Kiến nghị nhiều giải pháp để Đà Nẵng vượt qua thách thức nội tại
Phục hồi chưa bền vững
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Phan Thị Tuyết Nhung cho biết, GRDP năm 2022 của Đà Nẵng tăng 14,05% so với năm trước, xếp thứ 3 cả nước. Quy mô GRDP ước đạt 125.218 tỷ đồng, mở rộng so với năm 2019 (thời điểm trước khi đại dịch bùng phát) 14.032 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Nhung cho rằng, GRDP tăng nhưng chưa đồng đều giữa các khu vực kinh tế. Cụ thể khu vực dịch vụ vẫn đóng vai trò trụ đỡ chính (13,3 điểm %) còn khu vực công nghiệp-xây dựng (1,5 điểm %) trong tổng điểm % tăng thêm. Trải qua Covid-19 cho thấy nền kinh tế thành phố phụ thuộc nhiều vào các ngành dịch vụ đã bộc lộ một số rủi ro, đòi hỏi cần sớm đề ra các giải pháp căn cơ nhằm chuyển dịch kinh tế bền vững hơn, bảo đảm đúng định hướng. Theo bà Nhung, giải pháp cho sự chuyển dịch này là dành quỹ đất cho công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch. Trong đó, các cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Khánh Nam, Hòa Nhơn, Hòa Hiệp Bắc; các khu công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm (giai đoạn 2) và KCN phụ trợ Khu Công nghệ cao. Tiến độ triển khai các dự án này còn rất chậm, chưa đáp ứng nhu cầu tiếp cận đất đai, thu hút đầu tư trên địa bàn. Cũng theo bà Nhung, việc thu hút một số ngành trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, công nghệ cao cần có nhiệm vụ, giải pháp phát triển cụ thể, mang tính dài hạn để hướng đến phát triển kinh tế thành phố theo hướng “sâu và bền vững”.
Theo đại biểu Huỳnh Huy Hòa, thành phố cần tập trung thu hút được ít nhất một nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp; có quy mô, thương hiệu đủ lớn, đủ mạnh, có sức ảnh hưởng, có khả năng lan tỏa đến sự phát triển, dẫn dắt công nghệ, dẫn dắt các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ,... tạo nên sức phát triển đột phá ngành công nghiệp.
Một số đại biểu cũng cho rằng, trong nội tại ngành dịch vụ cũng mất cân đối, chủ yếu và phụ thuộc vào du lịch. Trong khi đó các lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính, logistics, thông tin truyền thông… chưa đầu tư phát triển tương xứng. Tiến độ đầu tư hạ tầng, cơ chế, quỹ đất, nhân lực cho các lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Thành thử, khi gặp đại dịch, sức chống chịu của ngành dịch vụ mà chủ yếu là du lịch rất yếu, khiến kinh tế TP tăng trưởng âm. Để phát triển kinh tế bền vững, TP cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án động lực, liên vùng, có tính lan tỏa, như cảng Liên Chiểu, mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng, đẩy nhanh tiến trình lập trung tâm tài chính quốc tế, làng đại học Đà Nẵng…
Ý kiến thảo luận của đại biểu cũng cho rằng, tuy quy mô kinh tế Đà Nẵng mở rộng, GRDP tăng cao, nhưng thu ngân sách của Đà Nẵng lại giảm hơn so với năm 2017 khoảng 700 tỷ đồng. Việc thu ngân sách không tương xứng với tăng quy mô kinh tế đặt ra vấn đề về chống thất thu thuế, cần có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc thu ngân sách giảm so với năm 2017 do trải qua đại dịch, TP triển khai nhiều chính sách giảm thu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, ổn định sản xuất.
Chậm giải quyết các bất cập về đô thị
Hàng loạt vấn đề bất cập về đô thị đang đặt ra với Đà Nẵng nhưng việc xử lý chưa dứt điểm, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, gây bức xúc dư luận. Trưởng Ban Đô thị Nguyễn Thành Tiến cho biết, tình trạng quy hoạch chậm triển khai, dự án treo trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều. Toàn thành phố hiện có 1.084 đồ án và sơ đồ ranh giới quy hoạch nhưng qua rà soát, cần hủy bỏ 56 đồ án và sơ đồ ranh giới. Bên cạnh đó, việc kiểm tra xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng vẫn… chậm, kéo dài làm hạn chế quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân trong vùng dự án, gây bức xúc dư luận. Nhiều dự án hạ tầng còn dở dang chưa được đầu tư dứt điểm.
Gần đây, với sự biến đổi cực đoan của khí hậu, bộc lộ thêm những bất cập mới của đô thị, nhất là chống ngập úng. Tương tự, nhiều điểm ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, đậu đỗ ô-tô tràn lan trên đường làm giảm năng lực lưu thông, chung cư nhà tập thể xuống cấp… vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cũng theo ông Tiến, nhiều công trình trọng điểm động lực về giao thông chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ; năng lực tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công chưa bảo đảm; biện pháp thi công từ phía nhà thầu còn nhiều bất cập, công tác chuẩn bị các dự án tái định cư chậm, dẫn đến tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Nổi bật như dự án đường ĐT 601, đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, tuyến đường vành đai phía Tây, đường vành đai phía tây 2, trục I Tây Bắc…
Gỡ “điểm nghẽn” mặt bằng
Tiến độ giải ngân đầu tư công chậm có nguyên nhân lớn nhất là những vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án trọng điểm cũng vì thế chậm trễ, không tạo được động lực phát triển. Chủ tịch UBMTTQVN TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cho biết, tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất chậm, chủ yếu dồn về các tháng cuối năm, lại trúng mùa mưa bão. Ông Thắng nói, vướng mắc lớn nhất vẫn là công tác đền bù giải tỏa, chậm cả về tiến độ thực hiện và kế hoạch vốn được giao. Theo đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung, để gỡ “điểm nghẽn” về mặt bằng, TP cần quy định về hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu. Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm của quận huyện trong công tác giải tỏa, bàn giao mặt bặt; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, địa phương trong việc chậm tiến độ công tác thi công, giải phóng mặt bằng đối với các dự án được bố trí vốn.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, trong năm 2023 cần xem xét, lựa chọn những công trình, dự án thật sự cần thiết, cấp bách, có tính khả thi cao để đảm bảo nguồn lực khi triển khai thực hiện, tránh việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả và khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.
HẢI QUỲNH
Ông Nguyễn Đình Khánh Vân- Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội cho biết, tình trạng giáo viên nghỉ việc, thôi việc trên địa bàn Đà Nẵng đáng báo động. Thống kê từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022 có 232 cán bộ, giáo viên nghỉ việc, thôi việc. Trong khi đó, nhiều trường xuống cấp chưa được sửa chữa, nhiều trường mới chưa được xây dựng vì thiếu đất, thiếu vốn dẫn đến quá tải, thiếu phòng học dạy ngày 2 buổi với học sinh tiểu học. |