Kiến nghị xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tiến thẳng lên hiện đại
Ngày 26-10, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận về Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Trong đó, nội dung các đại biểu tham gia thảo luận xoay quanh cơ sở pháp lý để xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tiến thẳng lên hiện đại; nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động; việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cũng như công tác phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với các cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ được qui định trong dự thảo luật.
Đại biểu Trần Đình Chung phát biểu thảo luận trực tuyến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thảo luận về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động ngày 26-10.
Đại biểu Trần Đình Chung, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng cho biết, việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động thay cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 là rất cần thiết và quan trọng trong bối cảnh, tình hình mới hiện nay. Bởi lẽ, những năm gần đây, hoạt động chống phá, kêu gọi biểu tình, bạo loạn, phá rối an ninh trật tự (ANTT) của các thế lực thù địch, phản động, các băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí nóng, các yếu tố an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và gia tăng. Luật Cảnh sát cơ động sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn, giúp phát huy tối đa sức mạnh, khả năng tác chiến đặc biệt của lực lượng Cảnh sát cơ động cũng như xác định rõ phạm vi, mức độ quyền hạn của lực lượng này trong thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, tại điều 3 của dự thảo Luật này, Đại biểu Trần Đình Chung đề nghị làm sáng tỏ hơn yếu tố “chuyên trách”, “tính đặc thù” của lực lượng Cảnh sát cơ động trong việc sử dụng biện pháp vũ trang so với các lực lượng khác. Tại điểm b, c, khoản 3 điều 18 quy định về việc Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố được điều động Cảnh sát cơ động để thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp cấp bách. Đại biểu Chung đề nghị qui định rõ các trường hợp như thế nào là cấp bách, vì qua nghiên cứu các văn bản Luật có liên quan, quy định về các tình huống về an ninh trật tự chưa thấy có các quy định giải thích cụ thể về các trường hợp cấp bách.
“Với tính chất của lực lượng Cảnh sát cơ động là lực lượng tác chiến, nhiều trường hợp sử dụng biện pháp vũ trang, vũ khí đặc chủng, hoả lực mạnh. Hoạt động của Cảnh sát cơ động có liên quan tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, vì vậy việc quy định cụ thể các trường hợp cấp bách trong việc điều động các trường hợp cấp bách là rất cần thiết, làm căn cứ xác định phạm vi, quy mô điều động và công tác lãnh đạo, chỉ huy chỉ đạo triển khai Cảnh sát cơ động phù hợp với quy mô, tính chất các vụ việc”- Đại biểu Trần Đình Chung nói.
Trong dự thảo Luật qui định việc Cảnh sát cơ động được quyền mang theo bên mình vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, thiết bị để vào cảng hàng không, lên máy bay dân sự trong trường hợp áp tải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Đại biểu Trần Đình Chung kiến nghị nên mở rộng thêm các trường hợp là đối tượng áp giải. Vì trong thực tế, nhiều trường hợp Cảnh sát cơ động phải mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật lên tàu bay dân sự để áp giải các đối tượng chưa bị khởi tố như đối tượng khủng bố, đối tượng phản động nguy hiểm có yếu tố chính trị hoặc các đối tượng khác có khả năng đe doạ an toàn của Cảnh sát cơ động và những người trên máy bay.
Trong dự thảo Luật cũng qui định Cảnh sát cơ động được yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân cung cấp hồ sơ thiết kế công trình trong trường hợp để giải cứu con tin, trấn áp hành vi khủng bố, tội phạm. Đại biểu Chung đề nghị, không chỉ hồ sơ thiết kế công trình mà cần bổ sung thêm cả phương tiện giao thông như tàu biển, máy bay, tàu hỏa. Bởi lẽ trên thực tế tại các quốc gia khác đã xảy ra khủng bố trên các phương tiện giao thông như trên.
Theo tờ trình của Bộ Công an, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 31 điều, xác định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát cơ động, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể 7 quyền hạn của Cảnh sát cơ động, trong đó bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể, 2 2 quyền hạn bổ sung đó là Cảnh sát cơ động được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, mục đích của việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở vững chắc để Cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.
HẢI QUỲNH