là quan trọng nhất nên chúng ta phải tập trung truy tìm từ nguồn này. Không nhất thiết phải tổ chức phong tỏa cả một khu vực nếu khu đó có ca bệnh. Cho nên quyết định phong tỏa nó rất quan trọng, phải xem xét thật kỹ các yếu tố... Nếu nó thật sự nguy hiểm và phức tạp thì cần thiết phải phong tỏa cho dù gặp phải vô cùng khó khăn, còn chưa đến mức thì thôi, chỉ yêu cầu người dân thực hiện theo 16 hoặc 16 cộng thôi”, ông Thơ nói.
Ngoài việc lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp nguy cơ cao, khu vực điểm nóng, liên quan đến BV Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP đề nghị ngành y tế nên tăng cường lấy thêm mẫu của trường hợp khác để tiếp tục đánh giá. Ông Thơ nhấn mạnh: “Giờ chúng ta xét nghiệm nhóm rất nhanh và rẻ tiền nên cũng cần tập trung làm thêm một số nhóm thuộc nguy cơ thấp để có sự đánh giá cu thể về bức tranh ngoài cộng đồng. Nếu những hợp này mà tỷ lệ nhiễm không có hoặc không đáng kể thì chúng ta yên tâm hơn. Chúng ta không thể truy hết được tất cả F1 như chúng ta đã thấy hiện nay. Thì qua cách đánh giá, rút ra bài học, coi thử trong cộng đồng có hay không những nguồn rủi ro mà chúng ta chưa kiểm soát được”.
Một trong những vấn đề mà Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quan tâm không kém hiện nay là số người liên quan đến BV Đà Nẵng trong tháng 7. Ông Thơ yêu cầu các địa phương nhanh chóng thực hiện. Theo đó, lãnh đạo các quận, huyện giao nhiệm vụ cho các phường, xã. Phường, xã áp cho thôn, tổ dân phố. Tổ trưởng, tổ phó, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận chia mỗi người mấy hộ gia đình rồi đến từng nhà nắm thông tin. Nếu phát hiện trường hợp liên quan thì làm kỹ, yêu cầu khai báo và đề xuất lấy mẫu xét nghiệm. Bên cạnh đó, khuyến cáo họ phải cách ly tại nhà chờ kết quả. “Chủ tịch quận, huyện dặn dò cấp dưới giám sát thật chặt những trường hợp này, yêu cầu họ cả khi ở trong nhà cũng phải luôn luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Nếu để họ đi lung tung là mệt lắm vì họ thuộc nhóm nguy cơ, được xem như giữa F1 và F2. Nơi nào quản lý không tốt, để trường hợp đó đi lung tung thì Chủ tịch quận, huyện, xã, phương phải chịu trách nhiệm. Cộng đồng đã cách ly rồi thì những trường hợp này cần phải nghiêm ngặt hơn nữa…”, ông Thơ nhấn mạnh.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế chỉ đạo CDC Đà Nẵng phối hợp với các địa phương, truy tìm cho hết các người tiếp xúc với các trường hợp mắc Covid1-9. Đồng thời, bổ sung đối tượng ưu tiên sàng lọc, xét nghiệm, như: CBCNVC, Công an, Quân đội, dân quân tự vệ; các lực lượng trực chiến tại các chốt kiểm soát, tại khu vực cách ly và phong tỏa; lực lượng làm việc trực tiếp tại Tổ Covid cộng đồng... Bên cạnh đó, ngành y tế triển khai ngay việc lấy mẫu xét nghiệm theo nhóm (trộn mẫu) theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần phòng, chống dịch quyết liệt, tập trung, hiệu quả. Ngành y tế tiếp tục điều tra dịch tễ, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận, huyện tiếp tục siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. “Nếu khu vực nào không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm thì các địa phương tiến hành dùng rào barie để chắn lại; đồng thời thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt khi đi ra, đi vào. Chúng ta phải làm nghiêm mới mong sớm dập được dịch”, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố nhấn mạnh.
LÊ HÙNG
Ghi nhận thêm 31 Trường hợp mắc Covid-19
Ngày 9-8, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã ghi nhận thêm 31 ca mắc mới Covid-19, trong đó Đà Nẵng 19 ca, Quảng Nam 8 ca, Quảng Trị 2 ca, Hà Nội 1 ca, Bắc Giang 1 ca. Tính đến 18 giờ ngày 9-8, Việt Nam, có tổng cộng 841 ca mắc Covid19, trong đó 317 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay ghi nhận 384 ca. Đến thời điểm này đã có 395/841 ca bệnh Covid-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 47 % tổng số ca bệnh Covid-19 trong cả nước. Tính đến chiều ngày 9-8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế, hiện có 46 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 389 bệnh nhân dương tính với virus gây Covid-19. Số trường hợp tử vong: 11 ca. -------- Dự kiến ngày 11-8, BV Dã chiến Tiên Sơn sẽ đi vào hoạt động Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, nếu số gắng hết sức thì ngày 10-8, Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn sẽ được khởi động, tiến hành tập dượt, “chạy” thử với bệnh nhân giả. Và dự kiến cuối ngày 10-8, ngành chức năng sẽ tiến hành thẩm định bệnh viện này. Cố gắng nhất thì ngày 11-8, BV Dã chiến Tiên Sơn sẽ đi vào hoạt động. Hiện phần lớn trang thiết bị được tập kết về đây và Sở Y tế đã có văn bản đề nghị đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc việc lắp đặt. Ngoài ra, lực lượng y bác sỹ tham gia tại BV dã chiến Tiên Sơn đã được BV Bạch Mai tổ chức tập huấn kỹ lưỡng. BV Dã chiến Tiên Sơn được xác định là điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ. Theo Bs Yến, ngày 9-8, trên địa bàn TP Đà Nẵng ghi nhận 19 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, thêm gần 3.600 mẫu xét nghiệm âm tính với SARSCOV-2. Thành phố đã thực hiện lấy gần 44.000 mẫu, trong đó 40.075 mẫu có kết quả âm tính. Tính đến chiều 9-8, Đà Nẵng ghi nhận 269 ca mắc Covid-19, trong đó 10 ca tử vong. -------- CDC Đà Nẵng đã phát triển “thần tốc”
Đó là nhận định của PGS.TS Lê Quỳnh Mai – Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Theo TS Mai, trong thời gian giúp Đà Nẵng về công tác xét nghiệm truy vết, có thể khẳng định CDC Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc, phát triển từng ngày. “Đồng nghiệp của chúng tôi đã nỗ lực hết sức để tổ chức triển khai xét nghiệm. Quan trọng nhất là thực hành an toàn sinh học để cán bộ trực tiếp làm xét nghiệm không bị lây nhiễm. Với cách tổ chức hợp lý, cùng với sự đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất…năng lực của CDC Đà Nẵng sẽ làm được rất nhiều mẫu trong 1 ngày. Trong một tuần tôi trực tiếp làm việc cùng đồng nghiệp CDC Đà Nẵng tôi rất ấn tượng với họ và tôi tin rằng Đà Nẵng sẽ sớm cùng với cả nước chống dịch thành công”, PGS. Mai khẳng định. LÊ HÙNG Phong tỏa tạm thời thêm 3 khu vực QUẢNG TRỊ - Chiều 9–8, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định phong tỏa tạm thời thêm 3 khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm Covid–19 trên địa bàn TP Đông Hà. Cụ thể, khoanh vùng, phong tỏa cách ly tạm thời khu vực xung quanh Cty Bảo Châu, số 221 Lê Duẩn, thuộc P.Đông Giang, TP Đông Hà; khu vực khu phố 2, P.Đông Giang. Mỗi khu vực này thành lập 3 chốt kiểm soát. Khu vực 3 là Tầng 6, tòa nhà G, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị. những khu vực phong tỏa trên liên quan đến lịch trình và trường hợp tiếp xúc gần ca dương tính với virus SARS–CoV-2 phát hiện tại địa bàn Quảng Trị. Trước đó, Quảng Trị cũng đã phong tỏa 1 khu vực tại địa bàn TP Đông Hà liên quan ca bệnh 750 và 2 khu vực khác liên quan ca bệnh 749 tại địa bàn H.Vĩnh Linh. BẢO HÀ ------- Xét nghiệm cho 760 du khách
Ngày 9-8, Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với Sở Y tế đưa hơn 760 khách du lịch đăng ký bay về TP Hồ Chí Minh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARSCoV-2. Trong số du khách này có 710 người Việt Nam, 50 người nước ngoài buộc phải lưu lại Đà Nẵng do thực hiện giãn cách xã hội. Trước khi rời Đà Nẵng trên các chuyến bay hỗ trợ của chính quyền và ngành du lịch, số người này phải thực hiện xét nghiệm theo quy định và sẽ cách ly 14 ngày sau khi xuống sân bay tại TP Hồ Chí Minh. Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, sắp tới sẽ tiến hành xét nghiệm cho số du khách đăng ký rời thành phố tới điểm đến Hà Nội. CÔNG KHANH ------- Trục xuất nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép QUẢNG NAM - Ngày 8-8, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu nghị Lạng Sơn, CA tỉnh Quảng Nam phối hợp với CA tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tại Quảng Nam cho Bộ đội Biên phòng để tiến hành các thủ tục trục xuất. Trước đó, qua công tác quản lý cư trú, ngày 18-7, CA tỉnh Quảng Nam phát hiện, bắt giữ 21 người nước ngoài quốc tịch Trung Quốc (TQ) cư trú trái phép trên địa bàn tỉnh. Số người trên được một số đối tượng người TQ và người Việt Nam tổ chức nhập cảnh trái phép theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam, sau đó đưa về Quảng Nam. Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, CA tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tổ chức đưa số người trên đi cách ly y tế tập trung theo quy định. * Ngày 9-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TX Điện Bàn đã trao quyết định hoàn thành thời gian cách ly tập trung cho 80 trường hợp tại khu cách ly Trường Đại học Phan Chu Trinh (P. Điện Ngọc). Các trường hợp trên bắt đầu được đưa vào cách ly tập trung từ ngày 25-7. Hiện trên địa bàn TX Điện Bàn còn 536 trường hợp cách ly tập trung. TRẦN TÂN |