Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV: TPHCM có trách nhiệm với cả nước
Ngày 20-11, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí việc thông qua Nghị quyết theo đúng quy trình một kỳ họp và khẳng định việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo động lực phát triển không chỉ đối với TPHCM mà còn đối với cả nước.
Một góc TPHCM. |
Cơ chế mới
Các đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Nguyễn Thái Học (Phú Yên)... đều cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM. Bởi lẽ, TPHCM là đô thị đặc biệt, có quy mô, mật độ dân số lớn nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất, thu nhập đầu người cao nhất, đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Nhưng theo báo cáo, hơn 30 năm đổi mới, cơ chế chính sách phát triển TPHCM tương tự như các địa phương khác. Chính cơ chế chính sách hiện hành không tạo điều kiện cho thành phố phát huy các tiềm năng lợi thế. Do đó, có cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố là yêu cầu mang tính khách quan. Có cơ chế chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện cho thành phố phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, năng động, chủ động sáng tạo phát triển tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cả nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) nêu rõ, thời gian qua, TPHCM đã có nhiều thành quả đóng góp cho đất nước dựa trên ba yếu tố: Thứ nhất, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để thành phố phát triển. Thứ hai, thành phố cũng ý thức được trong mọi thành quả đạt được có sự đóng góp, hy sinh tính mạng, xương máu của đồng bào, đồng chí cả nước để giải phóng miền Nam và sự hỗ trợ của tỉnh, thành phố trong cả nước đối với thành phố. Thứ ba là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thành phố cố gắng để phát huy lợi thế, tiềm năng của mình, phát huy truyền thống cách mạng, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần xây dựng đất nước. Với tinh thần đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM luôn ý thức được những thành quả đạt được không chỉ là đóng góp mà cao hơn nữa là trách nhiệm, nghĩa tình của mình đối với cả nước.
Sau 30 năm đổi mới, những động lực của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tạo ra cho thành phố đã có độ “cứng” nhất định, cần có cơ chế chính sách mới đặc thù, đột phá, linh hoạt hơn. Khi nói đến cơ chế đặc thù, chính sách đột phá thường có độ vênh với chính sách pháp luật nhưng là cần thiết để thí điểm. Nếu thí điểm thành công sẽ tạo cơ hội nhân rộng ra để các địa phương khác tiếp tục thực hiện; có thực tiễn để đánh giá tác động từ đó sửa đổi, bổ sung một số cơ chế pháp luật hiện nay không còn phù hợp với sự phát triển, nhất là đối với các vùng động lực, đầu tàu kinh tế của cả nước. Nếu dự thảo Nghị quyết được Quốc hội thông qua, TPHCM đứng trước thử thách, trách nhiệm lớn. Cả nước đã vì thành phố, vì vậy, thành phố cũng phải thể hiện sự tự trọng, trách nhiệm của mình trong việc hoàn thành thí điểm thành công, để có thực tiễn đánh giá tác động về cơ chế, chính sách, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác.
Với trách nhiệm là Chủ tịch HĐND TPHCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua, HĐND thành phố nỗ lực hoàn thành tốt 4/5 nhiệm vụ được giao. HĐND hiện có 105 đại biểu được nhân dân bầu. Hơn 97% đại biểu có trình độ đại học và trên đại học, trong đó 63,7% có trình độ trên đại học rải đều ở tất cả các lĩnh vực. Để quyết định các vấn đề trọng tâm trong phát triển, đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ phân quyền, phân cấp một cách thắng lợi, HĐND thành phố luôn tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, các nhà khoa học trong thực thi các quyết định của mình.
Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả
Nhiều nội dung cụ thể cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận, cho ý kiến. Theo các đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa)... để tạo điểm nhấn đột phá phát triển kinh tế của đất nước, nước ta cần có giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù làm điểm chỉ đạo ở một số nơi. Chọn TPHCM để tạo cho cơ chế đặc thù phát triển thành phố chính là tạo động lực phát triển kinh tế của đất nước nói chung.
Về việc chuyển quyền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé tán thành với quy định phân cấp cho HĐND TPHCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa. Tuy nhiên, để chặt chẽ hơn, đại biểu cho rằng cần quy định mức giới hạn tối đa về diện tích đất trồng lúa được chuyển mục đích sử dụng. Về quy định thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản, đại biểu tỏ ý băn khoăn về việc cho quy định này vào Nghị quyết và nếu có quy định này cần cân nhắc thời điểm thực hiện cho phù hợp.
Liên quan đến việc thí điểm tăng mức thuế, đại biểu Bé đồng tình với việc tăng một số chính sách thuế, tuy nhiên, để đảm bảo ổn định, cần cân nhắc đánh giá tác động khi tăng chính sách thuế này. Bởi, nếu tăng tràn lan sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh khuyến khích đầu tư vào TPHCM.
Đồng tình hầu hết các nhiệm vụ cụ thể Nghị quyết giao cho HĐND TPHCM, nhưng đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số quy định nhằm tạo đột phá cho thành phố, hạn chế tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm tư duy nhiệm kỳ. Liên quan đến các quy định giao cho HĐND thành phố quyết định các chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A ngân sách của thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công và tăng mức trái phiếu đối với chính quyền địa phương và trần vay nợ, đại biểu lưu ý không nên lạm dụng chính sách này mà chỉ sử dụng trong từng thời điểm và cho từng dự án được cấp có thẩm quyền ký, chịu trách nhiệm cá nhân cao, không tạo nguy cơ đổ vỡ trần nợ công cho cả nước.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị Chính phủ và thành phố nghiên cứu và áp dụng bổ sung thêm các cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, phòng tránh các hành vi nguy cơ và nguy cơ lạm dụng, tham nhũng vì nếu không hiểu đúng sẽ có sự méo mó về chính sách đặc thù và bị chi phối bởi lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ khi áp dụng các cơ chế đặc thù cho thành phố. Với cơ chế thu hút người tài và tiền lương cao, phải có cơ chế thanh lọc cán bộ bất tài, thiếu trách nhiệm trong quản lý Nhà nước, bảo đảm quản lý tốt để tạo đột phá, phát triển thành phố văn minh hiện đại, đô thị bền vững. Đồng thời, sau khi ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM sau 3-5 năm cần sơ kết, tổng kết để đánh giá tác động sự thí điểm này, để không những tạo cơ chế phát triển cho thành phố mà còn tính tới sự phát triển, sự tác động nhiều chiều đến các tỉnh phía Nam và sự ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nước - đại biểu nêu quan điểm.
T.THỦY – TTXVN
Thảo luận dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi) Chiều 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi). Trong dự thảo Luật, Điều 24 quy định bản đồ hành chính Việt Nam gồm: Bản đồ hành chính toàn quốc; Bản đồ hành chính cấp tỉnh; Bản đồ hành chính cấp huyện. Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) phân tích bản đồ hành chính thể hiện ranh giới các đơn vị hành chính kèm theo địa danh và một số yếu tố chính về tự nhiên, kinh tế, xã hội. Nêu bản đồ hành chính cấp nào được lập trên cơ sở địa giới hành chính cấp đó, nhưng trong dự thảo chỉ quy định 3 loại là: Bản đồ hành chính toàn quốc; Bản đồ hành chính cấp tỉnh; Bản đồ hành chính cấp huyện là chưa đầy đủ, đại biểu Lê Minh Thông đề nghị cần bổ sung bản đồ hành chính cấp xã vào điều luật này. Bởi cấp xã là cấp hành chính thứ 4, lập bản đồ hành chính cấp xã là để chỉ ra sự phân chia cơ cấu chính trị của của cấp hành chính cuối cùng, nhằm giúp cho công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực... Cùng ngày, với 88,8% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. |