Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Cần quy định cụ thể việc sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ

Thứ ba, 22/11/2016 09:44

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 21-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Cảnh vệ. Dự thảo Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 36 điều. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, dự thảo Luật đã bổ sung 2 chương, 15 điều; đồng thời đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tại các điều 5, 6, 15, 19 và 34 của dự thảo Luật.

Các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh vệ như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng: Việc ban hành Luật Cảnh vệ sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; mục tiêu trọng yếu của quốc gia; các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước. 

Cơ bản đồng tình với các nội dung trong dự thảo Luật Cảnh vệ, đại biểu Dương Văn Thông (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh: Việc ban hành Luật Cảnh vệ là cần thiết nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005. Đặc biệt, việc xây dựng Luật Cảnh vệ vừa để đảm bảo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ và xây dựng lực lượng Cảnh vệ thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Lực lượng CAND xuất quân bảo vệ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132).

Thảo luận về việc sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ (Điều 23), nhiều ý kiến cho rằng: Việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy, việc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Dự thảo Luật Cảnh vệ quy định nổ súng “để tiêu diệt” đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ là chưa phù hợp với nguyên tắc “người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra” và cần bảo đảm điều kiện về “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” theo quy định của Bộ luật Hình sự. Để kịp thời ngăn chặn hành vi này, nhiều khi chỉ cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hoặc bắn bị thương, vì nếu đối tượng còn sống sẽ thuận lợi hơn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc. 

Khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, ngày 21-11, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật quy hoạch. Các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch thời gian qua, bảo đảm tính pháp lý cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bám sát nhu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, một số ý kiến nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng dự án Luật này cần đáp ứng yêu cầu: tạo sự thống nhất của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động quy hoạch đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

P.H

Đại biểu Dương Văn Thông (đoàn Bắc Giang) cho rằng, nổ súng là hành vi cần thiết được quy định trong dự thảo Luật Cảnh vệ, tuy nhiên cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để đảm bảo quyền thực thi nhiệm vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ, vừa không vi phạm quyền con người, quyền công dân. Cũng theo đại biểu, dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về vành đai an toàn trong khu vực mục tiêu cảnh vệ, cũng như phân biệt giữa đối tượng là con người và khu vực sự kiện, dẫn đến quy định chưa thật đầy đủ, chặt chẽ. 

Đại biểu ví dụ, pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có sự phân biệt trường hợp nổ súng khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức thì theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền; khi thi hành độc lập thì theo một số nguyên tắc. Trong khi đó, dự thảo Luật Cảnh vệ chưa quy định rõ hai trường hợp trên, mà chỉ quy định chung chung, dẫn đến cách hiểu là trong Luật Cảnh vệ không có trường hợp thi hành nhiệm vụ có tổ chức, mà chỉ thi hành độc lập. 

Ngoài ra, đại biểu Thông cho rằng điểm c của điều này mới chỉ quy định lực lượng Cảnh vệ được nổ súng để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ. Nếu áp dụng vào thực tế có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên phân biệt cụ thể việc tấn công trực tiếp bằng vũ khí nào và việc sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vũ khí “nóng” hay vũ khí thô sơ có trực tiếp đe dọa đến tính mạng con người, đe dọa đến khu vực sự kiện hay không. Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật này cần quy định theo hướng phân biệt đối tượng cảnh vệ nổ súng để bảo vệ yếu nhân; nổ súng để bảo vệ sự kiện khu vực cảnh vệ; nổ súng khi thực hiện công vụ có tổ chức và thực hiện độc lập.

Nội dung này, đại biểu Hồ Văn Thái (đoàn Kiên Giang) cho rằng ở điểm c, khoản 2, Điều 23, dự thảo Luật nêu: “Để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ”, mặc dù các điều, khoản này quy định việc nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc theo quy định hiện hành của pháp luật. Nhưng theo đại biểu quy định như vậy là chưa phù hợp với Điều 21 của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cũng như với quy định của pháp luật hiện hành là: Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra và bảo đảm phòng vệ chính đáng hoặc tính cấp thiết theo quy định của Bộ luật Hình sự. Theo dự thảo, đối tượng đang có hành vi chứ chưa có hành động, để kịp thời ngăn chặn các hành vi đó nhiều khi chỉ cần sử dụng những biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hoặc bắn bị thương. Nếu đối tượng còn sống sẽ thuận lợi hơn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ điểm c, khoản 2, Điều 23. 

Giải trình về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là hợp lý và sẽ tiếp thu, chỉnh lý điểm c, khoản 2, Điều 23 của dự thảo Luật về trường hợp nổ súng, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng Cảnh vệ, để đảm bảo quyền công dân và tạo điều kiện cho lực lượng Cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ.

Thu Thủy - TTXVN