Klaus Wowereit - người kiến tạo kỷ nguyên mới cho Berlin

Thứ bảy, 13/12/2014 11:18

(Cadn.com.vn) - Người dân Berlin tỏ ra tiếc nuối khi Thị trưởng, Thủ hiến bang Berlin, ông Klaus Wowereit từ chức hôm 11-12. Bởi lẽ, ông là một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất của Đức, nhân vật trung tâm của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả và ứng cử viên tiềm năng cho chức thủ tướng. Trong 13 năm lãnh đạo thủ đô nước Đức, ông mang lại những thay đổi đáng kể.

Tại cuộc họp báo hôm 26-8, ông Wowereit đã xác nhận những tin đồn nói về việc sẽ rút khỏi chính trường ở tuổi 60. Ông cho biết tự nguyện từ chức vào ngày 11-12 và đây không hề là quyết định dễ dàng đối với một người có gần 40 năm hoạt động chính trị và 30 năm đóng góp trực tiếp cho sự phát triển năng động ngày nay của Berlin - một trong số 16 bang ở Đức. 

Wowi, tên thân mật được biết đến rộng rãi của ông, nổi tiếng là người chăm chỉ, thông minh. Và giờ đây, vào cuối nhiệm kỳ, người dân Berlin tự hỏi những di sản mà ông để lại là gì? Ngay trước khi trở thành thị trưởng vào năm 2001, ông trở nên nổi tiếng bởi câu nói: “Tôi là người đồng tính và điều đó hoàn toàn tốt”.  Sự cởi mở, thẳng thắn và dễ tính của ông Wowereit đã tạo ra bầu không khí thân thiện tại Berlin như hiện nay.

Ông Wowereit được xem là người đã mang đến hơi thở mới cho Berlin. Ảnh: BBC

“NGHÈO NHƯNG HẤP DẪN”

Khi ông Wowereit nhậm chức vào năm 2001, Berlin đang hứng chịu suy thoái kinh tế mạnh mẽ - kết quả của sự chia cắt và cuộc Chiến tranh Lạnh. Ngành công nghiệp Đông Berlin hoạt động không hiệu quả và Tây Berlin chứng kiến cảnh các Cty lần lượt ra đi do không còn được hưởng những ưu đãi thuế như trước đây. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 20%.

Tuy nhiên, ông Wowereit và các nhà lãnh đạo các thành phố dường như đã phối hợp đồng điệu. Phương châm của ông Wowereit là xây dựng một Berlin “nghèo nhưng hấp dẫn”. Câu nói nổi tiếng này là bức chân dung tự họa của thành phố trẻ trung, sôi động, sáng tạo, cởi mở nhưng hơi hỗn loạn. Phong cách này khác biệt hoàn toàn với một Munich hay Hamburg bão hòa, và khá nhàm chán.

Và phong cách này cũng phù hợp với tính cách cởi mở của vị thị trưởng. Ông Wowereit gạt bỏ những lời chỉ trích về phong cách của mình mà tập trung làm việc chăm chỉ. Dù Berlin hiện vẫn tương đối nghèo và phụ thuộc vào các khoản trợ cấp từ các bang giàu có hơn ở miền nam, thủ đô đã tốt hơn rất nhiều, thu hút không chỉ du khách khắp nơi trên thế giới, mà còn các doanh nhân ngành công nghiệp kỹ thuật số và truyền thông.

Theo ông Peter Matuschek của Viện thăm dò Forsa, sự kính trọng của người dân Berlin đối với thị trưởng Wowereit là đủ để xoa dịu sự chia cắt của cuộc Chiến tranh Lạnh.

BÊ BỐI DỰ ÁN SÂN BAY

Tuy nhiên, uy tín của ông Wowereit bắt đầu suy giảm vào năm 2010, sau chuỗi dài các sự cố về giao thông công cộng. Ông rất ngạc nhiên khi một cuộc trưng cầu về việc mở công viên công cộng không mang lại kết quả mong đợi, và các nhà bình luận coi đó là cuộc bỏ phiếu chống lại ông.

Nhưng những gì thực sự khiến ông cũng như đảng SPD  mất uy tín là việc ông từ chối chịu trách nhiệm về sự chậm trễ của dự án “siêu sân bay” Berlin (BER). Kế hoạch khai trương vào năm 2012 bị trì hoãn nhiều lần, do thiếu các tính năng an toàn, và ngay cả bây giờ, không ai có thể chắc chắn sân bay sẽ hoạt động. Ông Wowereit là Chủ tịch Ủy ban Giám sát dự án xây dựng sân nhưng thay vì từ chức khi mức độ của vụ bê bối trở nên rõ ràng, ông lại đổ trách nhiệm cho các nhân viên kỹ thuật.

Mặc dù thất bại trong cuộc thăm dò chính trị gia nào được ưa chuộng nhất thành phố vào đầu năm nay, ông Wowereit đã lấy lại lòng tin của nhiều người sau quyết định từ chức. Hầu hết mọi người sẽ nhớ về người đã hồi sinh thành phố này.

An Bình
(Theo BBC)