Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho công tác cảnh vệ

Thứ ba, 01/11/2016 07:00

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, sáng 31-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe các Tờ trình dự án: Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật đường sắt (sửa đổi); Luật cảnh vệ. Ngay sau đó, các đại biểu về Tổ, thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Cảnh vệ cho biết, hiện các văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực cảnh vệ mới là pháp lệnh nên hiệu lực thi hành thấp, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ trong tình hình hiện nay. Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới... 

Dự án Luật Cảnh vệ được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn hiện nay; qua đó tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác cảnh vệ; bảo đảm pháp luật cảnh vệ có sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. 

Dự thảo Luật cảnh vệ gồm 6 chương, 36 điều. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, dự thảo Luật đã bổ sung 2 chương, 15 điều và đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tại các điều 5, 6, 15, 19 và 34 dự thảo Luật. 

Đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội là cơ quan thẩm tra đồng ý về sự cần thiết ban hành Luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; mục tiêu trọng yếu của quốc gia; các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước. Đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với bố cục của dự thảo Luật nhưng đề nghị rà soát, sắp xếp lại để bảo đảm hệ thống, tránh chồng chéo và phù hợp với các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

* Tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) khẳng định việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật. Dự thảo Luật gồm 10 Chương với 137 Điều. Với quan điểm Luật này là luật chung điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng đối với tất cả các loại tài sản công theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013, tại Điều 1 của dự thảo quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật như sau: “Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công”. 

* Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) cho biết, việc sửa đổi Luật lần này góp phần phát triển giao thông vận tải đường sắt theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia; cạnh tranh bình đẳng giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải; tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả. Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 95 điều. Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu quan điểm việc sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005 là rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn.

Thu Thủy – TTXVN