Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV: Mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV/AIDS

Thứ bảy, 24/10/2020 06:51

Sáng 23-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận trực tuyến tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS). Đa số đại biểu nhất trí với nội dung Dự án Luật và sự cần thiết ban hành Luật. Các đại biểu đồng tình về việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin nhưng phải bảo đảm bí mật người nhiễm HIV/AIDS.

Trình bày Tờ trình về Dự án Luật, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục thuyên giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%. Tuy nhiên, một số quy định của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người đã bộc lộ các tồn tại, bất cập như: Việc quy định đối tượng được thông báo, tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và chưa đảm bảo tính thống nhất với các luật về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc giám sát dịch HIV/AIDS và tiếp cận để hỗ trợ, điều trị sớm cho người nhiễm HIV.

Các đại biểu ủng hộ cần thiết phải sửa đổi, bổ sung dự án luật nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều đại biểu cho rằng, một số quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/ AIDS không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay và một số luật hiện hành liên quan có sự mâu thuẫn với nhau về điều trị, chăm sóc bệnh cho người bị nhiễm. Các bất cập, tồn tại đó cần sớm được bổ sung, sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao hiệu quả thực hiện dự án luật.

Thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV/AIDS nhằm bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV/AIDS trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), hiện tồn tại tình trạng người thân đang chăm sóc cho những người nhiễm HIV/AIDS liệu có bị nhiễm hay không khi người bệnh không có ý thức tự giác thì rất nguy hiểm. Vì vậy, việc tiếp cận được thông tin người nhiễm là hết sức cần thiết để tránh lây nhiễm cho người thân như cha mẹ, vợ hoặc người chăm sóc trực tiếp về y tế của đối tượng này. Tuy nhiên, để đảm bảo bí mật thông tin của nhiều người nhiễm HIV/AIDS, để họ không mặc cảm với xã hội mà sống vui tươi, lành mạnh, đại biểu cho rằng cần có tư vấn, khuyến khích về mặt tinh thần cũng như đảm bảo tuyệt đối bí mật thông tin.

Đồng tình với việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin là cần thiết, nhưng đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, việc mở rộng ra nhiều đối tượng như dự thảo luật đang trình Quốc hội là quá rộng và lo ngại điều này chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của người nhiễm HIV/AIDS. Đại biểu Triệu Thanh Dung cho biết, trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Y tế sau khi khảo sát ý kiến của 1800 người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn 27,8% không đồng ý với quy định này do tâm lý sợ bị lộ. Theo đại biểu, có thể một số nhóm cán bộ không được tiếp cận thông tin về người nhiễm sẽ gặp khó khăn trong công việc nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được. “Chúng ta nên đặt mong muốn, nguyện vọng của người nhiễm HIV/AIDS lên trên hết để tạo điều kiện tốt nhất điều trị, chăm sóc cho họ”, đại biểu Triệu Thanh Dung nêu ý kiến.

Nói về chế độ miễn phí xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện đối với phụ nữ có thai và cho con bú, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình về việc này và cho rằng, đây là một chế độ, chính sách rất đặc thù, rất cơ bản và rất nhân văn của Chính phủ đối với phụ nữ khi hiện nay việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ đang rất được quan tâm. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý cần phân biệt phụ nữ xét nghiệm HIV/AIDS có đăng ký bảo hiểm y tế và những người chưa đăng ký bảo hiểm y tế. Đối với những người chưa đăng ký bảo hiểm y tế phải có đóng góp một phần nào đó để xét nghiệm, đảm bảo sự công bằng và khuyến khích toàn dân, trong đó có phụ nữ mua bảo hiểm y tế.

QUỲNH NHƯ – TTXVN