Kỳ 1: Nhận diện những âm mưu, thủ đoạn chống phá mới của các thế lực thù địch
Phát huy vai trò của tuổi trẻ, nhất là tầng lớp sinh viên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm xóa bỏ, nhận diện những hình thức mới, những thông tin xuyên tạc, sai sự thật của các thế lực thù địch trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội, internet. Nhận biết và đấu tranh với thông tin xấu độc không để chúng chống phá, chia rẽ Đảng và người dân. Bồi dưỡng thế hệ trẻ nhận thức về tư tưởng, văn hóa và đạo đức giúp sinh viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhận diện hình thức mới xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay.
Các thế lực thù địch đang tăng cường hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Chúng tập trung vào việc xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác - Lênin, lợi dụng không gian mạng để truyền bá thông tin sai lệch, khai thác các vấn đề tôn giáo, văn hóa và giáo dục. Mục tiêu cuối cùng của chúng là làm suy yếu niềm tin của nhân dân, chia rẽ đoàn kết dân tộc và gây mất ổn định xã hội. Để đối phó, chúng ta cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền giáo dục, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước.
Nhận diện những âm mưu, thủ đoạn chống phá mới
Càng gần đến các ngày lễ lớn của đất nước, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại tăng cường sử dụng các âm mưu, thủ đoạn để chống phá Đảng, Nhà nước ta với cấp độ ngày càng tinh vi. Việc chống phá lại nền độc lập dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch. Hiện nay, các thế lực phản động, thù địch chống phá Đảng ngày càng có hệ thống, tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn rất tinh vi, chống phá toàn diện trên nhiều phạm vi, lĩnh vực, không chỉ đơn thuần là vấn đề lý luận mà còn bao hàm cả các vấn đề thực tiễn mới nảy sinh. Các hình thức chống phá của chúng ngày càng trở nên phức tạp, thể hiện dưới nhiều dạng và núp bóng bằng các chiêu trò vô cùng tinh vi, xảo quyệt. Điều này thể hiện trên những vấn đề cơ bản sau:
Một là, các thế lực thù địch phủ nhận, xuyên tạc những giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn vượt ra ngoài lãnh thổ của nước ta
Các thế lực thù địch lợi dụng khoảng cách địa lí ở xa, lấy đó làm “lá chắn” để ra sức truyền bá những tư tưởng sai lệch cho các kiều bào ta ở nước ngoài, làm phai nhòa đi tư tưởng cách mạng của nhân dân ta đang sinh sống bên ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Theo thống kê của trang báo điện tử Tiền Phong: “Trong 20 năm qua, cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 2,7 triệu người năm 2003, hiện đã tăng lên khoảng hơn 5,3 triệu người sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển” [1]. Với số lượng không nhỏ các kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài, các đối tượng thù địch đã lợi dụng để kêu gọi, dụ dỗ nhân dân ta đi theo con đường của chúng. Những chiêu bài mà chúng đang sử dụng hết sức mới mẻ, tinh vi và thâm độc, tập trung vào việc đưa ra những nhận định xuyên tạc, phủ nhận những giá trị tốt đẹp của Chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung và Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Chủ nghĩa Mác – Lênin là cơ sở lý luận chủ yếu nhất hình thành và phát triển lên Tư tưởng Hồ Chí Minh. Các thế lực thù địch ra sức phá hoại đi những thành tựu, cột mốc vĩ đại của dân tộc ta bằng các hình thức (đập phá các bức tượng của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạ bệ cờ tổ quốc của nước ta để thay bằng cờ của chúng, tuyên truyền lập ra nhà nước khác kêu gọi kiều bào của ta đi theo chủ nghĩa của chúng để có được những lợi ích về mặt kinh tế). Chúng cho rằng những quan điểm đó chỉ phù hợp với thế kỉ XIX và phù hợp trong một chừng mực nào đó với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất phương Tây thời đó. Đối với thời điểm hiện tại thì những quan điểm đó đã lỗi thời và càng không phù hợp với tình hình Việt Nam. Các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, cổ vũ, xuyên tạc, rêu rao về Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh không còn phù hợp với Việt Nam, cần được loại bỏ. Chúng cho rằng, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác chỉ là một mớ lý thuyết suông về một chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được. Những luận điệu vô cùng sai trái ấy vô tình khiến cho ý trí của các kiều bào ở nước ngoài ta sẽ bị lung lay, và dễ dàng đi theo con đường tự đặt ra của chúng, đặc biệt là các sinh viên đang du học ở nước ngoài khi mới được tiếp xúc với môi trường mới, ít có sự kèm cặp nâng đỡ nên rất dễ trở thành mục tiêu để các đối tượng thù địch nhắm tới . Bởi vậy việc tuyên truyền ngăn chặn, phủ nhận những luận điệu sai trái là công việc vô cùng quan trọng, đòi hỏi cần có sự góp sức không chỉ của Đảng và Nhà nước ta mà phải là của toàn nhân dân dù đang sinh sống ở trong nước hay nước ngoài.
Hai là, các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc, phủ nhận hoạt động, đường lối chính sách của các tổ chức Đảng và Nhà nước ta trong việc điều hành và quản lí đất nước trên nhiều lĩnh vực
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay không gian mạng phát triển như vũ bão thông qua thế giới ảo. Các thế lực thù địch không chỉ sử dụng các phương pháp truyền thống mà chúng triệt để sử dụng các phương thức tiên tiến nhất trên không gian mạng để xuyên tạc, phủ nhận đường lối chính sách các tổ chức Đảng và Nhà nước ta trong việc điều hành và quản lý đất nước trên nhiều lĩnh vực.
Về lĩnh vực chính trị, các đối tượng thù địch lợi dụng không gian mạng, là nơi cơ quan chức năng khó có thể tiếp cận được chính xác, cũng như tốn rất nhiều thời gian để ngăn chặn kịp thời. Bởi vậy các thế lực thù địch đã lợi dụng lỗ hổng khó khăn này của ta nhằm đục khoét, khai thác sâu không gian mạng để tích cực truyền bá những tư tưởng sai lệch, những đường lối trái với Đảng và Nhà nước ta đề ra. Chúng thường lợi dụng những dịp, những ngày quan trọng của đất nước, đưa ra những thông tin sai sự thật, bôi nhọ các cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ta vào những sự kiện chính trị như thay đổi nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước, những chuyến thăm ra nước ngoài của các cán bộ hay những khi ta kiểm điểm, kỉ luật những sai phạm trong nội bộ. Các thế lực thù địch liên tục đưa ra những thông tin nhằm bóp méo sự thật những câu nói, lời nói, hành động của các cán bộ cấp cao của ta để rẽ hướng dư luận, tạo nên sự hoài nghi trong lòng người dân về con đường cách mạng của nước ta, cũng như làm lung lay sự tin tưởng của nhân dân với Đảng, Nhà nước và bộ máy lãnh đạo của chúng ta. Trên không gian mạng hiện nay, lượng truy cập Internet hay mạng xã hội của nước ta chiếm một phần lớn dân số. Theo trang báo mạng Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh thì: “Ở Việt Nam, khảo sát của Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy trong quý 3 năm 2022 có 89% trẻ em sử dụng internet, trong đó 87% sử dụng hàng ngày, thời gian 5 đến 7 tiếng/ngày. Tuy nhiên chỉ có 36% trẻ em được giáo dục về an toàn mạng” [2]. Với số lượng truy cập đông đảo như vậy, các thế lực thù địch thường tạo nên những trang, hội nhóm trên mạng để kêu gọi, đăng những thông tin xấu độc tràn lan trên mạng xã hội. Những thông tin xấu ấy ảnh hưởng vô cùng lớn đối với người dùng trên mạng xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay những người có thời gian sử dụng mạng xã hội lớn. Như vậy việc tuyên truyền, đấu tranh trên không gian mạng là vấn đề cấp bách, xuyên suốt và đòi hỏi sự can thiệp thường xuyên tới từ các cơ quan chức năng, cũng như sự góp sức của toàn thể nhân dân.
Về lĩnh vực kinh tế, nền kinh tế Việt Nam đi theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Lợi dụng cơ hội này các thế lực phản động coi đây là thời cơ để thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình trên lĩnh vực kinh tế chúng nhắm tới những cơ hội đầu tư ở nước ngoài của Việt Nam để tác động lôi kéo ngăn chặn các quan hệ hợp tác của ta và đối tác, các thế lực phản động sử dụng không gian mạng đăng những thông tin sai lệch về nền kinh tế thị trường của nước ta. Chúng đòi Việt Nam phải tư nhân hóa nền kinh tế và hạn chế vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước hòng làm lệch hướng nền kinh tế của ta theo hướng chủ nghĩa tư bản. Hơn nữa các thế lực thù địch sử dụng kinh tế để lôi kéo một bộ phận đội ngũ cán bộ bị tha hóa về mặt đạo đức để mua chuộc, đột nhập vào nội bộ ta nhằm nắm bắt tình hình kinh tế của nước ta hòng làm rối loạn thị trường, hạ thấp uy tín của Việt Nam ta trên trường quốc tế. Các thế lực thù địch cho rằng nền kinh tế Việt Nam ta đang theo đuổi đó là lỗi thời, kém phát triển và không đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, khiến nhân dân chịu nhiều khổ cực mà không có chính sách tối ưu để giúp đỡ. Chúng thường sử dụng không gian mạng để xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách tốt của Đảng và Nhà nước nhằm chia rẽ tình đoàn kết giữa Đảng và nhân dân. Đại hội đại biểu lần thứ X của Đảng cộng sản Việt Nam cho rằng việc thực hiện mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”; giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoái nghèo và từng bước khá giả hơn. Chúng lợi dụng thời cơ khi nước ta còn đang gặp những khó khăn để ra sức chống phá, tuyên truyền, tiêm nhiễm những tư tưởng sai trái, chỉ có lợi trước mắt đến người dân, đặc biệt là tầng lớp thế hệ trẻ những người làm chủ tương lai của đất nước. Chúng đưa ra luận điệu sai trái làm những người trẻ nhất là các sinh viên tin rằng con đường chúng ta đang đi là sai, làm lu mờ đi ý tưởng cách mạng của thế hệ sinh viên. Trong những năm tới, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chống phá nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa của ta bởi vậy sự chung sức đồng lòng của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân là “liều thuốc” quan trọng nhất để chống lại “những con sâu bệnh” trên đất nước ta.
Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, trong những năm gần đây Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về lĩnh vực văn hóa xã hội dù trải qua nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, các đối tượng thù địch lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc, bôi đen giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong đời sống xã hội. Chúng lợi dụng nhiều chiêu bài “tự do dân chủ”, “tự do ngôn luận”, nấp sau nhiều hình tượng ẩn dụ để xây dựng lên nhân vật chống đối, đả kích Đảng. Sau hàng loạt vụ lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt giữ, như CEO Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Chu Ngọc Anh bị bắt vì liên quan đến vụ Việt Á... đã xuất hiện rất nhiều tin độc, tin giả từ các thế lực thù địch tự xưng là nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền để lôi kéo sự quan tâm của người dùng mạng xã hội. Các đối tượng này xuyên tạc và thổi phồng những sự việc cá biệt thành tình trạng phổ biến và là hậu quả của chế độ Xã hội Chủ nghĩa, là “căn bệnh” do độc đảng mà ra. Các đối tượng thù địch còn du nhập các loại văn hóa, tư tưởng trái với chuẩn mực đạo đức của Đảng và Nhà nước ta khiến một bộ phận người dân đã tiếp cận thông tin mà chúng bịa đặt và có những suy nghĩ lệch lạc, phai nhạt niềm tin về Đảng và Nhà nước. Hơn nữa chúng truyền bá những lối sống buông thả, thực dụng, tô tục theo chủ nghĩa cá nhân. Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến tư tưởng của nhân dân. Tiêu biểu như trên các trang mạng như Facebook, Tiktok một số các cá nhân văn nghệ sĩ, trí thức do chưa hiểu được hết tầm quan trọng cũng như nhận thức những thông tin sai lệch trên mạng đã đăng tải những trạng thái, những bài thơ, đoạn trích văn xuôi, bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân trước một số vụ việc trong nước theo hướng phê phán, lên án chính quyền, tạo cớ để các thế lực thù địch có dịp chống phá Đảng. Môi trường trực tuyến ngày nay là nơi hầu hết chúng ta sử dụng để cập nhật tình hình xã hội, tích lũy các kiến thức cũng như phục vụ công việc giải trí bởi vậy việc phòng chống, xóa bỏ những tư tưởng tiêu cực trên không gian mạng là việc làm xuyên suốt trong quá trình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước.
Ba là, các thế lực thù địch núp bóng, lợi dụng các tín ngưỡng để đầu độc vào người dân những tư tưởng sai lệch, dụ dỗ nhân dân tham gia các hoạt động nhằm chống phá lại Đảng và Nhà nước
Theo số liệu của trang Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: “Theo số liệu từ Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Các tôn giáo có đông tín đồ nhất là: Phật giáo - khoảng trên 14 triệu tín đồ, Công giáo - khoảng 7 triệu tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo - khoảng 1,5 triệu tín đồ, Tin lành - khoảng 1,21 triệu tín đồ; Cao Đài - khoảng trên 1,1 triệu tín đồ” [3] . Với số lượng tôn giáo và tín ngưỡng lớn và đa dạng như vậy nên các thế lực phản động coi đó là miếng mồi ngon để nhân cơ hội trà trộn, truyền bá tư tưởng, suy nghĩ sai lệch khi mượn các chiêu bài lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người ra sức chống phá chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Chúng cho rằng Nhà nước ta phải công nhận tất cả các tổ chức tôn giáo cho dù chưa đủ điều kiện hay không phù hợp với chính sách của ta đề ra. Chúng còn xuyên tạc với các tín đồ cho rằng các đường lối của Đảng ta tới các chính sách dân tộc chỉ là để vụ lợi, cướp đi các quyền cơ bản của con người, tiêm nhiễm những suy nghĩ xấu tới các dân tộc ở vùng sâu vùng xa những nơi để kêu gọi nổi loạn, đòi chiếm và phản đối chính quyền địa phương. Việc tiếp cận các dân tộc thiểu số cũng như các dân tộc ở vùng sâu vùng xa là việc vô cùng khó khăn đối với các cấp chính quyền địa phương để tuyên truyền, kêu gọi phòng chống các thế lực thù địch lợi dụng các thủ đoạn để chia rẽ dân tộc ta.
Bốn là, chúng đưa các loại hình văn hóa, các sản phẩm độc hại vào xã hội nhằm suy yếu đạo đức của nhân dân
Trong thời kỳ đất nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới. Theo trang báo mạng Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: “Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thuộc tất cả các châu lục và có quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn, các Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện. Năm 2020, Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Đã có 71 nước công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.” [4]. Việc tạo dựng các mối quan hệ hợp tác giúp cho Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển cũng như dần có chỗ đứng trên trường quốc tế. Tuy nhiên bên cạnh đó việc mở rộng hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các thế lực phản động truyền bá những tư tưởng, loại hình văn hóa độc hại vào trong nước ta nhằm suy yếu đạo đức, phẩm chất của nhân dân ta. Chúng chủ yếu đưa các sản phẩm văn hóa vào nước ta như phim ảnh, sách, báo, tạp chí, các trò chơi điện tử, trang phục hoặc các hoạt động lễ nghi. Nhiều các sản phẩm có nội dung độc hại tuyên truyền ca ngợi chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân, sống thiếu hoài bão lý tưởng, thực dụng vì đồng tiền, danh vị reo vào trong tư tưởng của nhân dân ta nhằm dung túng, dao động lí trí của nhân dân đặc biệt tầng lớp thế hệ trẻ - những người được tiếp xúc với nhiều các loại hình văn hóa mới, môi trường đạo đức, lối sống mới những lại chưa có tâm lý vững vàng, dễ bị lay động dụ dỗ. Bởi vậy việc ngăn chặn, bài trừ các văn hóa phẩm xấu, sai lệch với đạo đức tư tưởng là công việc vô cùng quan trọng nhất là trên không gian mạng hiện nay. Điều đó đòi hỏi sự góp sức của Đảng và Nhà nước cũng như toàn thể nhân dân.
Năm là, chúng đội lốt lốt dưới chiêu bài hội nhóm; trà trộn vào môi trường học đường truyền bá, xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước
Các thế lực thù địch lợi dụng, trà trộn vào các hội nhóm của các trường học mà phần lớn trong đó đều là các học sinh, sinh viên. Chúng sử dụng chiêu bài về lợi ích, đánh vào kinh tế cũng như thông qua môi trường mạng khó kiểm soát để truyền bá, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Mặt khác hiện nay, công nghệ thông tin có bước tiến vượt bậc tạo ra các sản phẩm, phần mềm từ chí tuệ nhân tạo AI. Do có tính năng cũng như ưu điểm vượt trội về công năng, hữu dụng nên các đối tượng chống phá, thù địch đã thông qua các phần mềm để làm giả cũng như triệt để khai thác các sai sót từ phần mềm sau đó đăng tải lên các trang mạng xã hội, các hội nhóm của môi trường học đường. Các đối tượng cần kích động bạo lực, gây mất đoàn kết trong môi trường học đường chủ yếu trên không gian mạng. Do đó việc giáo dục trong môi trường học đường để nhận diện những hành vi, những trang mạng có nội dung xấu độc, xuyên tạc ảnh hưởng gây sự bất ổn không chỉ trong môi trường mà còn trong toàn xã hội là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết nhất là trong thời đại thông tin ngày nay.
Những trào lưu độc hại trên mạng xã hội
Trong thời đại 4.0, mạng xã hội liên tục xuất hiện những trào lưu mới và gần đây lướt các video clip trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là TikTok, không khó để bắt gặp cụm từ “Parky”, “Namkiki”. Đây là cách viết ám chỉ cụm từ “Bắc kỳ” và “Nam kỳ”, do một bộ phận người dùng, trong đó có người trẻ tạo nên. Điều đáng nói cụm từ “Parky”, “Namkiki” xuất hiện trong những bình luận trên mạng xã hội ngày càng nhiều với hàm ý tiêu cực, mang tính chất phân biệt vùng miền. Trào lưu này vô hình trung đã “đổ thêm dầu vào lửa” khiến nhiều đồng bào 2 miền Nam Bắc trở nên “kì thị” với nhau hơn. Những bài viết, bình luận trên mạng xã hội phân biệt vùng miền gây chia rẽ, làm rạn nứt khối đoàn kết toàn dân tộc; khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự căng thẳng và mâu thuẫn giữa các nhóm người dùng đến từ các địa phương khác nhau; ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước trước bạn bè quốc tế. Thực chất, đây là một hành vi “ném đá giấu tay” nhằm kích động tư tưởng, tạo ra một thế hệ phân biệt vùng miền, gây mất tinh thần đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam của các thế lực thù địch.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: “Đại đoàn kết là truyền thống quý báu, cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam” [5]. Trong lịch sử đất nước, Nam Bộ luôn là tuyến đầu trong cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ nhất, lần thứ hai hay cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tổng kết về đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng ta trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam” [6]. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), miền Bắc đã làm cùng lúc hai nhiệm vụ, đó là: vừa đẩy mạnh sản xuất, giữ vững sự ổn định và vừa đóng vai trò là hậu phương cho miền Nam. Không những góp sức người, sức của, sức mạnh tinh thần cho tiền tuyến, hậu phương miền Bắc còn tiếp nhận hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam ra Bắc học tập, làm việc, chữa trị và phục hồi sức khỏe. Thời điểm cuối năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, một lần nữa miền Nam lại là tuyến đầu của cả nước. Hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 tại miền Nam, hàng nghìn y, bác sĩ miền Bắc đã lên đường cho chuyến đi không biết rõ ngày về. Các bệnh viện ở tuyến trung ương phía Bắc đã cử nhân sự tới thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch ở phía Nam. Không thể không kể đến hơn 200 bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã vào thành phố Hồ Chí Minh để vận hành phòng chăm sóc đặc biệt 500 giường tại Trung tâm Hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện Dã chiến số 16 [7]. Ngoài ra, đội ngũ các bác sĩ, y tá khi đó là lực lượng nòng cốt của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương… cũng tham gia phối hợp, đồng hành với lực lượng y tế các tỉnh, thành phố ở miền Nam để cấp cứu, chăm sóc, hỗ trợ điều trị bệnh nhân bị Covid-19. Và một lần nữa, toàn thể nhân dân đã chứng minh câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân”. Vậy mà chỉ vì vài bình luận đả kích, chia rẽ trên mạng xã hội của các thế lực thù địch, nhiều cá nhân đã hùa theo, “vô tình” cổ súy cho những quan điểm, tư tưởng phân biệt vùng miền lệch lạc để rồi những bình luận “Parky”, “Namkiki” ngày càng lan truyền mạnh trên mạng xã hội. Lẽ ra “người trong một nước phải thương nhau cùng” thì giờ đây lại “đá xéo”, mỉa mai, châm chọc nhau, khiến sự mâu thuẫn phân biệt vùng miền ngày một nặng hơn. Hậu quả là đã xuất hiện một trào lưu mất kiểm soát ngôn từ trên không gian mạng, khiến thế lực thù địch, phản động dựa vào đó để tuyên truyền những quan điểm sai trái, với những âm mưu xấu xa nhằm gây mâu thuẫn, ly khai, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Âm mưu xuyên tạc, chống phá chính sách đại đoàn kết của các thế lực thù địch trên không gian mạng xuất hiện ngày càng nhiều hình thức khác nhau với nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, các thế lực thù địch muốn “bẻ lái” dư luận, nhất là thế hệ trẻ, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn thủ đoạn thâm độc này, nếu không sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần đoàn kết dân tộc và gây ra các hệ lụy khác trong xã hội.
LTS: Trong giai đoạn hiện nay, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng không chỉ mang tính trước mắt mà là chiến lược lâu dài của cả hệ thống chính trị. Là “đội dự bị” tin cậy của Đảng, sinh viên đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Sinh viên cần nắm vững, học tập và tuyên truyền rộng rãi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, từ đó ra sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân.
--------------
[1] Hà Thu: Báo điện tử Tiền Phong (Thứ ba 29/11/2022), 20 năm qua, có 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài thu hút 187 tỷ USD kiều hối, https://tienphong.vn/20-nam-qua-co-53-trieu-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-thu- hut-187-ty-usd-kieu-hoi-post1490669.tpo.
[2] Nguyễn Quyên, Thủy Tâm (Thứ ba, 14/2/2023): Gần 90% trẻ em Việt Nam truy cập và sử dụng internet, Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, https://plo.vn/gan-90-tre-em-viet-nam-truy-cap-va-su-dung-internet-post719782.html.
[3] T.Lan, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Thứ ba 04/04/2023), Những thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, https://dangcongsan.vn/xa-hoi/nhung-thanh-tuu-bao-dam-quyen-tu-do-tin-nguong- ton-giao-o-viet-nam-634837.html.
[4] Ts. Lê Quang Mạnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Thứ năm 30/09/2021), Khẳng định vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/khang-dinh-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-cua-viet-nam-592373.html.
[5] Khẳng định của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam”, Ngày hội trình diễn cây nêu và Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II năm 2023.
[6] Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2020).
[7] Thế Anh, Báo Tiền Phong (ngày 2-8-2021), Gần 200 cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai lên đường chi viện cho TPHCM, https://tienphong.vn/gan-200-can-bo-y-te-benh-vien-bach-mai-len-duong-chi-vien-cho-tphcm-post1361832.tpo.
THANH HOÀNG - QUỲNH CHI
Dòng sự kiện:Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc
Kỳ cuối: Hoa đỏ nơi đại ngàn
Kỳ 1: Tuyên chiến với hủ tục ở Làng Tốt
Kỳ cuối: Vai trò xung kích, đi đầu của sinh viên trong việc nhận diện hình thức mới xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay
Kỳ 3: Để sinh viên nhận diện chính xác những âm mưu thủ đoạn mới xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay và không bị chệch hướng
Kỳ 2: Phơi bày âm mưu kích động, lôi kéo tầng lớp sinh viên của các thế lực thù địch