Kiên quyết dừng hoạt động những bến cát không đủ điều kiện

Thứ sáu, 26/05/2017 12:15

(Cadn.com.vn) - Để tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động của các bến cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và đấu tranh với tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Vu Gia và Thu Bồn, cuối tháng 4-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương kiên quyết dừng hoạt động những bến cát không đủ điều kiện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại toàn tỉnh Quảng Nam có gần 50 bến cát, sỏi được phân bố khắp các địa phương nhưng tập trung nhiều nhất tại các huyện, thị xã giáp ranh với TP Đà Nẵng và nằm dọc hệ thống sông Thu Bồn, Vu Gia, cụ thể: TX Điện Bàn: 21 bãi; Đại Lộc: 8 bãi... Tuy nhiên, nhiều bãi cát đang hoạt động không đảm bảo các quy định của Nhà nước, như: không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, không đảm bảo vệ sinh môi trường, có nguy cơ gây mất ATGT đường thủy lẫn đường bộ... Trước thực trạng này, người dân tại nhiều địa phương có bến cát, sỏi hoạt động đã phản ánh với chính quyền địa phương hoặc gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng sự việc vẫn kéo dài, không được giải quyết một cách rốt ráo. Mặc dù được chính quyền các xã cho thuê đất mở bến song về nguồn gốc cát được mua bán tại đây thì chẳng có cơ quan nào quản lý.

Theo ông Ngô Văn T. (trú xã Điện Minh, TX Điện Bàn): Khoảng 70% khối lượng cát được mua bán tại 5 bãi cát ở khu vực sông Điện Bình, Điện Minh là cát khai thác trái phép. Để đối phó với các cơ quan chức năng, các chủ bãi cát thường “sắm” cho mình một “bảo bối”, đó là hợp đồng và một số hóa đơn (không ghi ngày, tháng) mua bán cát với các doanh nghiệp được Nhà nước cấp giấy phép khai thác mỏ. Khi bị kiểm tra, chỉ cần điền ngày, tháng là có được hóa đơn hợp lệ cho số cát lậu vừa được mua. Để có thu nhập cao hơn, một số chủ bến cát, sỏi còn đầu tư đóng tàu để thực hiện hành vi hút cát trộm... gây nên tình trạng sạt lở, làm mất đất sản xuất của người dân tại các bãi bồi ven sông Thu Bồn thuộc địa phận các xã Điện Quang, Điện Trung... (TX Điện Bàn) và các xã Đại Thắng, Đại Cường... (H. Đại Lộc, Quảng Nam) và đã bị lực lượng Cảnh sát Môi trường, Cảnh sát Kinh tế CA tỉnh Quảng Nam bắt, xử lý.

Ngày 23-5-2017, làm việc cùng chúng tôi, ông Phạm Ngọc Anh- Phó phòng TN&MT TX Điện Bàn, cho biết: Trước tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển cát trên địa bàn diễn ra hết sức phức tạp và thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, TX Điện Bàn đã tiến hành rà soát điều kiện hoạt động, hồ sơ pháp lý đối với 21 bãi mua bán cát trên địa bàn. Đến ngày 30-6-2017 sẽ yêu cầu UBND P. Vĩnh Điện và UBND xã Điện Minh chấm dứt hợp đồng cho thuê đất đối với bến bãi của bà Vũ Thị Tuyết Nga, Nguyễn Thị Nga và ông Lương Thống và buộc 3 bãi mua bán cát này dừng hoạt động vì nguy cơ mất ATGT cao. Ngoài ra, buộc các chủ bãi khác phải hoàn thiện các hồ sơ pháp lý mới cho phép tiếp tục hoạt động.

       2 điểm tập kết cát tại TX Điện Bàn sẽ chấm dứt hoạt động vào ngày 30-6-2017. 

Ông Phan Minh Dũng- Phó Chủ tịch UBND TX Điện Bàn, cho biết: Ngoài việc đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, đây là biện pháp nhằm quản lý tài nguyên khoáng sản, hạn chế tình trạng khai thác cát lậu trên cát sông. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép quy hoạch Điện Bàn thành khu đô thị động lực bắc Quảng Nam (do Sun Group thực hiện). Vì vậy, ngoài việc kiên quyết không cho những bến cát không đủ điều kiện hoạt động, trong thời gian đến TX Điện Bàn xóa toàn bộ các bến, bãi trên địa bàn 5 phường, 7 xã dọc tuyến QL1A.

Tại địa bàn H. Đại Lộc, ông Phạm Thùy- Trưởng phòng Kinh tế- Hạ tầng, trao đổi: Trên địa bàn hiện có 8 bãi mua bán cát đang hoạt động. Tuy nhiên, qua kiểm tra chỉ có 6 bãi đủ các điều kiện hoạt động. Do vậy, trong thời gian tới sẽ áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động đối với 2 bãi cát không đảm bảo các tiêu chí về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường... Tương tự, tại H. Duy Xuyên cũng triển khai việc rà soát các điểm mua bán cát, sỏi để có biện pháp chấn chỉnh...

Việc tỉnh Quảng Nam kiên quyết dừng hoạt động những bến cát không đủ điều kiện, hy vọng tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương sẽ được cải thiện. Qua đó sẽ giúp cho cuộc chiến chống “cát tặc” hiệu quả hơn và người dân bớt đi nỗi lo mất đất sản xuất mỗi khi mưa lũ đến.

M.T