Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Làm sao để ngăn chặn lừa đảo trên mạng?
Siết chặt thu thuế trên sàn thương mại điện tử Chiều 8-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính. Đối với vấn đề gian lận trong nền tảng số và các biện pháp trước mắt và lâu dài một số đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đề xuất, sàn thương mại điện tử bắt buộc phải thu hộ thuế của những người tham gia sàn thương mại điện tử cho Nhà nước - Đây là quy định để được cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Thông tin - Truyền thông và các bộ, ngành trong việc quản lý thương mại điện tử. Tuy nhiên, những người tham gia trên sàn thương mại điện tử không chỉ ở trong nước mà có thể là người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài rất khó quản lý mà chỉ có các sàn thương mại điện tử nắm rõ thông tin. Do đó, doanh nghiệp muốn tham gia sàn thương mại điện tử phải đăng ký nộp thuế. Sàn thương mại điện tử thu thuế theo tỷ lệ phần trăm theo quy định của cơ quan nhà nước và sau đó nộp lại cho ngân sách nhà nước. Nếu được ủng hộ theo phương án này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, biện pháp để thu thuế trên sàn thương mại điện tử sẽ tốt hơn. Đối với vấn đề thu trên nền tảng số thông qua biên giới, Bộ Tài chính đã có cổng thông tin điện tử và kê khai theo đúng quy định. "Còn lại giao dịch riêng lẻ như Facebook, Zalo bằng tiền mặt nhỏ lẻ, Bộ Tài chính sẽ quản lý dần, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu. B.T |
Không vay nợ nhưng bị “hỏi thăm”
Đề cập đến tình trạng mạo danh Zalo, Facebook của người khác để lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), có ý kiến cho rằng việc này xuất phát từ công tác quản lý tài khoản tại ngân hàng thương mại chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng hiện nay nền kinh tế của chúng ta có rất nhiều tài khoản tại các ngân hàng thương mại mà người đang sử dụng không phải là chủ tài khoản, khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi lừa đảo, phạm pháp nảy sinh. Đại biểu này cũng nêu lên tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ điện thoại của người vay tiền qua các ứng dụng vay online hoặc vay trực tiếp của các công ty tài chính khi người vay không trả nợ đúng hạn. Đại biểu đặt câu hỏi về các biện pháp để từng bước hạn chế các hành vi vi phạm trên.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hoạt động tiền gửi là một trong những hoạt động chính của hệ thống ngân hàng. Khung khổ pháp lý về mở tài khoản đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành đầy đủ, chi tiết. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ cao, nhằm tạo tiền đề để chuyển sang hoạt động ngân hàng số trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cho phép mở tài khoản qua phương tiện điện tử, xác thực điện tử. Trên thực tế, các cá nhân khi mở tài khoản đều phải xác thực định danh của mình.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có hiện tượng lừa đảo trên mạng để lấy thông tin của chủ tài khoản và vào Internet Banking để lấy cắp thông tin, lấy trộm tiền của tài khoản. Cũng có hiện tượng chèn sóng tin nhắn của ngân hàng khiến khách hàng không thể phân biệt được tin nhắn của ngân hàng hay tin nhắn giả mạo. Ngân hàng Nhà nước nhận thấy cần phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng để xác minh, có giải pháp cảnh báo đối với người dân về hiện tượng này, để tất cả những người có tiền trong tài khoản lưu ý khi nhận được tin nhắn phải rất cảnh giác.
Về việc đòi nợ của các công ty tài chính, trên cơ sở phản ánh của dư luận, báo chí, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy rằng cần sửa đổi các văn bản quy định pháp luật. Hiện nay, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay của các công ty tài chính đã chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ theo các biện pháp đe dọa. Quy định rõ thời gian để đòi nợ là từ 9 giờ đến 21 giờ.
Bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh
Nhấn mạnh, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, tuy nhiên, siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến hệ lụy thị trường sẽ đình trệ và người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn, trong khi đó, mục đích quản lý của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn về các giải pháp chính sách tiền tệ để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản bao gồm rất nhiều chủ thể, thu hút được nhiều nguồn đầu tư khác và tín dụng là một kênh tham gia đầu tư về thị trường bất động sản. Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đều có chủ trương mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả và tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát vốn những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
“Đối với lĩnh vực bất động sản, rủi ro là sự quan tâm nhất của ngân hàng, rủi ro mất vốn, rủi ro của tín dụng. Các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay khi khách hàng đủ điều kiện và phải đảm bảo khả năng trả nợ. Nhưng một rủi ro vô cùng quan trọng, đó là rủi ro về thanh khoản. Bởi vì bản chất của tín dụng bất động sản thường là giá trị lớn và kỳ hạn dài. Trong khi đó, tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Các tổ chức tín dụng cho vay nếu không kiểm soát được, sẽ có thể có những thời điểm khách hàng đến rút tiền chưa đòi được những khoản nợ dài hạn”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Chính vì như vậy, bà cho biết, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro. Việc thực hiện cho vay đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định, nhưng trên cơ sở phải đảm bảo được an toàn hoạt động của chính tổ chức tín dụng của mình và của cả hệ thống.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đề cập về tình trạng nhà đầu tư đầu cơ đẩy giá đất lên cao bất thường trong cuộc đấu giá, gây sốt ảo bất động sản, bong bóng giá nhà đất, làm lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng được. Trả lời chất vấn của đại biểu, Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên thực tế, các tổ chức tín dụng khi cho vay có thể có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng khi đã cho vay, các khoản vay có tài sản đảm bảo thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản này để nhận diện rủi ro của khoản vay đó, đặc biệt là đối với các tổ chức tín dụng cho vay có tài sản đảm bảo ở những địa bàn giá bất động sản bong bóng và rất cao.
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, các nhà điều hành đều nói là không “siết”, nhưng thực tế thị trường trái phiếu doanh nghiệp những tháng đầu năm rất "èo uột", nhất là những nhà đầu tư có tiềm lực, muốn huy động vốn để đảo nợ hoặc tiếp tục đầu tư mới là rất khó khăn. Thị trường bất động sản cũng vậy.
“Cho nên, chúng ta phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp như các cụ nói ngày xưa là mất bò mới lo làm chuồng, rất dở. Nhưng nếu để xảy ra trường hợp mất bò rồi còn không dám làm lại chuồng để nuôi bò tiếp lại còn dở hơn”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Nhắc lại phần phát biểu kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính vào đầu giờ chiều nay, rằng tất cả thị trường phải thông suốt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, một mặt chúng ta phải giám sát, quản lý chặt thị trường, nhưng mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển. Chúng ta chấn chỉnh, xử lý những méo mó, hư hỏng của thị trường, chứ không phải đóng cửa hay hạn chế thị trường này phát triển.
“Chính sách đối với tài chính, kinh tế không thể giật cục được, phải nhất quán, thông suốt, phải có dự phòng, dự liệu nhiều nội dung khác nhau”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
T.T