Kinh hoàng 5 vụ sạt lở núi tại Quảng Nam: Đau thương trùm khắp núi rừng

Thứ sáu, 30/10/2020 10:06

Ngay sau bão số 9 (ngày 27 và 28-10), liên tiếp 5 vụ sạt lở tại vùng núi Quảng Nam khiến cả nước kinh hoàng. Vụ thứ nhất xảy ra ở thôn 1, xã Trà Leng, H. Nam Trà My vùi lấp 53 người, đã cứu được 34 người, 19 người chết và mất tích. Vụ thứ hai cũng xảy ra ở thôn 1, xã Trà Leng, 1 người chết. Vụ thứ ba xảy ra ở xã Trà Vân, vùi lấp 20 người, đã cứu được 12 người, 8 người chết. Vụ thứ tư xảy ra tại thôn 6, xã Phước Lộc, H Phước Sơn, vùi lấp 11 người, đã xác định 5 người chết, 6 người mất tích. Vụ thứ 5 xảy ra ở thôn 1, xã Phước Lộc, H. Phước Sơn, 2 cán bộ bị vùi lấp trên đường đi công tác, được xác định mất tích(*).

Nhóm P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đang nỗ lực tiếp cận hiện trường các vụ sạt lở, ghi nhận nỗi đau khủng khiếp của gia đình nạn nhân và nỗ lực tuyệt đối cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng chức năng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có mặt tại Bắc Trà My chỉ đạo công tác cứu nạn.

Tang thương bao phủ

Sau hơn một giờ đi bộ, vượt qua hơn 10 điểm sạt lở với những đoạn đường đầy lầy lội, cây cối ngã đổ chằng chịt do trận bão gây ra, chúng tôi đã đến được vị trí sạt lở thuộc nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, H. Nam Trà My, Quảng Nam) - nơi có 53 người dân bị vùi lấp bởi lở núi. Trên đường đi, có rất nhiều người cõng những nạn nhân may mắn còn sống sót đi cấp cứu. Tiếp cận hiện trường, khung cảnh tan hoang diễn ra trước mắt, có hàng ngàn khối đất đá từ trên núi đổ xuống vùi lấp ngôi làng tại nóc Ông Đề. Hàng trăm người gồm Công an, Quân đội, người dân địa phương tập trung xới từng mét đất, lật từng thanh gỗ tìm kiếm những nạn nhân. Tiếng gào khóc của người thân nạn nhân đầy thê lương, vang vọng khắp núi rừng. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, thi thể nạn nhân thứ 6, là một người đàn ông chừng 50 tuổi được các lực lượng chức năng tìm thấy trong đống đổ nát.

Hiện trường tan hoang sau trận lở núi kinh hoàng ở nóc Ông Đề, xã Trà Leng. 

Là nhân chứng sống trong vụ sạt lở, ông Nguyễn Thành Sơn (52 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng kể: Do ảnh hưởng của bão nên từ tối 27-10 ở đây đã có gió và mưa, đến rạng sáng hôm sau gió mạnh và mưa rất to. Thấy gió mạnh, 13 hộ dân ở nóc đã đến nhà tôi và anh Lê Hoàng Việt (Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng) trú bão vì nhà cửa kiên cố hơn. Khoảng 12 giờ trưa, trên đồi núi phát ra tiếng nổ lớn, mọi người cứ nghĩ là sấm sét. Đến 15 giờ, phát hiện trên đồi núi có một cây gỗ bị sạt lở trôi xuống tôi và anh Việt bước ra xem. Lúc anh Việt đang quay clip bỗng cả khối đất trên đồi đổ ầm xuống vùi lấp cả ngôi làng. “Thấy đất trên núi đổ xuống, tôi hét lớn “sạt lở... chạy bà con ơi”. Nhưng sự việc xảy ra quá nhanh, sau tiếng “ầm” thì nhiều người không kịp chạy thoát, bị đất đá vùi lấp. Tôi bị đất đẩy ra ngoài cách nhà khoảng 10m, đất lấp gần nửa người. Lát sau tỉnh dậy, tôi cố hết sức bò lên nhìn quanh khung cảnh hoang tàn, nhà cửa các hộ dân đã bị đất vùi lấp. Tôi cố gọi: Bà con còn ai sống không? Thì từ trong đống đổ nát nhà bếp có tiếng kêu cứu. Tôi lật đống gỗ lên phát hiện một đứa bé nên kéo ra. Sau đó tôi cứu tiếp 2 đứa nữa bị vùi lấp nửa người, có một bé bị dập nát 1 chân. Phát hiện sự việc, người dân nóc bên và chính quyền xã đã đến cứu được hơn 20 người bị thương đưa đi cấp cứu. Tôi tìm thấy thi thể vợ tôi nằm dưới đống gỗ...”, ông Sơn nghẹn ngào.

Vừa thoát khỏi tay tử thần, chị Trần Thị Kim Yến (29 tuổi) thẫn thờ cõng đứa con gái nhỏ trên lưng chạy thật nhanh ra đưa đi cấp cứu. Vẫn chưa hết sợ hãi, chị Yến kể: “Sự việc xảy ra quá nhanh, tôi ở trong nhà anh Việt nên không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi chỉ còn 1 đứa con này thôi, nhưng nó bị đa chấn thương không biết có qua khỏi không. Thi thể 1 đứa đã được tìm thấy, 2 đứa nữa vẫn còn nằm trong lòng đất”.

Lực lượng cứu nạn đưa một thi thể ra khỏi nơi bị vùi lấp.

Hay tin cả làng bị lở núi vùi lấp, anh Hồ Văn Trung (19 tuổi) đang học một trường cao đẳng tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đã tức tốc chạy về quê. Thấy cả cha và mẹ bị vùi dưới lòng đất, Trung chỉ biết gào khóc. Trung còn một đứa em đang học phổ thông tại TT Nam Trà My và người anh đang học tại tỉnh TT-Huế vẫn chưa biết hung tin này.

Trao đổi với P.V tại hiện trường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng Phan Quốc Cường cho hay, chưa năm nào xã Trà Leng bị sạt lở nghiêm trọng như vậy. Ảnh hưởng của bão số 9 mưa lớn khiến trên địa bàn xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Trong lúc chính quyền địa phương tiếp cận một điểm sạt lở tìm kiếm được 1 người tử vong tại thôn 2 thì tiếp tục nhận được thông tin vụ sạt lở kinh hoàng tại nóc Ông Đề vùi lấp 13 hộ dân. Ngay sau khi nhận thông tin, chính quyền xã đã chỉ đạo toàn bộ lực lượng tìm kiếm, cứu được 34 người đưa đi cấp cứu. Đến 15 giờ ngày 29-10 đã tìm thấy 6 thi thể, hiện còn 13 người dân vẫn còn vùi lấp dưới đống đổ nát...

Những người bị thương nặng ở Trà Leng được đưa ra trung tâm huyện để điều trị. 

Huy động tối đa lực lượng tìm kiếm

Trước đó khuya 28-10, sau khi nhận được thông tin vụ lở núi đặc biệt nghiêm trọng trên, ngay trong đêm Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại BCH Quân sự tỉnh Quảng Nam cùng lãnh đạo địa phương khẩn trương bàn kế hoạch cứu nạn. Đến sáng 29-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có mặt tại Sở Chỉ huy tiền phương cứu nạn đặt tại BCH Quân sự H. Bắc Trà My để chỉ đạo triển khai kế hoạch nhanh chóng tiếp cận hiện trường vụ sạt lở. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, mặc dù đã có sự lường trước về hậu quả do mưa bão. Chúng ta đã chủ động phòng chống bão nhưng đối với sạt lở đất thì thật sự khó lường. Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị, hậu cần với phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm. Trong quá trình tìm kiếm phải đảm bảo tuyệt đối an toàn lực lượng, rất thận trọng nhưng phải đảm bảo công tác tìm kiếm diễn ra khẩn trương. Nếu thời tiết tốt thì phải khẩn trương từng ngày, từng giờ... 

Lực lượng cứu hộ và người dân tìm kiếm các nạn nhân ở Trà Leng. 

Về lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn, ngay trong đêm 28-10, đoàn công tác của Quân khu V do Trung tướng Nguyễn Long Cáng - Tư lệnh Quân khu V đã khảo sát việc mở đường vào hiện trường 2 vụ sạt lở ở Nam Trà My. Tư lệnh Quân khu V Nguyễn Long Cáng yêu cầu lực lượng công binh sử dụng cơ giới phải nhanh chóng mở đường sớm nhất có thể. Đồng thời phải làm sao vừa cứu người dân vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Việc tiếp cận khu vực sạt lở ở Trà Leng và Trà Vân đang gặp nhiều khó khăn do đường sá bị sạt lở, cây cối ngã đổ rất nhiều. Để kịp thời ứng cứu, Quân khu V đã huy động 200 CBCS các đơn vị, gồm: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Sư đoàn 315, Lữ đoàn Công binh 270, Lữ đoàn Thông tin 575. Bên cạnh đó còn huy động các phương tiện, khí tài chuyên dụng như xe múc, xe lật, xe thông tin Vsat, xe cứu thương... Ngoài lực lượng quân sự, CA tỉnh Quảng Nam cũng huy động hàng chục CBCS có mặt tại Sở Chỉ huy tiền phương để hỗ trợ mở đường, tiếp cận các điểm sạt lở.

Trưa 29-10, tại Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại BCH Quân sự H. Bắc Trà My, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã họp bàn phương án tiếp cận điểm sạt. Ngoài phương án huy động lực lượng công binh mở đường thì các phương án khác như: sử dụng ca-nô để duy chuyển bằng đường thủy, sử dụng trực thăng để nhanh chóng tiếp cận cũng được bàn đến. Tuy nhiên, các phương án trên gặp nhiều trở ngại do địa hình đồi núi phước tạp, cây cối ngã đổ chắn các sông suối.

Hiện trường vụ sạt lở vùi lấp 11 người dân tại xã Phước Lộc, Phước Sơn. Ảnh: P.S

Qua trao đổi và bàn tính, kết thúc cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Long Cáng cho triển khai theo kế hoạch ưu tiên sử dụng bộ binh để mở đường, tiếp cận hiện trường bằng đường bộ, theo đường bê-tông từ thôn 6 (xã Trà Tân, Bắc Trà My) đi vòng qua điểm sạt lở ở Trà Đốc (Bắc Trà My) để tiếp cận điểm sạt lở sớm nhất. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cử trinh sát tiếp cận bằng đường thủy qua địa phận xã Trà Bui (Bắc Trà My) để đến hiện trường.

Với tinh thần khẩn trương, đến đầu giờ chiều 29-10, lực lượng chức năng đã thông tuyến QL40B đến địa phận đường liên xã vào Trà Leng. Từ đây, lực lượng công binh phối hợp với các lực lượng tại chỗ tiếp tục đi bộ vào hiện trường vụ sạt lở để cứu nạn. Hiện lực lượng Quân Khu V, BCH Quân sự tỉnh, Công an tỉnh Quảng Nam… đang khẩn trương tiếp tục huy động thêm hàng trăm CBCS và phương tiện cơ giới xuyên đêm tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích.

4 nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sạt lở núi vẫn chưa hết bàng hoàng. 

Cũng tại H. Nam Trà My, một vụ sạt lở núi khác xảy ra tại nóc Ông Sinh, xã Trà Vân khuya ngày 28-10 đã vùi lấp ngôi nhà của anh Đinh Văn Thiều khiến 8 người tử vong, 12 người bị thương. Cụ thể, hộ anh Đinh Văn Thiều có 4 người chết, trong đó có 1 trẻ mới sinh; hộ anh Vũ Văn Nam 3 người chết, trong đó có 1 em học lớp 5, 1 em học lớp 7; hộ anh Vũ Văn Trường có 1 người chết, nạn nhân học lớp 2. Các nạn nhân bị vùi lấp tử vong đã được tìm thấy. Điều đáng nói, các hộ dân trên đến tập trung trú bão tại nhà anh Đinh Văn Thiều thì xảy ra sự cố đau lòng trên.

Tang thương không chỉ xảy ra tại H. Nam Trà My, chiều tối ngày 28-10 một vụ lở núi khác ập xuống một ngôi làng ở thôn 6, xã Phước Lộc (H. Phước Sơn, Quảng Nam). Vụ lở núi trên khiến 11 người bị vùi lấp. Đến tối 29-10, lực lượng cứu hộ cho biết, đã tìm được 5 thi thể trong số 11 người trên. Điều đáng nói cũng tại xã Phước Lộc, chiều ngày 28-10, anh Hồ Văn Độ (1992, Phó Bí thư Đoàn xã Phước Lộc, H. Phước Sơn) và anh Hồ Văn Sợ (1995, cán bộ Ban Dân vận xã Phước Lộc) trong lúc đi làm nhiệm vụ kiểm tra, hỗ trợ dân sơ tán tại thôn 1 của xã thì bất ngờ bị núi lở, vùi lấp mất tích. Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng của xã đã tích cực tìm kiếm, nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện được các nạn nhân.

Anh Hồ Văn Trung đau đớn trước cái chết ập đến quá bất ngờ đối với cha mẹ mình.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà- Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, người trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn tại khu vực này, lực lượng chức năng tỉnh, bộ đội và chính quyền địa phương đã phải rút quân ra thị trấn Khâm Đức (H. Phước Sơn) do đường đi sạt lở chia cắt phức tạp, quãng đường vào tới hiện trường còn khoảng 30km trong khi trời đã tối. “Sáng 30-10 sẽ tính lại phương án và tìm cách tiếp cận. Hiện tại đường rất nguy hiểm nên đoàn đã phải trở ra”, ông Hà cho hay. 

Cũng trong chiều 29-10, lãnh đạo Cty cổ phần Năng lượng Agrita Quảng Nam - chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Mi 2, sau khi triển khai lực lượng ở hiện trường, đoàn của Cty đã tiếp cận được tất cả 5 điểm mà 200 công nhân đang thi công dự án thủy điện bị mắc kẹt nhiều giờ qua. Số công nhân này bị cô lập, chia cắt trong quá trình dựng lán trại thi công ở các điểm hồ đập. Thông qua việc liên lạc chập chờn, các công nhân đang bị cô lập thông báo tình hình vẫn an toàn, tất cả được lệnh tập trung tại các lán sinh hoạt, không được phân tán hay tự ý đi lại ở các khu vực có nguy cơ sạt lở hoặc gần dòng nước. “Một đoàn cán bộ đã được điều động để tiếp tế lương thực, ổn định tâm lý cho số người bị mắc kẹt. Cty cũng báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng để lên phương án hỗ trợ hiệu quả, đưa họ ra khỏi vùng nguy hiểm”, vị lãnh đạo này nói.

Cán bộ nhân viên Thủy điện Đăk Mi 2 dùng dây tời tiếp lương thực cho 200 công nhân bị cô lập khu vực nguy hiểm. Ảnh: P.S

Trước sự việc trên, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân dẫn đầu đã tiếp cận hiện trường vụ sạt lở. Tuy nhiên trên tuyến đường vùng cao này xuất hiện nhiều điểm sạt lở tại các khu vực xã Phước Kim, Phước Chánh, Phước Công nên đến tối 29-10, đoàn cứu nạn vẫn chưa đến được điểm sạt lở trên.

TRẦN TÂN - LÊ VƯƠNG - Công Khanh

 (*) Số liệu cập nhật đến 23 giờ ngày 29-10-2020.