Kiểm tra, rà soát và giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài

Thứ năm, 26/09/2013 08:10

(Cadn.com.vn) - Sáng 25-9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức Hội nghị triển khai, tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi, bổ sung) và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật PCTN. Hội nghị do Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh chủ trì và được truyền hình trực tuyến đến 63 điểm cầu trong cả nước.

Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Võ Duy Khương chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các ngành có liên quan. Hội nghị đã giới thiệu 4 chuyên đề chính gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN năm 2012; Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17-6-2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTN sửa đổi năm 2012; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 8-8-2013 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Phó Chủ tịch Võ Duy Khương chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh cho biết: Sau 5 năm thực hiện Luật PCTN đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong việc xác định giá, đấu giá tài sản doanh nghiệp Nhà nước, công tác giải tỏa, đền bù, công tác cán bộ; việc minh bạch tài sản, thu nhập còn mang tính hình thức, tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, hiệu quả thấp. Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan khi xảy ra tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường hợp người có thẩm quyền còn nể nang, né tránh trong việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu...

Luật PCTN (sửa đổi, bổ sung) lần này tập trung vào các nội dung: Tiếp tục mở rộng và công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao đã được nhận diện trong thời gian qua; hoàn thiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng thực chất hơn, giúp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; trách nhiệm của người đứng đầu trong việc áp dụng các biện pháp tạm thời đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng để xác minh, làm rõ.

Tại hội nghị, Phó TTCP Nguyễn Đức Hạnh yêu cầu các cơ quan, ban, ngành T.Ư và địa phương quán triệt Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19-9-2013 của TTCP, tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài, hạn chế đến mức thấp nhất các tình huống phức tạp phát sinh, góp phần bảo đảm ANTT, TTATXH, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phấn đấu hàng năm giải quyết dứt điểm hơn 90% các vụ việc. Trong quá trình triển khai cần sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa TTCP và các bộ và cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trao đổi, tháo gỡ vướng mắc và thống nhất biện pháp giải quyết. Đồng thời tăng cường phối hợp các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quá trình giải quyết. Đặc biệt, đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ban hành kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các quận, huyện, thành phố, thị xã chủ động kiểm tra rà soát và tập trung giải quyết các vụ việc tồn động, phức tạp, kéo dài, nếu có vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ của TTCP trong quá trình thực hiện thì báo cáo bằng văn bản về TTCP...

Tại buổi tập huấn, nhiều ý kiến của các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung quy định về việc tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng; các quy định về công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức; quy định về tố cáo hành vi tham nhũng; công tác kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, trách nhiệm của người đứng đầu...

Bài, ảnh: M.Hằng