Kiểm tra tiến độ dự án bảo tồn khu di tích lịch sử Đặc khu Quảng Đà

Thứ sáu, 11/08/2017 13:38

Ngày 9-8, đoàn công tác do ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam và ông Võ Công Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng dẫn đầu đã lên Khu di tích Hòn Tàu, kiểm tra tiến độ dự án bảo tồn khu di tích lịch sử Đặc khu Quảng Đà. Đây là một trong những công tác chuẩn bị quan trọng cho lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà (1967-2017).

Nhà bia tưởng niệm Khu di tích Hòn Tàu mới xây dựng. 

Chiến khu Hòn Tàu vẫn hoang sơ như những ngày kháng chiến chống Mỹ, dốc núi cao thăm thẳm, những cánh rừng nguyên sinh vẫn mịt mùng… Từ khu vực đèo Lon, xã Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam, vượt dốc gần 5km theo  con đường mới mở mới lên đến công trình Nhà bia tưởng niệm Khu di tích Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà vừa xây dựng hoàn thành tháng 7-2017 vừa qua. Còn phải vượt hơn 1,5km đường dốc dựng đứng, trơn trượt nữa mới lên đến khu vực đang phục dựng các công trình trung tâm của Đặc khu ủy Quảng Đà năm xưa…

Lên với chiến khu xưa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường “diện” hẳn quân phục trông ông như một người lính thực sự đang phăm phăm vượt dốc, ông cười giải thích: “Phải mặc như thế này mới gọi là lên chiến khu chứ…”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cũng “phong độ” lắm, nhìn ông leo dốc chắc chắn còn ngang cả đám thanh niên, có thể đoán ông là người rất chịu khó luyện tập thể thao, vừa vượt dốc ông vừa diễn giải: Căn cứ Hòn Tàu nằm trên địa bàn xã Quế Hiệp, Quế Sơn và xã Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam có vị trí chiến lược rất quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là nơi đứng chân của cơ quan Đặc khu ủy Quảng Đà và các cơ quan, đơn vị của Quân khu 5 trong giai đoạn 1968-1975. Nơi đây đã diễn ra nhiều hội nghị, cuộc họp quan trọng, quyết định nhiều chủ trương lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Quảng Đà, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiêu biểu như: Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Kỷ Dậu 1969; kế hoạch chống âm mưu lấn chiếm của Mỹ-ngụy sau Hiệp định Paris1973; chiến dịch Hè-Thu 1974 với chiến thắng Thượng Đức; từ căn cứ Hòn Tàu, Đặc khu ủy Quảng Đà đã chỉ đạo kế hoạch giải phóng TP Đà Nẵng trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cùng trao đổi về tiến độ dự án Bảo tồn Khu di tích Hòn Tàu.

Năm 2012, Di tích lịch sử căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia.  Với tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà, hướng tới kỷ niệm 50 ngày thành lập Đặc khu ủy, từ năm 2015, chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã thống nhất Dự án Trùng tu, Bảo tồn và Phục dựng Khu di di tích lịch sử Đặc khu ủy Quảng Đà (Khu di tích Hòn Tàu), đây là nơi góp phần giáo dục lịch sử cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dự án đã chính thức triển khai từ đầu năm 2016, với kinh phí hơn 30 tỷ đồng, từ nguồn vốn đóng góp của UBNDTP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam, dự án do Sở VH-TT&DL Quảng Nam là chủ đầu tư.

Ông Hồ Xuân Tịnh-Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho biết,  dự án có nhiều hạng mục như, công trình tuyến đường nối từ đường ĐH88 Duy Xuyên lên Khu di tích Hòn Tàu; Nhà bia tưởng niệm Khu di tích Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà; Công trình bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích…; Nhà đón tiếp trưng bày và đường bê-tông nội bộ, đây là hạng mục do UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ với kinh phí hơn 8 tỷ đồng.  Mặc dù phải thi công công trình trên địa bàn rừng núi vẫn còn hoang sơ, hiểm trở, nhưng các đơn vị thi công đã vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt công việc, chất lượng cao.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường đều đánh giá cao tiến độ thi công của Ban quản lý dự án, động viên các đơn vị thi công vượt qua mọi khó khăn đẩy nhanh tiến độ. Nơi đây không chỉ là nơi góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, mà sẽ là địa điểm phát triển  du lịch về nguồn, khám phá thiên nhiên hoang sơ của một vùng chiến khu trung dũng, kiên cường năm xưa, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội địa phương.

HỒNG THANH