Kinh tế Đà Nẵng có nhiều tín hiệu lạc quan

Thứ hai, 31/03/2014 09:26

(Cadn.com.vn) - 3 tháng đầu năm nay, kinh tế TP Đà Nẵng có nhiều khởi sắc trên một số lĩnh vực. Dấu hiệu của sự phục hồi thể hiện khá rõ ở những con số chỉ tiêu. Đây là những tín hiệu đáng mừng, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, kiên trì, tập trung cao độ cho phát triển kinh tế của TP.

Lượng khách du lịch nước ngoài đến Đà Nẵng tăng đáng kể
(ảnh: Du khách tham quan và mua sắm tại chợ Hàn).

CÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG PHỤC HỒI NHANH

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Đà Nẵng trong ba tháng đầu năm 2014 tăng 7,78%, tăng cao hơn cùng kỳ năm 2013 0,69% (cùng kỳ năm 2013 tăng 7,09%). Trong đó: tăng cao nhất là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,19%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 0,64% năm 2013; Khu vực dịch vụ tăng 7,18%, thấp hơn mức tăng 11,94% năm 2013; Khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 1,39% so với năm 2013.

Như vậy, mức tăng trưởng quý I chủ yếu do đóng góp của hai lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đóng góp quan trọng cho GDP TP (chiếm 3,55 điểm) là lĩnh vực công nghiệp có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng ở mức 12,44% (trong khi đó năm 2013 chỉ tăng 3,81%); ngành xây dựng tăng 3,03%, cao hơn nhiều so với mức tăng âm 0,24% năm 2013.

Một số ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ như sản xuất hóa dược liệu tăng 70,67%, sản xuất thiết bị điện tăng 33,78%, sản xuất giày dép tăng 25,21%, sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 38,73%, xi-măng tăng 36,37%... Tuy nhiên, lĩnh vực đóng góp vào GDP lớn nhất của năm 2013 là dịch vụ thì nay tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ 2013. Đây cũng là mức tăng hợp lý trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp mà lãnh đạo TP đề ra ngay từ đầu năm.

Theo ông Lê Đức Tráng, Cục trưởng Cục Thống kế Đà Nẵng, sản xuất công nghiệp quý I-2014 có tốc độ tăng trưởng khá, những DN lớn như may mặc, giày thể thao, thủy sản… đã có đơn hàng cho quý II. Các ngành DN trong ngành công nghiệp khai thác đá, xi-măng, bê-tông, sắt thép là những ngành phục vụ cho xây dựng đã dần được khắc phục và bắt đầu tăng trưởng trở lại… Cũng theo ông Tráng, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 3 tháng đầu năm là 5.107 tỷ đồng, tăng 7,16% so với cùng kỳ 2013 và đạt 18,38% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 1.283 tỷ đồng, bằng 49,79%, vốn ngoài ngân sách đạt 3.142 tỷ đồng tăng 91,31% và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài 592 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2013…

Một trong những tín hiệu lạc quan là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I đạt 235 triệu USD, tăng 7,29% so với cùng kỳ 2013, một số nhóm hàng xuất khẩu tăng mạnh như: nông lâm thủy sản đạt 36 triệu USD tăng 20,5%; hàng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt 200 triệu USD, tăng 10,7%... Tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 242 triệu USD, chỉ tăng 5,43% so với cùng kỳ.

Với những tín hiệu khởi sắc trên cộng thêm một tín hiệu vui khác đó là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 Đà Nẵng trở lại dẫn đầu. Đây không chỉ là vấn đề thứ hạng mà là sự khẳng định cho những cam kết cải cách, cải thiện về môi trường đầu tư, năng động của lãnh đạo TP, tạo điều kiện, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thời gian qua. Nhờ vậy, TP đã gặt hái được “quả ngọt” trong việc thu ngân sách năm 2013 và quý I-2014

Công nghiệp Đà Nẵng đang trên đà phục hồi nhanh.
Trong ảnh: Sản xuất săm lốp tại Cty Cao su Đà Nẵng.

LẠM PHÁT GIẢM SÂU

Chỉ Số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2014 giảm mạnh xuống 0,64% so với tháng trước, và chỉ tăng 0,75% so với tháng 12-2013. Như vậy, CPI Đà Nẵng quý I-2014 chỉ tăng 3,78% so với cùng kỳ 2014, trong khi đó, quý  I-2013 tăng 9,12% so với cùng kỳ 2012. Trong khi đó, cả nước tháng 3 giảm 0,44% và quý I-2014 tăng 4,96%, mức tăng thấp nhất trong vòng 11 năm qua. Phần lớn giá các nhóm hàng đều giảm so với mức giá bình quân chung của cùng kỳ 2013, trong đó nhóm hàng lương thực thực phẩm và bưu chính viễn thông đều giảm so với bình quân năm 2013.

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm CPI tăng thấp là do nhu cầu tiêu dùng xuống thấp hơn so với năm trước, người dân chi tiêu ngày càng tính toán, tiết kiệm, hiệu quả và thông minh hơn. Ngoài ra, nguyên nhân tâm lý của người tiêu dùng không còn sợ lạm phát, nên không mua hàng hóa dự trữ. Tuy nhiên, CPI giảm mạnh cũng là một tín hiệu lạc quan đối với mục tiêu ổn định và kiềm chế lạm phát trong năm nay. Mặt khác, CPI giảm là cơ sở để NHNN tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giúp các DN giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá thành và từ đó sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Tóm lại, năm 2014, lãnh đạo TP chọn là “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung thực hiện 10 công trình trọng điểm, hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách; Tăng đầu tư, chăm lo, phát triển lĩnh vực văn hóa; Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm hộ nghèo, xóa nhà tạm; Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị và đảm bảo trật tự an toàn giao thông… Vì vậy, những tín hiệu phục hồi kinh tế khá rõ nét tạo động lực cho Đà Nẵng về đích các chỉ tiêu trong năm 2014.

Xuân Đương