Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV: Có biện pháp giải phóng nguồn lực trong dân
(Cadn.com.vn) - Thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong phiên làm việc ngày 2-11, đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao bản kế hoạch của Chính phủ được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bao gồm quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ. Trên cơ sở đánh giá báo cáo của Chính phủ, có ý kiến đề nghị cần bổ sung các phân tích mặt được, chưa được, tác động cụ thể, mức độ rủi ro, tính khả thi và nguồn lực để thực hiện ba kịch bản tái cơ cấu được nêu trong kế hoạch, trong đó nhấn mạnh vấn đề huy động nguồn lực xã hội nhất là từ khu vực tư nhân trong các nội dung của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo đại biểu Lê Quân, Kế hoạch cần chỉ rõ 3 khâu quan trọng để giải phóng nguồn lực trong dân: Thứ nhất, cần mạnh dạn thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, chỉ giữ những doanh nghiệp quan trọng để đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh phúc lợi. “Hiện nay vốn trong dân, trong ngân hàng nhiều nhưng thiếu cơ hội đầu tư. Mặt khác, Chính phủ nên ưu tiên dùng vốn đó cho đầu tư hạ tầng, phát triển nhân lực là một trong hai khâu được chọn làm trọng tâm đột phá”, đại biểu Lê Quân phát biểu. Thứ hai, cần đẩy mạnh hợp tác công tư, vì hiện giải pháp này còn mờ nhạt, trong khi hợp tác công tư giúp nhanh chóng thu hút nguồn lực xã hội vào dịch vụ công, tạo đột phá cho phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, giáo dục, văn hóa, y tế, du lịch... Thứ ba, trong Kế hoạch cần mạnh dạn đánh giá lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Với những đơn vị tự chủ phát triển tốt thì giao tự chủ phát triển, tiếp tục đầu tư còn những đơn vị khác có tình trạng chồng chéo, nguồn thu chủ yếu từ việc cho thuê tài sản công thì nên cổ phần hóa, thu hút đầu tư tư nhân, tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư.
Đại biểu Phạm Phú Quốc đồng ý với quan điểm tái cơ cấu gắn với mô hình tăng trưởng. Theo đại biểu, tái cơ cấu sẽ đưa nền kinh tế nước ta vào thế chủ động độc lập, tự do bang giao, không phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn khác, đem lại chất lượng sống, phồn thịnh, hạnh phúc cho người dân. Đại biểu cũng đề nghị bên cạnh việc sáng tạo khởi nghiệp, hoặc hình thành nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục tiêu năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, Chính phủ nên ủng hộ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có thể đảm bảo thương hiệu quy mô, khẳng định được vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Về tái cơ cấu kinh tế Nhà nước, trong đó có doanh nghiệp nhà nước, đại biểu đề nghị sớm hình thành cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhằm tách bạch chức năng quản lý hành chính nhà nước về kinh tế, chức năng chủ sở hữu. Bên cạnh đó, cần hình thành doanh nghiệp tại địa phương có chức năng đại diện Nhà nước, sát cánh cùng các cơ quan Trung ương, vận hành và huy động nguồn lực của Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế.
Đại biểu cho rằng, nguồn tiền từ cổ phần hóa Nhà nước cần sử dụng đúng mục đích ý nghĩa là đầu tư phát triển. Nếu sau khi thiết lập các quỹ liên quan, đưa vào lập ngân sách và sử dụng cho chi thường xuyên thì sẽ không được bảo tồn nguồn vốn từ khâu vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đại biểu kiến nghị phải tính toán nguồn vốn theo hướng xác lập vốn động lực và người thụ hưởng. Động lực thứ nhất là khối kinh tế tư nhân, thứ hai là khối kinh tế nhà nước, thứ ba là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thứ tư là kinh tế tập thể và nông dân. Người thụ hưởng chính là người dân Việt Nam.
Thu Phương