Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV: Cơ bản đồng tình xây dựng các đặc khu

Thứ bảy, 11/11/2017 06:58

Vấn đề cơ chế cho đặc khu, giám sát Trưởng đặc khu và mô hình chính quyền đặc khu là những nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt chiều 10-11. Nhiều đại biểu đồng tình với việc thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm tạo động lực phát triển, tuy nhiên, để thuận tiện hơn cho quá trình thực hiện và cũng phù hợp với thực tiễn quốc tế, đại biểu đề nghị trong các quy định cụ thể của dự thảo Luật nên cân nhắc quy định gọi tắt cụm từ “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” là “đặc khu”.

Về tổ chức chính quyền đặc khu, Chính phủ đề xuất và xin ý kiến Quốc hội về hai phương án, trong đó phương án 1 là không tổ chức HĐND và UBND tại đặc khu mà thực hiện thiết chế Trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đây cũng là phương án Chính phủ lựa chọn. Phương án thứ 2 là tổ chức chính quyền địa phương đặc khu gồm có HĐND và UBND.

Đa số đại biểu đồng tình với phương án 1 và cho rằng phương án này thể hiện được tính “đặc biệt” về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy như được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII). Các đại biểu cho rằng, Hiến pháp năm 2013 đã quy định có độ “mở” để tạo không gian cho cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương khi cần thiết, vì vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp. Tuy nhiên, cần cân nhắc thêm để làm rõ hơn cơ chế thực hiện giám sát đối với Trưởng đặc khu, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực.

Thiên về phương án 1, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng điều này làm giảm bớt các thủ tục, giảm bớt các kênh, thực hiện cơ chế một chìa khóa. “Kể cả kênh giám sát cũng giảm bớt. Tôi thấy một kênh Đảng, một kênh chính quyền và độ dân chủ của cư dân ở nơi đây là đủ”, Bộ trưởng nhìn nhận. Ông cũng cho rằng, điều quan trọng nhất với nhà đầu tư nước ngoài không phải ở các ưu đãi về thuế, đất đai mà là hệ thống hành chính thông thoáng, thủ tục đúng theo quy định của pháp luật và một hệ thống tư pháp có năng lực, độc lập. Chính những con người vận hành ở các đặc khu mới là quan trọng, là cơ chế mềm. Nên tập trung vào hệ thống hành chính, bộ máy tư pháp và đặc biệt là con người.

Nói về cơ chế giám sát, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân tích: có 3 tầng nấc giám sát Trưởng đặc khu, đó là người dân, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp trên; Thủ tướng và các bộ, ngành. Đây thực chất là vấn đề nhưng chúng ta đã có tính đến để kiểm soát quyền lực, tránh việc lạm quyền khi trao quá nhiều quyền cho Trưởng đặc khu. Trưởng đặc khu rất nhiều quyền, đi liền với quyền đó, chúng ta thiết kế cơ chế giám sát để tránh việc lạm quyền. Trong dự luật đã tính đến và đã thiết kế, Bộ trưởng Dũng nói.

THU THỦY