Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Cân bằng lợi ích hơn cho người mua bảo hiểm
Ngày 25-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tán thành việc sửa đổi toàn diện luật sau 20 năm thực thi, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị việc sửa đổi cần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bình đẳng, bền vững hơn.
Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì thảo luận tổ số 4 về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) ngày 25-10.
Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng. Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn.
Một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như quy định về phòng, chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là cần thiết.
Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì thảo luận tại tổ số 4 về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ông Quảng thống nhất việc sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó ủng hộ việc đưa bảo hiểm vi mô vào dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vì đây là loại hình bảo hiểm hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội. Ông Quảng cũng đề nghị tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm, các công ty bảo hiểm bởi vì thời gian qua đã xảy ra những lỗ hổng trong quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Ông Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đà Nẵng cho biết, dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm đặt vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều chủ thể tham gia nhưng mới chỉ quan tâm quyền lợi của bên bán, còn bên mua gặp các điều khoản, điều kiện bất lợi. Vì thế, trong dự thảo luật sửa đổi phải đảm bảo chặt chẽ, bình đẳng, minh bạch, cân bằng lợi ích giữa bên bán và bên mua. Cũng theo ông Cường, một số hành vi như làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức, vi phạm các quy định về truyền thông… trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm cần phải nghiêm cấm, bổ sung việc nghiêm cấm này vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.
Băn khoăn về vấn đề chống độc quyền, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị quy định rõ, tránh tình trạng nhà cung cấp bảo hiểm cùng bắt tay nhau, nâng phí thu, giảm phí chi trả đối với những loại hình bảo hiểm khác nhau. “Trong dự thảo luật này, chúng tôi thấy không có quy định nào liên quan đến việc chống độc quyền. Vì vậy, chúng tôi cũng đề xuất bổ sung nội dung về chống độc quyền này thành một điều khoản riêng hoặc đưa về các hành vi bị nghiêm cấm” - đại biểu kiến nghị.
Đề nghị tiếp tục rà soát, xử lý những mâu thuẫn, bất cập với các luật khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nêu thêm: “ban soạn thảo cần thể chế hóa một cách tối đa các chủ trương của Đảng trong việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo hiểm. Đặc biệt là các nguyên tắc về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng, tạo điều kiện cho hệ sinh thái Fintech phát triển”.
Góp ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chất lượng dự án luật và công tác thẩm tra; đồng thời cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số nội dung cần tiếp tục rà soát để nâng cao hơn nữa chất lượng dự án luật. Trong đó, hợp đồng bảo hiểm phải phù hợp điều kiện tới đây là kinh doanh trong môi trường số, điện tử, số hóa. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm, quản trị doanh nghiệp Bảo hiểm phải đánh giá kỹ để làm sao nâng chuẩn lên, không chấp nhận công ty bảo hiểm kinh doanh dưới chuẩn từ vốn đến quản trị.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát đảm bảo cân đối, hài hòa hơn, kể cả nhân thọ, phi nhân thọ, vi mô, tái bảo hiểm... Trong bảo hiểm phi nhân thọ chú ý sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
Về hợp đồng bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát theo hướng bình đẳng cả người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Trước hết phải hoàn thiện chủ thể pháp lý, phải phù hợp luật gốc là Luật Dân sự, phù hợp đặc thù kinh doanh bảo hiểm và kể cả xử lý tranh chấp trong lĩnh vực này.
TTXVN – HẢI QUỲNH