Kiểm tra công tác phòng chống buôn lậu và ma túy tại TP Đà Nẵng

Thứ sáu, 27/11/2015 11:37

(Cadn.com.vn) - Sáng 26-11, Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (BCA) dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc với CATP và Cục Hải Quan Đà Nẵng về công tác phòng, chống buôn lậu và ma túy trên địa bàn TP Đà Nẵng trong năm 2015. Tham dự buổi làm việc có Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Cục Hải quan Đà Nẵng, Cục Chống buôn lậu, Cục phòng chống ma túy (thuộc Tổng cục Cảnh sát), Phòng CSĐTTP về Ma túy, Phòng CSĐTTP về TTQLKT-CV (CATP Đà Nẵng), Chi Cục Hải quan Cảng Tiên Sa và sân bay Đà Nẵng.

Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phát biểu tại buổi làm việc.

Buôn lậu và tội phạm ma túy vẫn phức tạp

Theo báo cáo của CATP Đà Nẵng, trong năm 2015, tình hình tội phạm buôn lậu và ma túy trên địa bàn TP Đà Nẵng tuy đã được đấu tranh quyết liệt nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại... tiếp tục diễn biến phức tạp trên tất cả tuyến, địa bàn, lĩnh vực kinh tế.

Liên quan đến buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại... lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 128 vụ với 125 đối tượng. Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này ngày càng tinh vi, khó phát hiện, gây rất nhiều khó khăn trong quá trình phòng ngừa, đấu tranh, xử lý. Đáng chú ý nhất là tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng lâm sản không kèm theo hồ sơ gốc, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoặc nếu có thì những hồ sơ, hóa đơn, chứng từ không hợp lệ nhằm hợp thức hóa hàng hóa gây khó khăn trong công tác xác minh, truy tìm đối tượng.

Nổi lên là tình hình các đối tượng lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất đối với Việt kiều hồi hương để dựng hồ sơ giả, nhập khẩu vào thị trường nhiều loại ô-tô đắt tiền, trốn thuế với số lượng lớn hoặc tổ chức mua bán, chuyển nhượng các ô-tô mang biển số ngoại giao, biển số nước ngoài không đúng quy định, không làm thủ tục kê khai nộp thuế. Tình hình lợi dụng việc phân luồng xanh đối với một số doanh nghiệp nhập khẩu không kiểm tra hồ sơ, hàng hóa, chỉ dựa vào tờ khai hàng hóa rồi cho thông quan, các đối tượng mở tờ khai nhập khẩu các loại hàng hóa thông thường, nhưng khi kiểm tra phát hiện là hàng lậu, hàng cấm như: sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê. Trên lĩnh vực hàng giả, hàng kém chất lượng, các đối tượng mua hàng có chất lượng thấp rồi đóng gói thành những hàng hóa có nhãn hiệu, chất lượng giá trị cao hơn để đưa vào các chợ, siêu thị, về vùng nông thôn hoặc miền núi tiêu thụ.

Về lĩnh vực ma túy, nguồn  ma túy thẩm lậu vào thành phố vẫn do đối tượng tại thành phố móc nối với số đối tượng từ địa phương phía Bắc đưa về Đà Nẵng tiêu thụ. Nổi lên là hoạt động móc nối, hình thành các đường dây mua bán trái phép các loại ma túy với số đối tượng người Hải Phòng.

Tình hình tội phạm mua bán chủ yếu là ma túy tổng hợp chiếm trên 95% số vụ, xảy ra hầu hết ở các quận, huyện và tập trung khu vực trung tâm thành phố. Đáng lo ngại là tình trạng nhiều đối tượng ma túy chọn vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Nam làm nơi cư trú hoạt động, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó kiểm soát. Đối tượng phạm tội có xu hướng ngày càng trẻ hóa, phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi, khó phát hiện, đấu tranh. Các đối tượng sẵn sàng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để chống trả lực lượng chức năng khi phát hiện hành vi phạm tội.

Trong năm 2015, lực lượng công an phát hiện 115 vụ (166 đối tượng) hoạt động phạm tội về ma túy, thu giữ 4.271,2 gam ma túy các loại. Tính đến ngày 20-11, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 2.243 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong số này có 511 trường hợp cai nghiện ma túy tập trung tại Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề 05-06 TP Đà Nẵng.

Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp tục phối hợp đấu tranh, phòng chống buôn lậu, tội phạm ma túy

Công tác phối hợp giữa lực lượng Công an và Hải quan Đà Nẵng để phòng chống buôn lậu và ma túy đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Năm 2015, qua công tác phối hợp, 2 đơn vị đã bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu hàng cấm, gian lận thương mại, thu giữ nhiều tài sản có giá trị.

Điển hình như vụ Cty Cổ phần Giao nhận Phương Nam tại TP HCM đã lợi dụng chính sách Việt kiều hồi hương để nhập lậu 5 xe Lexus trị giá 18 tỷ đồng từ Mỹ về Việt Nam để hưởng lợi nhuận từ hành vi buôn lậu. Trên lĩnh vực phòng chống ma túy, Hải quan và Công an Đà Nẵng thường xuyên trao đổi thông tin để chủ động phối hợp kiểm soát, ngăn chặn, xử lý từ xa, không để ma túy thẩm lậu vào địa bàn thành phố. Rõ nhất là Phòng CSĐTTP về MT Công an TP Đà Nẵng phối hợp lực lượng Hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng khám phá thành công vụ án Lê Ngọc Duy cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 31,629 gam ma túy đá, 23,393 gam thuốc lắc, 0,206 gam heroin; phối hợp bắt Nguyễn Thế Sáu vận chuyển hơn 1/2 bánh heroin có trọng lượng 184 gam từ Hải Phòng vào các tỉnh phía Nam.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu từ các đơn vị tham gia, Trung tướng Đồng Đại Lộc, nhận định: Tại Đà Nẵng, công tác xử lý 2 loại tội phạm này đạt kết quả tốt, trong đó ấn tượng nhất là công tác xử lý đối tượng nghiện, đã tập trung cai nghiện được hơn 500 người. Để công tác đấu tranh, phòng ngừa đạt hiệu quả cao hơn nữa, Trung tướng Đồng Đại Lộc cho rằng, buôn lậu là tội phạm ẩn, ở đâu có hoạt động kinh tế ở đó có hoạt động gian lận thương mại. Đà Nẵng có đường sắt, hàng không, cảng biển, phải được xác định là địa bàn trung chuyển của tội phạm ma túy, số lượng tiêu thụ tại chỗ là không lớn. Đặc biệt, lực lượng Hải quan phải tạo điều kiện cho công an làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, tổ chức đấu tranh chuyên án với tội phạm ma túy, hạn chế việc lợi dụng cơ chế để gian lận thương mại.

Nguyên Thảo