"Kiếp hoa" ngày ấy

Thứ hai, 10/03/2014 11:59

(Cadn.com.vn) - Kiếp hoa là dự án phim mang tính gia đình, bởi thời đó, chưa có đạo diễn, chưa có nhà quay phim. Để chuẩn bị cho sự ra đời bộ phim, từ năm 1952, có tới 300 truyện phim dự thi, nhưng bầu Long (nghệ danh Trần Lang, tên thật là Trần Viết Long, Trưởng đoàn hát Kim Chung) chỉ chọn được kịch bản Kiếp hoa. Nữ diễn viên chính - vai Ngọc Lan - do diễn viên Kim Chung (vợ bầu Long) đảm nhận. Kim Xuân (em dâu của bầu Long) vào vai thứ chính Ngọc Thủy.  Đáng chú ý, trong những vai thứ còn có Ngọc Toàn là một diễn viên được chọn từ Đà Nẵng (vai Nhạc). Riêng vai nam chính dành cho một cự phú ở Hà Nội, Trần Quang Tứ, bởi ông này đủ chiều cao tương xứng với diễn viên nữ chính Kim Chung.

Một cảnh trong phim Kiếp hoa.

Phim Kiếp hoa kể về câu chuyện tình yêu khá ly kỳ, gay cấn của hai chị em Ngọc Lan - Ngọc Thủy trên đường tản cư chống thực dân Pháp. Thế nhưng, do hoàn cảnh chiến tranh, họ lạc nhau trên các bước đường ly loạn. Khi gặp lại thì Ngọc Lan đã trải qua "bao phen sóng dập gió vùi", buộc lòng phải nhờ em gái gánh thay mình mối nhân duyên với chàng trai đã đính ước. Ngọc Thủy mang nét đẹp của nàng Thúy Vân, "khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang". Thủy nhí nhảnh, vô tư bên cạnh người chị đa đoan và bạc mệnh. Bài hát Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là ca khúc chính trong phim.

Ông Mai Văn Minh, năm nay 80 tuổi, là khán giả từng theo dõi Kiếp hoa từ khi bộ phim vừa ra đời tại Hà Nội, kể: "Ngày đó, Kiếp hoa thực sự là một sự kiện nghệ thuật đình đám của đất Thăng Long. Tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác choáng ngợp khi nhìn thấy người ta quảng bá bộ phim này bằng cách thuê nguyên một máy bay trực thăng rải các tờ bướm quảng cáo quanh Hồ Gươm. Trong những lần chiếu đầu tiên, bao giờ rạp cũng đông kín người. Nghe nói tiền bán vé thu được sau một thời gian công chiếu đã giúp ông bầu sắm được một ngôi biệt thự sang trọng".

Thực vậy, theo các tài liệu nghiên cứu về lịch sử điện ảnh Việt Nam đều thừa nhận, Kiếp hoa được xem là phim nội địa hay nhất,  với doanh thu hơn 5 triệu đồng, đoàn Kim Chung có lực để phát triển một thời gian rất dài. Sau thời kỳ chia đôi đất nước (1954), tại miền Nam, phim Kiếp hoa vẫn được chiếu lại nhiều lần, trong đó, lần xuất hiện cuối cùng vào khoảng năm 1974, vẫn thu hút đông đảo khán giả mang nỗi lòng hoài cổ, quyến luyến Hà  Nội xưa...

Kiếp Hoa là một trong những bộ phim có tiếng đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, do Công ty Kim Chung Điện ảnh sản xuất năm 1953 tại Hà Nội - thời kỳ được xem là hoàng kim của sân khấu cải lương, phim ảnh vẫn còn là bộ môn nghệ thuật mới mẻ với nước ta. Suốt 60 năm qua, đặc biệt từ năm 2012, sau khi Viện lưu trữ phim Việt Nam hoàn tất tu sửa hình ảnh điện tử cho bộ phim 8 cuốn "Kiếp hoa" ở độ phân giải 2K (từ bản gốc do nghệ sĩ Kim Chung gởi tặng trước lúc qua đời), bộ phim này vẫn không ngừng được công chúng quan tâm, không chỉ bởi những hình ảnh quý hiếm của một thời Hà Nội xưa, mà còn bởi nội dung phản ánh về thân phận người nữ trong bối cảnh thời ly loạn...

Theo nghệ sĩ Tiêu Lang, bộ phim Kiếp hoa đã khởi đầu cho nghề bán vé chợ đen ở Việt Nam. Nghệ sĩ Kim Xuân cho biết, thay vì trả cát sê cho em dâu, bầu Long đã mua tặng bà một chiếc nhẫn kim cương 1 carat. Sau này bà bán đi được 5 triệu đồng, phụ vào số tiền 13 triệu đồng mua căn nhà số 46-Bát Đàn vợ chồng bà đang ở hiện nay.

Tác giả Nguyễn Như Quỳnh nhận định: "Kiếp hoa hay bởi giai điệu của âm nhạc, của tình yêu, của vẻ đẹp làng quê sơ tán và của chính Hà Nội yêu thương. Ở thời điểm đó, Kim Chung làm phim như thế quả là tuyệt tác. Kịch bản phim theo một tuyến thẳng, với những bất ngờ, kịch tính cho đến phút cuối cùng. Bối cảnh của phim những năm đó, không ồn ào bởi chiến tranh hay mất mát đau thương mà chính là sự gặp gỡ của những tâm hồn trẻ trung ở chốn làng quê thanh bình. Họ đối đáp, hát với nhau bằng những câu ca dao duyên dáng, giai điệu của Dư âm, của Làng tôi nhẹ nhàng, xuyên suốt bộ phim...".

Tác giả cũng nhấn mạnh những cảm xúc đầy ấn tượng về Hà Nội do bộ phim để lại: "Hà Nội những năm sơ tán, không tiêu điều, bom đạn, những trường đoạn về cảnh 2 chị em đi tìm Thịnh và việc làm, không lam lũ, dù ở đâu và thế nào, nhân vật của chúng ta vẫn đáng yêu, vẫn duyên dáng, đó cũng chính là hình ảnh đẹp của một Hà Nội theo nghĩa thanh bình, thanh lịch. Hình ảnh những cô gái mặc áo dài trắng bên Hồ Gươm hay hồ Tây, đặc trưng của một Hà Nội mà tình yêu của các nhà làm phim phải gửi vào đó rất nhiều trân trọng và yêu thương...".

Trước thành công vượt bậc của Kiếp hoa, bầu Long dự định dựng  tiếp phim Trống mái theo tiểu thuyết của Khái Hưng. Tuy nhiên, khi phim đang giai đoạn chọn diễn viên thì diễn ra Hiệp Định Genève 1954 ra đời, ông Long mang đoàn Kim Chung vào Nam, dần phát triển mạnh, lập ra nhiều gánh (từ đoàn 1 đến đoàn 6). Bầu Long mất năm 2003 và nghệ sĩ Kim Chung mất năm 2008 tại TPHCM. Với những hoạt động sân khấu, điện ảnh gia đình  của đoàn Kim Chung đã đóng góp rất lớn cho nền nghệ thuật nước nhà.

Trần Trung Sáng