Kiên quyết đấu tranh tội phạm hủy hoại rừng

Thứ ba, 03/06/2014 09:32

(Cadn.com.vn) - Trước tình trạng hủy hoại rừng, chặt phá rừng trái phép diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn, Đảng ủy CA tỉnh Đắc Nông đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ĐU ngày 5-5-2011 về tăng cường công tác phòng chống tội phạm hủy hoại rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, lực lượng CA các cấp trong tỉnh đã tiến hành điều tra, xử lý hàng trăm vụ vi phạm lâm luật, bắt, khởi tố hơn 200 đối tượng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi loại tội phạm này.

Một xe vận chuyển gỗ trái phép bị lực lượng CA và kiểm lâm phát hiện, bắt giữ. 

"Người người phá rừng"

"Người người phá rừng, nhà nhà phá rừng", đó là thực trạng đang diễn ra ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắc Nông. Họ phá rừng để lấy đất sản xuất, để mua đi bán lại, thậm chí là lấy gỗ để bán cho các đầu nậu hoặc đơn giản chỉ lấy… củi về đốt. Một khi để xảy ra tình trạng mất rừng thì kéo theo đó rất nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT khác.

Thực tế điều tra đã chứng minh, có không ít vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, giết người… liên quan tới việc tranh chấp đất rừng. 

Ngay cả hàng ngàn héc-ta rừng của UBND tỉnh cho các Cty thuê để phát triển rừng cũng bị hủy hoại không thương tiếc, biến những Cty này thành những "doanh nghiệp phá rừng" theo cách ví von của nhiều người.

Theo đó, từ năm 2011 tới nay, UBND tỉnh giao 3.145 ha, trong đó đất có rừng là hơn 2.442ha cho các Cty Kiến trúc mới, Hoàng Ba và Cty Cổ phần 59 (đều đóng chân trên địa bàn H. Tuy Đức) thuê để làm dự án khoanh nuôi, phát triển rừng. Sau hơn 3 năm thực hiện dự án, lẽ ra rừng ngày một giàu thêm nhưng ngược lại rừng teo tóp và mất trắng tới hơn 1.637 ha.

Trong đó Cty Kiến trúc mới dẫn đầu danh sách với 1.050 ha rừng bị mất, Cty Hoàng Ba để mất 340.38ha và Cty cổ phần 59 để mất 246.6 ha. Việc một phần đất rừng bị chặt phá cũng là lẽ thường tình bởi diện tích rừng thì quá lớn trong khi đội ngũ chuyên trách làm công tác quản lý bảo vệ rừng mỏng lại có rất ít người được đào tạo bài bản về nghiệp vụ.

Nhiều diện tích rừng ở xã Đắc Ngo, H. Tuy Đức bị người dân chặt phá, lấn chiếm trồng mì.

 Những chuyên án để đời

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, từ năm 2004 đến 2011, Đắc Nông mất khoảng 15.000 ha rừng (trong đó rừng bị chặt phá trái phép là 6.000 ha, số còn lại do triển khai các công trình thủy điện…), chưa tính khoảng 65.000 ha rừng đã mất trước năm 2004.

Trước tình trạng chặt phá, hủy hoại rừng diễn ra phức tạp, Đảng ủy CA tỉnh Đắc Nông ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ĐU ngày 5-5-2011 về tăng cường công tác phòng chống tội phạm hủy hoại rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật.

Thực hiện Nghị quyết trên, các đơn vị nghiệp vụ đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng. CQĐT các cấp trong tỉnh đã khởi tố điều tra 82 vụ với 138 bị can.

Đặc biệt trong năm 2012 và 2013, CA tỉnh đã xác lập và đấu tranh có hiệu quả với 2 chuyên án TX 1212 và TX 0613 điều tra, xử lý các băng nhóm tội phạm hình sự và các đối tượng vi phạm nghiêm trọng quy định sử dụng đất đai, quản lý, bảo vệ rừng tại xã Quảng Trực và xã Đắc Ngo thuộc H. Tuy Đức, được dư luận quần chúng nhân dân đánh giá cao.

Trong Chuyên án TX 1212, CA tỉnh đã điều tra làm rõ và ra quyết định khởi tố 20 vụ án với 72 bị can, trong đó khởi tố 12 vụ với 43 bị can về các hành vi vi phạm quy định sử dụng đất, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do bán đất rừng, hủy hoại đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; lập hồ sơ đề nghị UBND H. Tuy Đức xử lý hành chính đối với 418 trường hợp vi phạm về các quy định sử dụng đất.

Đặc biệt với quyết tâm cao, Ban Chuyên án đã triệt xóa các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen do Nguyễn Văn Thành (biệt danh Thành nghĩa địa, 37 tuổi, trú xã Bom Bo, H. Bù Đăng, Bình Phước), Phạm Văn Toản (tức Đắc) và Phạm Xuân Phương (tức Phương Cơ) cầm đầu.

Ngoài việc tổ chức bảo kê thu mua mì, cho vay nặng lãi, thu tiền  của người dân và các thương lái qua lại tại khu vực này, các đối tượng còn tổ chức cho đàn em  đánh người dân lấy đất để bán, cho thuê và yêu cầu các hộ dân muốn làm rẫy thì phải đóng góp cho bọn chúng với lý do để san ủi đường làm cầu.

Đối với chuyên án TX 0613, đến nay, CA tỉnh đã triệt phá băng nhóm gồm 27 đối tượng có biểu hiện hoạt động theo kiểu "xã hội đen", bắt, khởi tố 10 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, từ đầu năm 2012, Nguyễn Văn Phúc (1981, hay còn gọi là Phúc Mập, trú xã Đắc Ru, H. Đắc R'lấp) đưa theo một số đối tượng từ xã Đắc Ru và Lâm Phước Tân (1988, hay còn gọi là Bé Minh Mở, trú TT Đức Phong, H. Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đưa một số đối tượng từ Bù Đăng vào tiểu khu 1541 thuộc địa bàn giáp ranh giữa xã Đắc Ngo và Quảng Trực, H. Tuy Đức lập thành băng nhóm với hàng chục đối tượng có máu mặt rồi tổ chức cho đàn em của mình dùng hung khí, gậy gộc chặn xe người đi đường và thương lái thu mua nông sản để hành hung, đe dọa cưỡng đoạt tài sản với số tiền trên 150 triệu đồng.

Các đối tượng yêu cầu người dân, các thương lái khi vận chuyển hàng hóa đi qua khu vực này phải nộp tiền "bảo kê" từ 200 đến 300.000 đồng/chuyến. Nhiều người không chịu nộp thì bị hành hung, đuổi ra khỏi khu vực nhưng vẫn không dám tố cáo vì sợ trả thù.

Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT CA tỉnh Đắc Nông đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Phúc và Lâm Phước Tân để điều tra làm rõ về hành vi cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật. Mở rộng điều tra, CQĐT ra quyết định khởi tố bị can đối với 8 đối tượng khác về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Cuối năm 2013, đầu năm 2014, CA tỉnh đã xác lập nhiều chuyên án liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng như RB 1113 và 1113R để điều tra, xử lý các nhóm đối tượng hủy hoại rừng dọc QL14 thuộc địa phận H. Đắc Song và rừng thuộc Lâm trường Nghĩa Tín, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) quản lý…

Phá rừng, kinh doanh buôn bán tài nguyên và sản phẩm từ rừng trái pháp luật được coi là loại hình kinh doanh ít vốn nhưng nhiều lời. Vậy nên cuộc chiến giữ rừng sẽ còn rất nhiều cam go, phức tạp. Vì thế, bên cạnh đó sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng CA các cấp trong tỉnh, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.

Hồng Long