Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII: Cần những động lực mới cho tăng trưởng

Thứ tư, 04/11/2015 07:37

(Cadn.com.vn) - Ngày 3-11 tiếp tục nội dung thảo luận về KT-XH của đất nước năm 2015 và cả nhiệm kỳ 5 năm qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp giải trình thêm và trả lời một số thắc mắc cụ thể của các đại biểu Quốc hội liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Phát biểu giải trình thêm tại buổi thảo luận liên quan đến trách nhiệm của ngành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ đang thúc đẩy mô hình cánh đồng mẫu lớn, đến nay đã có 536.000 ha tham gia mô hình này. Bộ phối hợp đẩy mạnh đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường quốc doanh; trình Chính phủ dự thảo chính sách cho HTX nông nghiệp... Đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư vào nông nghiệp.

“Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sự chuyển động còn khác nhau ở các địa phương và nhìn chung còn chậm. Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, ban hành chính sách mạnh mẽ hơn, nhất là đất đai, thuế và vốn để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Chia sẻ với bà con nông dân trong bối cảnh một năm khắc nghiệt của điều kiện thời tiết, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng từ hạn hán kéo dài, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản, tạo đà mạnh mẽ cho việc hội nhập kinh tế quốc tế.

Siết chặt công tác quản lý đô thị

Theo yêu cầu của đại biểu, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã thông tin cụ thể về sai phạm tại tòa nhà số 8B-Lê Trực (Hà Nội) và hướng xử lý vụ việc này. Lật lại hồ sơ, công trình được UBND Hà Nội cho phép và Sở Xây dựng thành phố cấp phép xây dựng với thiết kế giật cấp, phía trước cao 44 m, phía sau cao 53m. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư là Cty Cổ phần may Lê Trực đã xây lên đến 69m (vượt phép 16m, tương đương 5 tầng nhà, diện tích xây dựng trội lên hơn 6.000m2 vì không thực hiện giật cấp như phương án được cấp phép). Thường trực Chính phủ đã họp để nghe báo cáo về vấn đề này. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về sự việc, khẳng định sai phạm tại đây là vi phạm nghiêm trọng. Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội phải chủ trì đánh giá đúng mức độ sai phạm, nêu phương án xử lý, trình kế hoạch xử lý cụ thể đối với công trình.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khuyến nghị lãnh đạo các địa phương, nhất là các thành phố lớn cần siết chặt công tác quản lý đô thị, chú trọng hơn nữa đến việc lập, quản lý quy hoạch, đảm bảo hiệu quả đầu tư và cảnh quan, kiến trúc. Bộ Xây dựng sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong quản lý, xử lý nghiêm những vấn đề sai phạm, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Thông tin với Quốc hội và cử tri cả nước về gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, đến nay gói hỗ trợ này đã được triển khai khá tốt. Trước quan ngại của đại biểu và cử tri khi gói hỗ trợ kết thúc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định “hậu” gói 30 ngàn tỷ đồng, sẽ tiếp tục có các hình thức dài hạn khác để hỗ trợ người dân mua nhà ở.

Tăng trưởng kinh tế cần những động lực mới

Phân tích một cách sâu sắc bên trong các tồn tại và hạn chế của nền kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch nhận xét, về tổng thể 5 năm, có 9/21 chỉ tiêu không đạt nhưng lại rơi vào những chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng. “Liệu 5 năm tới, chúng ta có thể đạt được tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước hay không cần có động lực mới”.

Đại biểu phân tích, sự tăng trưởng của nền kinh tế đứng trước 4 hạn chế: Tổng đầu tư xã hội giảm, nông nghiệp đạt nhiều kết quả nhưng phải chăng đã chạm trần tăng trưởng? Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng trưởng nhưng doanh nghiệp trong nước yếu kém dẫn đến mâu thuẫn trong nền kinh tế bởi xét cho cùng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn là nợ quốc gia. Chi ngân sách, nợ công cao... Tán thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2016 và 5 năm tới từ 6,5% đến 7% cho 2016, song đại biểu vẫn cho rằng, phải cần đến động lực mới để hoàn thành chỉ tiêu này.

Từ những suy luận trên, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch khuyến nghị cần chú trọng điều hành chính sách tiền tệ, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng, cần tính toán tỷ lệ tăng tín dụng phải gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó là cân đối lại thu chi, tái cơ cấu lại nợ công, tái cấu trúc lại thị trường vốn, chứng khoán trong chính sách tài khóa. Đại biểu Trần Du Lịch mong muốn Quốc hội cần ban hành Nghị quyết riêng để giải quyết một cách căn cơ bài toán nợ xấu.

Quang Vũ