Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV: Phòng chống tham nhũng chưa thực sự đột phá
Trong phiên làm việc ngày 6-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) đánh giá: Tham nhũng là một vấn đề nhức nhối của quốc gia, là một hình thức tự diễn biến tự chuyển hóa và để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng, gây tổn hại về kinh tế, suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, làm mai một niềm tin của nhân dân. Thời gian qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt phòng chống tham nhũng, nhiều vụ án lớn đã được phát hiện và xử lý nghiêm. Việc làm này được cử tri và nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Thị Giang và nhiều đại biểu khác, tình hình phòng chống tham nhũng chưa thực sự mang tính đột phá, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với thủ đoạn ngày càng tinh vi khó phát hiện và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức Nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), tham nhũng là hiện tượng biến tướng tiêu cực của quyền lực Nhà nước, xảy ra với các mức độ khác nhau, ở bất kỳ quốc gia nào, chính thể nào. Vấn đề đặt ra là tình trạng “lưu manh hóa” của một bộ phận, một nhóm xã hội có thể dẫn đến bất ổn về an ninh chính trị, trật tự xã hội. “Hiện tượng tham nhũng mà chúng ta vẫn nói là quốc nạn có phải là biểu hiện biện chứng của sự “lưu manh hóa” đó hay không là vấn đề đáng quan tâm để chúng ta tiếp tục nhận diện hiện tượng tham nhũng, tiếp tục nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay”, đại biểu đặt vấn đề.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề cập đến vấn đề tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức với khẳng định tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ là có, thế nên dân gian mới kết luận “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”. Theo đại biểu, quy định về cán bộ, công chức thiếu chặt chẽ dẫn tới tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Việc này cần phải chống, để tạo ra một đội ngũ cán bộ tốt, có đủ liêm chính để thực hiện nhiệm vụ. Nếu không làm tốt, sẽ tạo ra hệ lụy là thế hệ tham nhũng thứ hai xuất hiện, bởi vì khi họ đã bỏ tiền ra để chạy chức, chạy quyền thì khi họ được giao quyền, họ sẽ tính “bài” thu lại và không cách nào khác, đó chính là cách tham nhũng tiếp theo.
Cũng liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản sau tham nhũng và cho rằng cơ quan công an điều tra, tòa án, viện kiểm sát có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà lại không thu hồi tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để, không đạt được mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vừa qua vô cùng khiêm tốn, quá thấp so với những thiệt hại rất lớn mà nạn tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia.
T.THỦY – TTXVN