Kon Tum: Diện tích rừng dễ cháy chiếm gần 42%
Tỉnh Kon Tum có tổng diện tích tự nhiên hơn 967.000 ha, trong đó diện tích có rừng trên 609.000 ha (gần 548.000 ha rừng tự nhiên, còn lại rừng trồng), diện tích chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 171.684 ha, độ che phủ rừng hiện đạt 63%. Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, diện tích rừng dễ cháy trên địa bàn toàn tỉnh được xác định là gần 251.000 ha, chiếm gần 42% tổng diện tích đất có rừng (tập trung nhiều vào rừng tre nứa, lau lách xen lẫn cây bụi, rừng khộp, rừng thông). Địa bàn trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng là các huyện Đăk Tô, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Ia HDrai, Vườn quốc gia Chư Mom Ray…
Kon Tum có địa hình nhiều đồi núi, khí hậu khắc nghiệt, mùa khô kéo dài trong 6 tháng (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau), tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm rẫy, sử dụng lửa vô ý thức... là nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng hằng năm tại tỉnh.
Nhằm chủ động phòng, chống cháy rừng, 15 đơn vị chủ rừng trong tỉnh là các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và chính quyền địa phương đã huy động tối đa lực lượng, cắt cử người canh trực lửa rừng cả ngày lẫn đêm. Với phương châm phòng là chính, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, ngay từ đầu mùa khô, các địa phương, đơn vị thường xuyên triển khai hoạt động liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng như: Xây dựng và triển khai hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý; chú trọng công tác thường trực chỉ huy, kiểm tra, giám sát; tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực trọng điểm cháy. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ việc đốt dọn nương rẫy; kịp thời thông báo cấp dự báo cháy rừng đến các huyện, thành phố, đơn vị chủ rừng…
Ia HDrai là huyện biên giới có trên 88.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, hầu hết diện tích đang ở cấp dự báo cháy rừng cực kỳ nguy hiểm. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia HDrai cho biết: Nắng nóng kéo dài, khô hạn nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Đơn vị xác định những vùng trọng điểm cháy rừng để yêu cầu ứng trực 24/24 giờ.
Các chủ rừng có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng khi có cháy xảy ra. Quy chế phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm với các đơn vị như Biên phòng, Ban Chỉ huy quân sự huyện, chủ rừng là công ty lâm nghiệp, công ty cao su đứng chân trên địa bàn đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.
Ngoài ra, đơn vị chủ rừng đã chủ động tu sửa, làm mới các công trình: Làm đường băng trắng cản lửa, xây dựng và tu sửa chòi canh lửa, các hồ, bể chứa nước, mua sắm, bảo dưỡng máy móc, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng hiện có…, đảm bảo sẵn sàng khi có cháy xảy ra.
Cao Nguyên