Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV: Thảo luận nhiều nội dung quan trọng của 2 dự án Luật

Thứ năm, 22/10/2020 08:04

Trong ngày làm việc thứ 2, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và Luật Biên phòng Việt Nam; thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự thảo Luật.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Bỏ hộ khẩu, sổ tạm trú ngay từ 1-7-2021

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, các đại biểu nhất trí dự thảo Luật gồm 7 chương và 38 điều; phạm vi điều chỉnh của Luật, chỉ điều chỉnh đối với công dân Việt Nam, còn việc cư trú của người có quốc tịch nước ngoài, người không có quốc tịch được điều chỉnh bởi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Về điều kiện đăng ký thường trú, dự thảo Luật không quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành, Quốc hội nhất trí thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành là từ ngày 1-7-2021 như đề xuất của Chính phủ.

Đa số đại biểu đều tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và nhất trí quy định Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31- 12-2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.

Đối với gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ và hàng chục thủ tục ở các cấp chính quyền địa phương đang có yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan sẽ khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mà đơn vị đã ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, bảo đảm có thể thực hiện thông suốt, thống nhất ngay từ ngày 1-7-2021.

Do ý kiến còn khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép thiết kế nội dung này thành hai phương án tương ứng với hai loại ý kiến nêu trên tại khoản 3 Điều 38 của dự thảo Luật để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận.

Phát biểu giải trình, Đại tướng Tô Lâm- Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Cư trú hướng đến 3 mục tiêu: đảm bảo yêu cầu để không cản trở quyền tự do cư trú của công dân; xác định vị trí pháp lý cho công dân trên lãnh thổ Việt Nam, để thực hiện các giao dịch và phục vụ cuộc sống. Việc quản lý cư trú của các cơ quan nhà nước không được làm phiền hà, phức tạp, để tạo điều kiện cho người dân.

Về vấn đề chuyển tiếp khi Luật có hiệu lực, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo đề nghị phương án: Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1-7- 2021; không có quy định về chuyển tiếp, cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31- 12-2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Phương án này, cơ quan soạn thảo đã đối chiếu với năng lực hoạt động và thực tiễn. "Nếu không dứt khoát được thời điểm, rất phiền phức cho người dân và cả cơ quan quản lý", Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Theo Đại tướng Tô Lâm, bỏ Sổ hộ khẩu giấy là điều mong ước của người dân. Thay đổi phương thức quản lý sẽ mang đến sự thay đổi, sự phấn khởi của người dân. Sổ hộ khẩu còn có rất nhiều điều khoản, quy định khác liên quan đi theo. Do đó, những quy định phương thức quản lý thay đổi, cả hệ thống phải thay đổi chứ không phải chỉ Sổ hộ khẩu. Đồng thời, các quy định về triển khai căn cước công dân cũng có hiệu lực từ 1-7-2021. Đến nay, hơn 90% dữ liệu cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đã thu thập xong, đang thẩm định, phúc tra lại và đưa vào hệ thống. Mục đích là đến ngày 1- 7-2021, các phương thức quản lý liên quan đến Sổ hộ khẩu, căn cước công dân triển khai đồng bộ. "Chúng tôi đã có lộ trình, bước đi và mạnh dạn đề xuất triển khai ngay, không có quy định về chuyển tiếp khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng dựa trên các cơ sở này, nếu Quốc hội giới hạn thời gian có hiệu lực như vậy, bắt buộc các Bộ, ngành phải phối hợp để hoàn thành.

Xin ý kiến về nhiều nội dung của Luật Biên phòng Việt Nam

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 6 chương, 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.

Những nội dung của dự thảo Luật tiếp tục xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, gồm: Tên gọi, khái niệm “Biên phòng” và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; các hành vi bị nghiêm cấm; nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP); nhiệm vụ của BĐBP; quyền hạn của BĐBP; hình thức quản lý, bảo vệ biên giới; biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; trang bị của BĐBP; bảo đảm về biên phòng và chế độ, chính sách về biên phòng; bố cục của dự thảo Luật; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

C.P