Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững

Thứ sáu, 06/11/2020 15:18

Trong gần 3 ngày Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội (KT-XH) vừa qua, một trong những vấn đề nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm đề cập là tình trạng thiên tai bão chồng bão, lũ chồng lũ, sạt lở đất xảy ra liên tục gần đây và những tác động từ các công trình thủy điện; bàn giải pháp phát triển kinh tế.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương): "Tôi thấy rằng, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt”.

Không hy sinh môi trường để đánh đổi kinh tế

Ngày 5-11, giải trình một số vấn đề ĐB chất vấn về thiên tai, Bộ trưởng Bộ TN- MT Trần Hồng Hà cho rằng, xu hướng của thế giới và khu vực cho thấy, tính cực đoan của thời tiết tăng lên. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Từ năm 2009, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo tiến hành hai chương trình nghiên cứu dự báo lũ ống, lũ quét các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, miền Trung và chương trình điều tra tai biến địa chất, cảnh báo sạt lở ở các khu vực vùng núi Tây Nguyên, Tây Bắc và miền Trung. Qua kết quả nghiên cứu trên cho thấy, hiện trạng của các điểm xảy ra thiên tai vừa qua là tổ hợp các dạng thiên tai. 4 cơn bão (trong đó cơn bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm qua), cùng với hình thái thời tiết là vùng áp suất duy trì rất lâu ở miền Trung đã tạo ra lượng mưa vượt qua các chỉ số đo lịch sử, như Quảng Nam lên đến trên 500mm/ngày. Có những nơi, tổng lượng mưa đo được trong cả đợt từ 2.000 đến 4.000 mm. “Có thể nói, trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa. Đây là vấn đề lịch sử và chúng ta chưa có số liệu để có thể tính toán được”, Bộ trưởng Hà nói.

Ông cho hay, các vùng sạt lở như Trạm Kiểm lâm 67, Rào Trăng 3 (TT- Huế), Cha Lo, Minh Hóa (Quảng Bình), khu vực Đoàn Kinh tế quốc phòng 337, Hướng Hóa (Quảng Trị), Trà Leng, Trà Vân, Phước Lộc (Quảng Nam) có độ cao từ 300 - 900 m, nên “chưa có vấn đề do thủy điện, chúng ta không nên suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học”.  Ông Hà cũng cho biết, toàn bộ khu vực này nằm có địa hình đồi núi dốc, trọng lực trượt, độ dốc của sông, suối đều theo hình chữ V và nằm trong đứt gãy địa chất. Các đứt gãy này thời gian qua có sự chà sát và tạo ra độ phong hóa từ 9 - 16 m, làm cho đất đá bị nát vụn, độ gắn kết rất thấp. Địa hình, địa chất trên, cộng với lượng mưa lớn làm gia tăng trọng lực trượt đất, dẫn đến nguy cơ sạt lở lớn.

Bộ trưởng cho rằng, còn một vấn đề nữa cần đánh giá, đó là rừng tự nhiên, thảm thực vật tự nhiên liên quan đến rừng trồng. Qua quan sát từ vệ tinh, rừng trồng do các binh đoàn thực hiện đã phủ xanh 100%. Độ che phủ của khu vực phát triển cây lâm nghiệp đạt từ 60 - 80 %. Khu vực trồng cây nông nghiệp có độ che phủ là 50%.

Bộ trưởng Hà cũng nêu tác dụng cắt giảm lũ, cấp nước mùa khô của các hồ chứa lớn và khẳng định các thủy điện nhỏ không có lỗi, ông cho rằng, lỗi là “do chúng ta chưa phân tích được lợi ích, các tính năng thiết kế hiệu quả và công nghệ, nếu chúng ta tính toán thiết kế được các công trình này hài hòa với tự nhiên (thực tế có thể làm được), vẫn có thể duy trì được nguồn điện năng nhưng không phải biến đổi quá lớn đến tự nhiên”, ông nói.

Nhận định có sự khủng hoảng về tư duy lựa chọn các mô hình phát triển, Bộ trưởng Hà cho biết, với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Bộ TN-MT đã thể chế hóa Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về con đường phát triển bền vững, tăng trưởng xanh; chỉ đạo của Thủ tướng về không hy sinh để đánh đổi môi trường, trong đó, thay đổi tư duy khai phá và chế ngự tự nhiên bằng sống hài hòa với tự nhiên, giải quyết những vấn đề cần ưu tiên, dựa trên những thành tựu của khoa học, công nghệ để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): “Nếu chúng ta không nhìn nhận trước thì chúng ta sẽ để lại di họa cho con cháu”.

Đề xuất giải pháp phát triển bền vững

Khi thảo luận về tình hình KT-XH, ngân sách Nhà nước. đa số ý kiến ĐB đồng tình với nhiều nội dung Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu về chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu cụ thể cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, thiên tai, khí hậu biến đổi khó lường.

Các ĐB đã cho ý kiến về: Giải pháp đưa nền kinh tế phát triển bền vững; giải ngân vốn đầu tư công tránh dàn trải, lãng phí; giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; về tập trung nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai; cần đầu tư đánh giá để xây dựng bản đồ về những vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai để có phương án, giải pháp phòng, chống; tăng cường hỗ trợ đầu tư cho công tác dự báo về tình hình thiên tai; bố trí kinh phí xây dựng các khu tái định cư phục vụ việc di dời dân từ những vùng có nguy cơ sạt lở, chú trọng đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai; thực trạng và hiệu quả các công trình thủy điện, vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; tình trạng ô nhiễm nước thải ở khu vực nông thôn; vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; về công tác biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và tài liệu tham khảo; thực trạng công tác giáo dục hướng nghiệp, giáo dục mầm non; các giải pháp đối với vấn đề lao động việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; chính sách đối với người cao tuổi; xã hội hóa y tế, về công tác y tế tại các vùng sâu, vùng miền núi; về an toàn an ninh mạng; về điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp huyện, xã…

Tuy nhiên, nhiều ĐB tiếp tục có ý kiến về thủy điện và các vấn đề môi trường trong dự án thủy điện. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình về quy trình, tính pháp lý... song các ĐB cho rằng chưa thuyết phục, “chưa ổn”,  bởi ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện, ở đó gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt, “gió núi mưa ngàn”. “Tức nước vỡ bờ”. Các ĐB  khẳng định, mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng trong việc xây dựng các nhà máy thủy điện, lựa chọn địa điểm, quy trình, quy phạm kỹ thuật. Từ đó, các ĐB cho rằng con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra, do đó phải xử động cơ, mục đích khi chọn địa điểm, lạm dụng quy trình thủ tục trục lợi, phải buộc chủ dự án đầu tư đóng “phí môi trường”, phải có cách để Nhà nước “nắm đằng chuôi”…

Q.H