Kinh tế Đà Nẵng đang phục hồi sau đại dịch

Thứ năm, 14/05/2020 07:27

Sau thời gian bị tác động suy thoái bởi dịch bệnh Covid-19, kinh tế Đà Nẵng đang dần phục hồi trong trạng thái mới. Các hoạt động dịch vụ, sản xuất, đầu tư , xây dựng... mang những tín hiệu tích cực. Tuy vậy, trạng thái phục hồi kinh tế này chưa thể xem là bền vững.

Hoạt động sản xuất trở lại nhưng chưa bền vững do dòng vốn, nguyên liệu, hàng hóa trong chuỗi toàn cầu bị “đứt gãy” chưa được hàn gắn hoàn toàn.

Các công trường sôi động

Từ đầu tháng 5-2020, sau thời gian dỡ bỏ giãn cách xã hội,  hoạt động đầu tư, xây dựng của TP nhanh chóng sôi động trở lại. Trên các công trình trọng điểm đầu tư công như  khu CNC, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nhà máy nước Hòa Liên, đường vành đai phía Tây…nhịp độ xây dựng được đẩy lên cao độ. Tương tự là nhịp độ xây dựng tại các dự án lớn của tư nhân như khu phức hợp Đà Nẵng Times Square (2,1ha gồm 7 tòa tháp cao tầng với tổng vốn hơn 5 ngàn tỷ đồng) đã thực hiện hơn 1 ngàn tỷ đồng đạt khoảng 20%;  dự án Mikakispaand Hotel Resort tại Xuân Thiều rộng12ha, tổng vốn 2,4 ngàn tỷ đồng, hiện đã thực hiện hơn 654 tỷ đồng đạt hơn 27%. Tính trong quí I, các dự án đầu tư của tư nhân trên địa bàn đã thực hiện khoảng 7 ngàn tỷ đồng, các dự án đầu tư công thực hiện hơn 1,2 ngàn tỷ đồng (cao gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước).

Ngoài hoạt động xây dựng sôi động thì việc thu hút, cấp phép đầu tư cũng đang trở lại ấn tượng. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, 4 tháng qua TP thu hút 13 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, trong đó riêng 4 dự án được cấp Quyết định đầu tư đã có tổng vốn hơn 10,8 ngàn tỷ đồng (tăng gấp 5 lần về vốn so với cùng kỳ năm trước). Hiện TP đang tích cực chuẩn bị tổ chức Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2020, dự kiến thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư lớn đổ vốn vào thực hiện các dự án tại TP. Để hướng tới mục tiêu này, TP không ngừng cải thiện môi trường đầu, tinh giảm thủ tục hành chính, nâng cao ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. TP cũng kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ DN khắc phục thiệt hại do dịch bệnh, hỗ trợ các nhà đầu tư gỡ vướng về thủ tục đất đai liên quan tới các dự án lớn như Tổ hợp khán đài pháo hoa (Ngũ Hành Sơn), dự án Làng Vân (Liên Chiểu), trung tâm thương mại, giải trí quốc tế (Sơn Trà)…

Những trọng tâm phục hồi

Lĩnh vực du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế TP và cũng chịu tổn thương nặng nhất sau dịch bệnh, vì vậy chiến lược phục hồi kinh tế TP trước tiên phải từ du lịch, dịch vụ. Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho DN dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí) bằng cách giảm lãi suất vay từ 3%/năm đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới. Ngoài ra cần xem xét miễn thị thực nhập cảnh 15 ngày với khách quốc tế đường biển để thu hút các du thuyền quốc tế lớn từ Âu, Mỹ; hỗ trợ thuế, phí liên quan đậu đỗ, dịch vụ mặt đất hoặc chi phí hỗ trợ bù lỗ ngắn hạn cho các hãng hàng không sớm phục hồi các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng.

Để phục hồi du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Cty Vietravel cho biết, trước mắt cần giảm 50% phí tham quan các điểm đến;  giảm giá điện 1 năm (tính theo giá điện sản xuất) với các cơ sở lưu trú (vì chi phí điện chiếm đến 30% giá dịch vụ này); giãn thuế VAT và thuế thu nhập DN 1 năm để DN có thời gian tích lũy, phục hồi, đồng thời khách du lịch cũng có thể giảm được chi phí. Ngoài ra, ông Kỳ cũng cho biết cần kích thích người Việt đi du lịch trong nước, muốn vậy cần có 4-5 tuần nghỉ hè vào tháng 9 để người dân có thời gian đi du lịch. Các cơ sở kinh doanh du lịch cũng cần có sự liên kết thành chuỗi cùng thực hiện gói kích cầu để giảm chi phí thấp nhất như vậy sẽ thu hút được du khách.

Trong lĩnh vực sản xuất, nhiều nhà máy tại các KCN cũng tăng công suất hoạt động trở lại. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Cty thủy sản Thuận Phước cho biết, với 3 ngàn công nhân, để duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh là thách thức lớn. Nhưng đặc thù ngành thủy sản phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu, khi người nuôi tôm vẫn sản xuất thì DN vẫn phải hoạt động, sản phẩm sau chế biến được bảo quản trong hệ thống kho đông lạnh hiện đại. Ông Lĩnh nói, Cty giữ chặt liên hệ với các nhà phân phối tại thị trường chính là Mỹ, Nhật, EU (hiện vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội chống dịch) để ngay khi có lệnh nới lỏng giãn cách sẽ kịp thời cung ứng để không bị gián đoạn chuỗi sản xuất. Tuy vậy, ông Lĩnh cũng cho biết, các hoạt động duy trì sản xuất hiện nay chưa bền vững, vì với những DN nằm trong chuỗi toàn cầu như Thuận Phước, chưa xuất được hàng thì chưa thu hồi được vốn, trong khi vốn thu mua nguyên liệu lớn. Do vậy, DN vẫn cần cơ chế từ Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại nâng hạn mức tín dụng trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng Hà Đức Hùng cũng cho rằng, sau giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất trở lại, tạo đà hồi phục kinh tế TP. Tuy nhiên, dòng hàng hóa, dịch vụ lưu thông nội địa chủ yếu. Khó khăn lớn nhất với nhiều DN sản xuất vẫn là chuỗi cung ứng nguyên liệu, hàng hóa toàn cầu chưa được “hàn gắn”, nhiều thị trường lớn vẫn đang đóng cửa phòng dịch. Do vậy việc trở lại sản xuất, phục hồi kinh tế chưa thể xem là bền vững.

HẢI QUỲNH