Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Cân nhắc bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
(Cadn.com.vn) - Quốc hội dành cả ngày 24-5 để thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày trước Quốc hội đã giải trình, làm rõ một số vấn đề lớn của Bộ luật liên quan tới phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); bổ sung Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp; Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm...Qua thảo luận, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung 1 điều luật mới về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn. Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn. “Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” – Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết.
Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng chưa rõ cơ sở để bổ sung quy định trên và giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa rõ ràng về nguyên nhân và cách xử lý. Đại biểu nêu: “Bộ luật Hình sự đã bỏ Tội kinh doanh trái phép vì nó không phù hợp tình hình thực tế khi người dân có quyền tự do kinh doanh ở lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nay có thêm có Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là không phù hợp” – đại biểu nêu.
Theo đại biểu Xuyền, với thiết kế như dự thảo thì chưa chắc xử lý được vì các doanh nghiệp này đều được cấp phép đăng ký kinh doanh đầy đủ. Hơn nữa, khung hình phạt cao nhất chỉ 5 năm tù là nhẹ hơn rất nhiều so với với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt lên đến 20 năm và chung thân. “Bổ sung tội mới có thể tạo khe hở là nơi “trốn” để đối tượng không bị xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản” – đại biểu Bùi Văn Xuyền lo ngại.
Nêu quan điểm khác, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) thấy rằng kinh doanh đa cấp trá hình thời gian qua diễn ra với thủ đoạn tinh vi đánh vào tâm lý hám lợi, lợi dụng khe hở pháp luật để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực tiễn cho thấy tình hình diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng nên bổ sung tội trên vào luật là cần thiết. Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Thủy, cần thiết kế xử lý nghiêm người đứng đầu tổ chức vì kinh doanh đa cấp có nhiều tầng nấc, "việc kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tổ chức, đứng đầu, người đứng ra thiết lập mạng lưới tổ chức hoạt động kinh doanh, tất cả những người tham gia bán hàng đa cấp đều ký hợp đồng với người tổ chức và doanh thu từ bán hàng đa cấp đều gửi về cho người tổ chức. Do vậy, cần xử nghiêm người cầm đầu tổ chức, còn nếu qui định xử lý người tham gia phạm vi sẽ rất rộng và phức tạp" - đại biểu nêu.
Thu Thủy – TTXVN
Đề nghị làm rõ dấu hiệu đặc trưng cơ bản của tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đối chiếu với quy định về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp - khoản 49 Điều 1 của dự thảo Luật thì thấy rằng quy định chưa được rõ nét về cấu thành cơ bản để phân biệt giữa tội này với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, ĐB đề nghị cần phải nghiên cứu làm rõ hơn dấu hiệu đặc trưng cơ bản của tội này, để đảm bảo xác định nhanh và xử lý vụ việc được thuận lợi. Theo ĐB, hình phạt của tội danh này còn quá nhẹ, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh loại tội phạm này. Bởi vì, giữa hành vi lừa đảo và hành vi lừa đảo thông qua hoạt động bán hàng đa cấp thì tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi lừa đảo thông qua hoạt động bán hàng đa cấp trái phép lớn hơn rất nhiều so với hành vi lừa đảo thông thường. Mức độ ảnh hưởng và tác động đến nhiều người hơn, thiệt hại lớn hơn. Thực tế thời gian vừa qua có nhiều vụ đến hàng chục người, thậm chí hàng chục ngàn người ở phạm vi thuộc nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Tuy nhiên, khung hình phạt của tội danh này được quy định trong dự thảo chưa tương xứng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong công cuộc đấu tranh đối với loại tội phạm này. Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét thêm vấn đề này. Vũ Hưng |