Kiến thức xã hội-nhìn từ các gameshow trên truyền hình

Thứ hai, 28/11/2016 09:20

(Cadn.com.vn) - Hiện nay, từ truyền hình của trung ương VTV đến các đài khu vực, đài địa phương đều nở rộ các chương trình giải trí (còn gọi là Gameshow), làm phong phú cho đời sống tinh thần của đông đảo khán thính giả cả nước. Không ít chương trình giúp mở mang kiến thức về kinh tế, xã hội... Và đa phần, đó là những kiến thức bổ ích, rất cần thiết để mọi người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên hiểu về lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc, về nét văn hóa, bản sắc của mỗi vùng miền, những địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh của đất nước... Theo dõi trên các chương trình giải trí trên truyền hình như "Đường lên đỉnh Olympia", "Ai là triệu phú"... trên VTV3 và một số chương trình của đài khu vực, đài địa phương, thường thấy một số người chơi, tuy là những người đã được chọn qua vòng sơ tuyển, những học sinh khá giỏi, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ..., là những người có trình độ văn hóa, có hiểu biết rộng. Nhưng qua cách trả lời đã thể hiện sự nghèo nàn về kiến thức, nhất là kiến thức về địa lý, lịch sử, văn hóa của đất nước và cả của địa phương mình sinh ra và lớn lên.

Không phải là "vơ đũa cả nắm" nhưng phải nhìn nhận rằng, có những kiến thức về lịch sử, địa lý rất sơ đẳng, mà đối với những ai đã ngồi trên ghế nhà trường phổ thông ít nhiều đều phải biết nhưng lại có nhiều người trả lời sai hoặc không trả lời được. Mới đây nhất là trường hợp một kỹ sư tham gia một chương trình, ngay từ câu đầu tiên đã phải nhờ quyền trợ giúp với câu hỏi "Hiện tượng El nino là gì?, đã khiến nhiều người xem chương trình khá bất ngờ. Theo dõi nhiều game show trong những năm qua, người viết đã không ít lần chứng kiến một số thí sinh rất yếu về các kiến thức mang tính sơ đẳng. Chẳng hạn câu Mẹ Suốt quê ở đâu thì trả lời "gần đúng" là quê ở Quảng Trị!? Khởi nghĩa Ba Tơ xảy ra ở tỉnh nào người thì nói là Bến Tre, người thì nói là Quảng Trị. Rồi là hàng loạt những vụ "lắp ráp" theo kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" đem địa danh miền Bắc vào gắn cho miền Trung, miền Nam hay ngược lại. Chẳng hạn, Địa đạo Vịnh Mốc ở Vĩnh Linh nổi tiếng cả nước trong kháng chiến chống Mỹ, chỉ sau địa đạo Củ Chi ở TPHCM, nhưng lại được đem gắn cho Quảng Nam!? Đành rằng có thể thông cảm cho những người chơi, do căng thẳng, thời gian gấp gáp nên có thể trả lời nhầm hoặc không kịp nghĩ ra... nhưng cũng có không ít trường hợp thời gian tới 30 giây cho một câu trả lời mà những kiến thức phổ thông rất thông dụng vậy vẫn nói sai hoặc không nói được. Thế hệ thanh thiếu niên, học sinh sinh viên hiện nay, về kiến thức tự nhiên, tin học ngoại ngữ có thể nhanh nhạy, giỏi hơn các thế hệ đi trước, do có nhiều điều kiện để trau dồi nâng cao, tiếp cận với thông tin nhưng, buồn thay sự hiểu biết đó lại tỷ lệ nghịch với kiến thức về xã hội. Các em có thể nói nhanh tên của một diễn viên điện ảnh Hàn Quốc, một danh thủ của các đội bóng đang đá giải ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, một ca sĩ hàng "sao" của Âu-Mỹ nhưng lại lúng túng khi trả lời về các danh nhân lịch sử, văn hóa trong nước.

Thử đi tìm nguyên nhân của hiện tượng trên, có người cho rằng, thanh thiếu niên hiện nay chỉ cần tiếp cận với cái mới hiện đại, tiên tiến, mà không cần biết nhiều đến quá khứ, đến gian khổ chiến tranh mà cha ông đã trải qua; chỉ cần biết cách làm giàu, hưởng thụ, sống với hiện tại và tương lai... Như vậy thì quả là sai lầm và nguy hiểm. Câu "nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác" không bao giờ lỗi thời. Khi ở nhà trường, môn văn thì học sinh chủ yếu học thuộc các bài văn mẫu, các môn lịch sử, địa lý thì bị xem nhẹ, dẫn đến kiến thức cơ bản ngày càng sa sút. Sách văn học có giá trị giáo dục về truyền thống, mang ý nghĩa nhân văn quá thiếu nếu so với những cuốn truyện tranh theo mô típ Nhật Bản được xuất bản liên tục, ở đâu cũng có thể tìm đọc, ngay cả Lễ hội sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, một NXB chuyên về đề tài thiếu niên nhi đồng, các nhân vật truyện tranh nước ngoài nổi tiếng được tái hiện qua hình thức "sân khấu hóa", trong khi lại rất ít thấy các nhân vật là người Việt Nam...

Có nhiều dịp tiếp xúc với thanh thiếu niên, trong đó có không ít là các đoàn viên thanh niên, những công chức viên chức nhà nước, người viết thấy rằng, sự  hiểu biết về lịch sử, địa lý -chưa nói là của đất nước  ta- mà mới chỉ trong phạm vi của địa phương, nơi họ sinh ra và lớn lên còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, việc nắm bắt về tình hình thời sự, những sự kiện nổi bật của đất nước, nhiều bạn trẻ vẫn còn ít quan tâm, một phần vì họ ít chịu khó theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, một phần vì mải lo công việc, cũng có thể là do mải mê trong các hình thức giải trí thời thượng... "Dân ta phải biết sử ta" là vấn đề đang đặt ra cho mỗi người dân đất nước, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, những thế hệ "rường cột", chủ nhân tương lai của nước nhà. Khẩu hiệu "người Việt Nam phải biết về Việt Nam" ngay từ bây giờ phải được xem là một đòi hỏi nghiêm túc. Không thể chỉ tổ chức vài cuộc thi tìm hiểu, tổ chức các game show trên truyền hình... là mọi người đều sẽ biết rõ về những gì liên quan đến đất nước-dân tộc. Để người Việt Nam biết rõ về truyền thống lịch sử, địa lý...của đất nước mình là công việc thường xuyên và lâu dài. Đó là sự tham gia của chính quyền các cấp, cơ quan văn hóa thông tin, các báo đài địa phương, các trường học, gia đình... Bên cạnh đó, các hoạt động phong trào, văn hóa văn nghệ nên được gắn liền, lồng ghép với nội dung tìm hiểu về những thông tin liên quan đến chiều dài lịch sử chiến đấu và dựng xây của đất nước. Nên chăng tổ chức diễn đàn hoặc cuộc thi quy mô với đề tài "Dân ta phải biết sử ta"... Có như vậy, lứa tuổi thanh thiếu niên của chúng ta sẽ tự hào hơn về quê hương, đất nước, từ đó có động lực phấn đấu vươn lên, góp sức xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, sánh vai cùng cường quốc năm châu.

Dân Hùng