Kiến nghị kiểm soát quyền lực người đứng đầu tại hai Bộ trong vụ Việt Á

Thứ hai, 21/08/2023 11:33
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án hình sự ''Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng'', ''Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ'', ''Đưa hối lộ'', ''Nhận hối lộ'', xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương liên quan.
Thiếu kiểm soát quyền lực dẫn đến lợi ích nhóm.
Thiếu kiểm soát quyền lực dẫn đến lợi ích nhóm.

Buông lỏng, thiếu kiểm tra và giám sát

Theo đó, ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng kiến nghị nhiều nội dung trong vụ Việt Á. Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chỉ rõ những nguyên nhân từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Bộ Y tế và các địa phương.

Cụ thể, tại Bộ KH-CN, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng Bộ KH-CN đã buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát trong việc thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt là Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia, trong các khâu phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm…

Nội dung thuyết minh Đề tài nghiên cứu khoa học không đầy đủ, không có thông tin về quyền, nghĩa vụ của Bộ KH-CN, Học viện Quân y, Công ty Việt Á; phương pháp phối hợp giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á; phương pháp chuyển giao kết quả nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ.

Tại Bộ Y tế, theo cơ quan điều tra, đơn vị đã thiếu kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý Nhà nước về sinh phẩm y tế, hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương; không quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cá nhân trong hiệp thương giá, thời gian ban hành kết luận kiểm tra giá.

Theo kết luận điều tra, do buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát tại Bộ KH-CN và Bộ Y tế nêu trên, nên đã dẫn đến việc Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã lợi dụng, thông đồng, móc ngoặc với lãnh đạo, cán bộ ở Bộ KH-CN, Bộ Y tế.

Qua đó, Công ty Việt Á được Bộ KH-CN phê duyệt tham gia nghiên cứu đề tài, sử dụng kết quả nghiên cứu để lập hồ sơ đăng ký và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức đối với test xét nghiệm; biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ KH-CN quản lý thành tài sản của Việt Á trái quy định pháp luật.

Ngoài ra, khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán test xét nghiệm cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống cơ cấu giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/ test không có căn cứ.

Khi Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Công ty Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế đã được Phan Quốc Việt nâng khống, tạo mặt bằng giá để bán cho địa phương, đơn vị, thu lợi bất chính, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Tại các địa phương cũng để xảy ra sai phạm trong quá trình Công ty Việt Á tiêu thụ test xét nghiệm, vật tư, sinh phẩm y tế. Cơ quan điều tra cho rằng, tại đây chưa kịp thời phân bổ dự toán ngân sách thực hiện; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ về đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế còn hạn chế, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh…

Hàng loạt kiến nghị của cơ quan điều tra

Từ nguyên nhân trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị 7 nội dung.

Thứ nhất, Bộ KH-CN và Bộ Y tế cần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn về quản lý nghiệm vụ KH-CN, quản lý sinh phẩm y tế, đảm bảo khách quan, minh bạch, đúng pháp luật.

Thứ hai, Bộ KH-CN rà soát cơ cấu tổ chức và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực KH-CN để chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi cho thống nhất, đúng quy phạm pháp luật theo hướng có cơ quan chuyên trách quản lý nhiệm vụ KH-CN. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm trong thực hiện các nhiệm vụ KH-CN.

Thứ ba, Bộ Y tế cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm trong công tác cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế; phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp quản lý giá đối với các vật tư, sinh phẩm xét nghiệm.

Thứ tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành có liên quan chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện chỉ định thầu rút gọn trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh…

Thứ năm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị, cơ sở y tế công lập trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn về lĩnh vực này…

Thứ sáu, cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Tài chính xem xét xử lý hành chính đối với Công ty thẩm định giá có sai phạm đã kết luận trong vụ án.

Thứ bảy, ngoài các bị can đã khởi tố và đề nghị truy tố, còn một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở mức độ khác nhau; có cá nhân hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ tính chất, mức độ hành vi sai phạm, đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và chính quyền.

Theo ANTĐ