Kinh tế suy giảm vì Covid-19 (Bài 3: Nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất)

Thứ năm, 13/02/2020 14:16

Tác động từ dịch Covid-19 không chỉ khiến du khách giảm sút, các trung tâm thương mại vắng khách do tâm lý tránh tập trung đông người mà ngay cả các ngành vận tải, sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn tin trong nguy có cơ.

Các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu tại Đà Nẵng đang lo lắng vì thiếu nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc.

Ghi ở cửa ngõ quốc tế

Tại sân bay Đà Nẵng nhiều đường bay bị cắt giảm, tạm dừng kéo theo lĩnh vực dịch vụ hàng không cũng thiệt hại nặng nề. Ông Hoàng Hữu Cương, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết, tuy đường bay quốc nội không sụt giảm lượng khách, xong đường bay quốc tế ảnh hưởng rất lớn. Nếu như thời điểm trước khi xuất hiện dịch bệnh, sân bay quốc tế có tổng cộng 42 đường bay (chủ yếu là chuyến bay Cherter bay đến từ Trung Quốc) với 20 hãng hàng không tham gia thì khi có dịch bệnh, đã có 50% đường bay tạm ngừng khai thác. Về số lượng khách cũng giảm từ 30-40%/ngày. Cụ thể, trước dịch, mỗi ngày đón bình quân 24-25.000 khách/ngày thì từ khi phát hiện dịch bệnh đã giảm xuống còn 15-16.000 khách trên ngày. Do chuyến bay và sản lượng khách suy giảm đã kéo theo thiệt hại cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không. Ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) cho biết, tổng cộng gần 40 quầy hàng kinh doanh dịch vụ tại đây đều tụt giảm sản lượng 35-40%. Trung bình mỗi chuyến bay, số hành khách tham gia tham quan, mua sắm từ 20-30 hành khách tại các quầy miễn thuế, thời trang, ẩm thực, giải khát... thì thời gian xuất hiện dịch chỉ khoảng 15-20 khách. Chị Lưu Thị Dung, nhân viên phụ trách quầy hàng lưu niệm của Cty Cổ phần dịch vụ hàng không Taseco cho hay, trước đây bình quân mỗi ngày doanh thu bán hàng của cửa hàng đạt mức khoảng 20 triệu đồng thì những ngày xuất hiện dịch bệnh chỉ đạt khoảng 10-12 triệu đồng.

Trung Quốc là một trong những thị trường chính về xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, máy móc thiết bị, vật tư, nguyên phụ liệu, khi đại dịch diễn ra, hàng hóa về các cảng biển của Việt Nam cũng bị suy giảm. Ông Trần Lê Tuấn, quyền Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cho biết: Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) đến nay, lượng tàu cập Cảng Đà Nẵng, đặc biệt là tàu hàng đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Một số hãng tàu  Trung Quốc và các vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc như: SITC, Evergreen, Cosco, Wanhai... đã có thông báo trong thời gian đến sẽ cắt giảm lượng tàu cập Cảng Đà Nẵng. Việc sụt giảm lượng tàu cập cảng đã ảnh hưởng đến sản lượng hàng hóa, hành khách thông qua cảng cũng như doanh thu của đơn vị. Để khắc phục khó khăn này, Cảng Đà Nẵng đã áp dụng các chính sách ưu đãi về chi phí XNK cho các DN lần đầu thực hiện XNK qua cảng; phối hợp với các DN trong chuỗi logistics duy trì, chăm sóc tốt khách hàng cũ; tìm kiếm thêm nhiều DN XNK thông qua các thị trường ngoài Trung Quốc như Autralia, Trung Đông, Âu - Mỹ...

Sản xuất sẽ gặp khó?

Các DN dệt may bị tác động trước tiên từ đại dịch Covid-19 bởi lẽ phần lớn nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng Phòng Kinh doanh – XNK Cty Dệt may 29-3 (Đà Nẵng) cho biết, hiện đơn vị phải nhập khoảng 40% nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong tuần này, các đối tác cho biết nhà máy vẫn tạm thời ngưng hoạt động, dự kiến qua đầu tuần mới có thông báo về khả năng cung cấp nguyên vật liệu trong thời gian tới. Nếu đại dịch này kéo dài, Cty không thể nhập được nguyên vật để sản xuất nên nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng dệt may đã ký với khách hàng sẽ bị ảnh hưởng. Để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Cty Dệt may 29-3 chủ động thông báo, đàm phán để khách hàng nhập khẩu hàng dệt may của mình chia sẻ khó khăn, chậm trễ. Bên cạnh đó, Cty nhanh chóng tìm kiếm và thu mua nguyên vật liệu đầu vào từ thị trường trong nước và các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia... để thay thế trong trường hợp vẫn không nhập được từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Vinh, việc tìm nguồn cung nguyên vật liệu mới để thay thế cũng tương đối mất thời gian, quan trọng hơn là phải được sự kiểm định khắt khe và chấp nhận của các nhà nhập khẩu các sản phẩm dệt may của Cty.

Tương tự, ông Huỳnh Trọng Nghĩa, Giám đốc phát triển Tổng Cty Sơn Hà (Huế) cho biết, nguyên phụ liệu sản xuất đang dần cạn kiệt trong khi các nhà máy sản xuất vải, phụ kiện ở Trung Quốc có kế hoạch đóng cửa dài ngày. Ông Nghĩa nói, hơn 60% nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc, trong khi các nhà máy sản xuất thông báo đóng cửa đến hết tháng 3-2020 nên hiện DN đang liên hệ với các đối tác để thương lượng chuyển nguồn cung từ Trung Quốc sang các nước khác hoặc các nhà máy tại Việt Nam. Song, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Ngoài nguyên liệu thì dịch Covid-19 còn khiến sản xuất khó khăn do hụt nguồn cung lao động từ Trung Quốc. Cty Formosa Hà Tĩnh cho biết hiện 429 lao động Trung Quốc chưa quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán khiến Cty phải chủ động xoay vòng giờ làm việc, tăng ca, làm thay... Còn Sở Công Thương TT-Huế cho biết hiện 51 chuyên gia, người lao động người Trung Quốc làm việc cho các Cty chưa trở lại làm việc.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên- Huế, ông Phan Hùng Sơn cho biết, để hạn chế những tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh từ hệ lụy Covid-19, DN cần trao đổi với khách hàng, tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó tại Đà Nẵng, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hà  Bắc cho biết, Sở đã tổng hợp khó khăn từ DN để đề xuất TP, Bộ Công thương có hướng hỗ trợ. Riêng Ngân hàng nhà nước chi nhánh Đà Nẵng đã đề nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn kịp thời hỗ trợ DN bằng các giải pháp như cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ, giãn nợ, xem xét miễn giảm lãi vay...

NHÓM PV

Chuyên gia kinh tế quốc tế Phan Thanh Hoàn, Đại học Kinh tế Huế: Do hạn chế về nguồn cung ứng đầu vào từ Trung Quốc, nhiều ngành sản xuất nội địa buộc phải cắt giảm sản lượng sản xuất. Từ đây, một số mặt hàng tiêu dùng bị thiếu hụt ngắn hạn, nhiều cơ sở sản xuất thiếu lao động (dịch bệnh hạn chế di chuyển). Mặt khác, dịch bệnh nCoV ảnh hưởng lớn tới các DN Trung Quốc, từ đó có thể giảm dòng vốn đầu tư FDI vào nước ta (vốn FDI Trung Quốc đang đứng thứ 4 vào Việt Nam).