Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII: Đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7%/năm
(Cadn.com.vn) - Ngày 21-3, Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng-Nhà Quốc hội. Trong phiên khai mạc, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Kỳ họp. Ảnh: TTXVN |
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2015, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Ngoài 1 chỉ tiêu là tỷ lệ che phủ rừng không đạt kế hoạch như đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, qua đánh giá lại có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu không đạt kế hoạch. Tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2015 tăng 0,63% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ xác định trong năm 2016 là tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục tình hình hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, tình trạng sạt lở bờ biển, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, chăm lo ổn định đời sống nhân dân, không để cho người dân bị thiếu nước sinh hoạt, bị đói và bùng phát dịch bệnh. Theo dõi chặt chẽ, dự báo ảnh hưởng của xâm nhập mặn thời gian tới, thông tin kịp thời, hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu năm 2016 phù hợp với khả năng nguồn nước. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ, xử lý rủi ro đối với các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn bị thiệt hại do thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định và tiếp tục cho vay để sớm phục hồi, phát triển sản xuất...
Đại biểu dự phiên khai mạc Kỳ họp. |
Trên cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, dự báo tình hình, Chính phủ đề xuất trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 với các chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD; bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4%. Các nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn tới vẫn bám sát đột phá lớn đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 là: Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng...
Đánh giá kết quả 5 năm trên cơ sở Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo của Chính phủ về phát triển KT-XH. |
Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất Chính phủ sớm xây dựng chương trình, các đề án cụ thể hóa những vấn đề mới về KT-XH theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và tận dụng thời cơ, thuận lợi khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như gia nhập Cộng đồng kinh tế các nước Đông Nam Á, ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương...
Việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm cần tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, xử lý, khắc phục tình trạng khô hạn ở các tỉnh Nam Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có chuyển biến rõ rệt ngay trong năm 2016. Chính phủ cũng cần tiếp tục cụ thể hóa và triển khai Hiến pháp 2013, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại; đồng thời đánh giá mức độ từng lĩnh vực và có lộ trình tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thu Thủy – TTXVN
4 nhiệm vụ trọng tâm của Kỳ họp Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm của Kỳ họp thứ 11, cụ thể: Một là, xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020. Hai là, xem xét, thông qua các dự án Luật tiếp cận thông tin, Luật báo chí (sửa đổi), Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Luật dược (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế , Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); phê chuẩn Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; xem xét Báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề liên quan. Ba là, xem xét các Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước. Bốn là, xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước; xem xét Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Báo cáo kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác. |