Kỳ 1: Tuyên chiến với hủ tục ở Làng Tốt
Đã có một thời, hủ tục ăn sâu vào tâm thức nơi thâm sơn, trở thành nỗi khiếp sợ của cộng đồng người Hre trên địa bàn vùng cao Quảng Ngãi. Rồi Công an chính quy về cơ sở, nghị quyết đưa ra… cán bộ Công an đi vào tận thung sâu, khe thẳm rỉ rả tuyên truyền. Như nước nguồn thấm lâu, hủ tục bị đẩy lùi.
Xuất phát từ trưa, mãi đến khi trời ngả bóng chúng tôi mới đặt chân đến Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Khoảng cách ở núi rừng không tính bằng ki-lô-mét mà tính bằng những con dốc hun hút hoặc những trận mưa rừng trút ngược. Ngôi làng từng nổi tiếng cả nước với vụ trúng kỳ nam khủng này từng bao trùm bởi hủ tục "cầm đồ thuốc độc". Chính "vách ngăn vô hình" này đã ngăn cách người làng với thế giới bên ngoài chứ không phải những ngọn núi.
Già làng Phạm Văn Binh từ nhà văn hóa thôn bước ra bắt tay và nở nụ cười chào đón khách. "Đừng lo, Làng Tốt giờ rất tốt, không còn "cầm đồ thuốc độc" như trước đâu", già Binh nửa thật nửa đùa.
70 tuổi, già Binh còn rắn rỏi như cây lim đầu làng. Nguyên là Bí thư chi bộ thôn, chứng kiến bao sự đổi thay và sự tàn khốc của hủ tục, già Binh kể về thời Làng Tốt chưa… tốt. Đó là như ốc đảo giữa núi cao, đó là giao thông chia cắt… "Giao thông cách trở, là một trong những lý do mê tín dị đoan tồn tại suốt thời gian dài ở đây", già Binh đúc kết.
Thượng úy Phạm Văn Nãy, cán bộ Công an xã Ba Lế nhớ lại, năm 2021, anh được tăng cường về Ba Lế, phụ trách Làng Tốt. Cũng như nhiều cán bộ tăng cường về cơ sở, thời gian đầu phải lặn lội đi xuống địa bàn, tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống cũng như tâm tư, tình cảm, cũng như cả hủ tục… "Theo cách nghĩ của đồng bào Hre, "đồ độc" là tạp chất gồm đất được lấy từ mộ của người chết, xương động vật, chén mẻ, lông trâu… trộn lẫn vào nhau. Khi muốn hại người khác thì dùng "đồ độc" đụng vào người hoặc cho ăn, uống và nguyền rủa thì nạn nhân sẽ chết", Thượng úy Nãy chia sẻ và cho biết chính các người cao tuổi nhất anh từng biết cũng chẳng rõ "cầm đồ thuốc độc" có từ khi nào.
Chính già Binh cũng chẳng biết. Đôi mắt nhìn về phía dòng sông Liên bao bọc làng, ông bảo một thời người làng hãi hùng mỗi khi tin đồn trong làng có người "cầm đồ thuốc độc". Cuộc trốn chạy cái "vô hình" như cục chì đè nặng trong trí não. "Chủ yếu là nghi chứ chẳng ai thấy "cầm đồ thuốc độc" hình thù gì. Mỗi lần nghi ai đó "cầm đồ", dân làng, thậm chí người thân đánh đập dã man người bị nghi. Quá khứ từng có những cái chết như thế", già Binh nói.
Lục lọi ký ức, già Binh kể tên từng người, từng gia đình trong làng xã bị nạn "cầm đồ" bức hại. Hàng chục năm qua, từ thôn Làng Tốt, Vả Lê, Đồng Nâu, Vờ Lế… nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" vẫn len lỏi trong từng khe núi, nóc nhà đồng bào Hre. Trong ánh mắt người dân luôn dò xét lẫn sợ hãi, ám ảnh khi ra đường.
Bám sâu vào tâm thức người dân miền núi, mỗi khi có người, trâu bò chết hoặc đau ốm, dịch bệnh là nghi kỵ nảy mầm, lan nhanh như cỏ dại. Mâu thuẫn, thù hằn giữa các gia đình từ đó phát sinh. 3 năm trước, nghi ông Phạm Văn Lối "cầm đồ thuốc độc", Phạm Văn Soi cùng Phạm Văn Cua và Phạm Văn Nghề sống cùng thôn Làng Tốt đã ra tay sát hại ông Lối vứt xác xuống sông Liên. "Cả làng ai cũng lo sợ, ngồi đâu cũng bàn tán. Chẳng ai dám qua lại, hỏi han nhau, không khí u ám lắm. Số thanh niên gây án giết người đều bị phạt tù", già Binh kể.
Bí thư Đảng ủy xã Ba Lế Phạm Thị Lăng cho hay, sau vụ việc rúng động, cấp ủy, Chi bộ Công an xã Ba Lế quyết liệt đề nghị cấp ủy, chính quyền xã đến lúc phải vào cuộc cùng Làng Tốt đẩy lùi hủ tục, xem đây là nhiệm vụ cấp thiết. Còn Thượng úy Phạm Văn Nãy dù mới chân ướt chân ráo về làng thì khỏi nói, bám 24/24 ở làng.
Giữa muôn trùng nghi kỵ, Công an chính quy về làng bước đầu giải quyết những vấn đề cơ bản, giải hòa những cái đầu nóng. Bà con mừng và tin. Thế là, vợ chồng cãi nhau cũng gọi Công an, con cái chơi bời lêu lổng, không chịu làm ăn cũng nhờ Công an. "Bên cạnh giải quyết những vụ việc bà con cần Công an, khi chúng tôi nhắc đến nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" thì bà con né tránh, nhiều cán bộ, đảng viên cũng không dám đề cập vấn đề này, vì họ vẫn còn tin, vẫn còn sợ", Thượng úy Nãy nhớ lại.
"Nguồn gốc những hủ tục rùng rợn bám sâu như rễ cây rừng một phần xuất phát từ những Pa- dâu (thầy cúng, bói). Ở núi, lời phán của Pa- dâu có sức nặng khủng khiếp", già Binh thừa nhận ở Làng Tốt, Pa - dâu "to" hơn thầy thuốc. Khi có người, gia súc đau ốm, chết chưa rõ nguyên nhân thì người dân nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" sẽ tìm đến các Pa - dâu đầu tiên để cúng bái trừ ma, xóa độc…
"Biết là khó để ngăn chặn niềm tin, tín ngưỡng người dân với Pa - dâu, nhưng Chi bộ Công an xã chúng tôi chưa khi nào nản, dừng lại. Cứ ngày này qua tháng khác tuyên truyền, vận động cho bà con. Mưa dầm thấm lâu và đến một ngày nào đó, bà con sẽ nhận ra việc cần thay đổi" Thượng úy Nãy nói.
Bí thư Chi bộ thôn Làng Tốt Phạm Văn Un cũng chia sẻ: "Đảng viên trong thôn thì phải làm gương, đi đầu để người dân làm theo. Ở vùng cao này, niềm tin không được đánh giá bằng lời nói, mà phải bằng một hành động cụ thể". Thượng úy Nãy, bí thư Un và già Binh "đi tận ngõ, gõ tận nhà", vận động người dân bằng nhiều cách. "Ban đầu tôi cũng e ngại khi Thượng úy Nãy làm việc, sàng lọc từng Pa - dâu, răn đe, bắt cam kết không hoạt động mê tín dị đoan. Nhưng thấy Nãy làm quyết liệt, tôi cũng làm theo không nể nang ai", già làng Binh kể lại. "Quyết liệt" ở đây có nhiều nghĩa, vừa vận động tuyên truyền vừa răn đe cảnh cáo; vừa giải thích việc đau ốm, bệnh tật phải do cơ sở y tế điều trị cứu chữa, không hề có chuyện "cầm đồ", Pa - dâu cũng không phải "thần thánh" cũng đau, cũng ốm sờ sờ ra đó… "Rồi, người dân cũng dần thay đổi nhận thức, không mù quáng tin Pa - dâu hay nghi kỵ "cầm đồ". Nhiều năm qua, nghi kỵ "đồ độc" tại Làng Tốt không còn", Thượng úy Nãy phấn khởi.
Đến đây, già Binh lấy cuốn hương ước trong tủ mở ra những trang chữ nguệch ngoạc, giới thiệu: "Người Làng Tốt đã thống nhất lập ra hương ước này để đẩy lùi hủ tục. Hương ước quy định, trong làng hễ ai đặt điều, nghi kỵ vô căn cứ về người khác, sẽ bị kiểm điểm, phạt vạ trước làng".
Đỗ Thành Sự
Dòng sự kiện:Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc
Xử phạt đối tượng đăng tải nội dung xuyên tạc, xúc phạm đến lực lượng Công an
Quảng Nam, khởi tố đối tượng xúc phạm lãnh tụ
Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
Bộ Ngoại giao lên tiếng việc dẫn độ đối tượng khủng bố Y Quynh Bdap
Cần chấm dứt hành vi bao che, dung túng cho tội phạm khủng bố