Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Bảo đảm tính đồng bộ trong thực hiện quy hoạch
Chiều 23-5, các đại biểu làm việc tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và dự án Luật Trồng trọt.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) tham gia thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Ảnh: quochoi.vn |
Cần giải quyết căn cơ quy hoạch treo
Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, một số đại biểu cho rằng: Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị quy định hình thức điều chỉnh cục bộ với thủ tục rút gọn, đơn giản, tuy nhiên trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh cục bộ lại không được quy định cụ thể, chỉ quy định chung chung là "không ảnh hưởng lớn" có thể dẫn tới việc điều chỉnh tùy tiện, quy hoạch thiếu sự ổn định. Đại biểu Trần Anh Tuấn (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị rà soát nhanh để giải quyết căn cơ bài toán quy hoạch treo, quy hoạch chờ quá lâu ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Quy hoạch ảnh hưởng đến đời sống của người dân phải cân nhắc thiệt hại chứ không chỉ tính đơn thuần giá trị hiện hữu, bởi giá trị hiện hữu không phản ánh giá trị thực của tài sản đất đai, nhà của người dân. Nếu quy hoạch thực hiện tốt, giá trị thực tài sản đất đai sẽ khác, các cơ hội đầu tư làm ăn cũng khác, người dân sẽ thực hiện đầy đủ quyền sở hữu của tài sản đó.
Luật Quy hoạch quy định về nguyên tắc công khai trong hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, khi chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết phải xin cấp giấy phép quy hoạch hoặc khi cần thông tin về quy hoạch phải xin chứng chỉ quy hoạch, trong khi việc lập quy hoạch là trách nhiệm của cơ quan nhà nước và thông tin quy hoạch cần phải được công khai cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, đối với việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này hiện tại pháp luật cũng đã có các quy định cụ thể. Do đó, cần sửa đổi nội dung này tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị cho phù hợp với nguyên tắc của Luật Quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) kiến nghị dự án Luật chỉ nên sửa đổi, bổ sung những điều mang tính kỹ thuật, để bảo đảm đồng bộ. Đồng thời, đây là dự án Luật được thông qua tại một kỳ họp, nên Quốc hội cần thận trọng trong việc xem xét, nhất là trong trường hợp vừa qua có một số Luật được ban hành nhưng không có chất lượng.
Cơ chế vượt trội cho 3 đặc khu
Trước đó, sáng 23-5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật để thể chế hóa kịp thời các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ chế chính sách vượt trội, đột phá, tạo cực tăng trưởng mới không chỉ cho ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà còn cho 3 tỉnh và cả nước.
Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định trong dự án Luật về quy hoạch đặc khu, trong đó có các nội dung về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý tại đặc khu, đồng thời cũng phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Nội dung về quy hoạch đặc khu trong dự án Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ vị trí, tính chất của quy hoạch đặc khu là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, mỗi đặc khu chỉ có một quy hoạch tổng thể, được xây dựng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, có tính kết nối với các quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia; bổ sung các yêu cầu mang tính đặc thù đối với nội dung của quy hoạch đặc khu, trong đó bao gồm phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, các khu chức năng; đồng thời, quy định rõ thẩm quyền, trình tự lập.
Đối với ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu, nhiều ý kiến nhận định các ngành, nghề ưu tiên phát triển tại từng đặc khu đã được Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc thận trọng trên cơ sở đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của từng đặc khu. Đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt, thể hiện mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển của từng đặc khu, là căn cứ để xác định và thực hiện các chính sách ưu đãi và chính sách khác, do đó, cần được quy định rõ trong dự án Luật thể hiện sự minh bạch, ổn định, nhất quán về cơ chế, chính sách phát triển đặc khu, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho nhà đầu tư. Một số ngành, nghề được định hướng ưu tiên phát triển ở cả 3 đặc khu là cần thiết nhưng cần bảo đảm nguyên tắc tránh dàn trải, ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm để phát huy lợi thế của từng đặc khu.
Phải bảo đảm quyền lợi Hiến định của người dân khi thu hồi đất
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, đối với các đặc khu, việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược có ý nghĩa vô cùng quan trọng và tạo động lực to lớn đối với sự phát triển của đặc khu, do đó cần thiết phải có những cơ chế ưu đãi nhất định đối với nhà đầu tư này. Tuy nhiên, việc trao cho nhà đầu tư chiến lược những quyền lợi nào đó cần phải cân nhắc kỹ để vừa đảm bảo điều kiện tối ưu cho nhà đầu tư chiến lược nhưng cũng không để ảnh hưởng đến việc định hướng phát triển của chính quyền.
Về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư, ĐB cho rằng, đất đai là một tài sản quan trọng đối với người dân, gắn liền với cuộc sống của người dân. Do đó, việc thu hồi đất của người sử dụng đất sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người sử dụng đất. Chính vì vậy mà tại Khoản 3 Điều 54 Hiến pháp 2013 đã quy định: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc giới hạn việc thu hồi đất là cần thiết nhằm đảm bảo quyền của người dân. Theo ĐB, Khoản 5, 6 Điều 32 dự thảo luật quy định phạm vi thu hồi đất quá rộng, nhiều trường hợp thu hồi đất chưa đúng Hiến pháp năm 2013.
Đặc biệt, tại Điểm đ Khoản 6 Điều 32 còn quy định thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật này mà không đưa ra thêm bất cứ điều kiện gì. ĐB cho rằng, quy định này tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng trong việc thu hồi đất và có thể dẫn đến trường hợp vì lợi ích của nhà đầu tư mà bất chấp quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Việc thu hút dự án đầu tư là nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của đặc khu và mục tiêu cuối cùng cũng là nâng cao điều kiện sống của người dân. Chính vì vậy, ĐB đề nghị đánh giá lại tính thực sự cần thiết ở một số trường hợp thu hồi đất như đã nêu trên trong dự thảo luật cho phù hợp với Hiến pháp 2013 .
T.THỦY – H.HOA – TTXVN
Quyền lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất lớn Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn bày tỏ quan điểm thống nhất với sự cần thiết ban hành luật quy hoạch. Theo ĐB, bằng một luật thu hút 13 luật khác về quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch đặt lên vai Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đi kèm đó là quyền lực của Bộ này rất lớn, do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thêm vấn đề này. ĐB đề nghị cần giải quyết sự chồng chéo giữa Luật Xây dựng và các Luật khác có liên quan. Theo quy định của Luật Xây dựng tại Điều 46 thì cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cho các nhà đầu tư khi có yêu cầu. Nhưng Luật Đầu tư trong hồ sơ thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư tại Điều 33 yêu cầu nhà đầu tư phải nộp “Đề xuất dự án đầu tư trong đó có nội dung về địa điểm đầu tư”. Như vậy, nhà đầu tư phải có địa điểm đầu tư trước khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Sự chồng chéo này gây khó khăn rất lớn cho nhà đầu tư. ĐB cho rằng, liên quan đến thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng tại Điều 57, nhiều nội dung chưa rõ thẩm quyền, chẳng hạn, tại Điểm a, c Khoản 4, đối với dự án sử dụng vốn khác thì thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng có sử dụng cụm từ “công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng” là rất chung chung, khó lượng hóa, dẫn đến sự ôm đồm của các cơ quan chức năng. Theo ĐB, hoạt động xây dựng chịu sự chi phối của Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Đầu tư... Thực tế này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong xin cấp phép xây dựng. Do đó, trung ương cần nghiên cứu có giải pháp theo hướng tích hợp các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian trong cấp phép xây dựng. PHẠM HỮU HOA (ghi) |