Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Đẩy mạnh đào tạo đối với 32 triệu lao động chưa có bằng cấp

Thứ tư, 06/06/2018 09:06

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường, ngày 5-6, ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã giải đáp một số chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành. Những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là công tác giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng giáo viên đào tạo nghề, chăm sóc và bảo vệ trẻ em...

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

Nâng cao chất lượng lao động 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu lên tình trạng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với người lao động, cung cấp thông tin sai, “đem con bỏ chợ” khiến người lao động lâm vào hoàn cảnh bơ vơ, quay về nước thì mang công mắc nợ, đã nghèo lại nghèo thêm. Mặt khác ở một số thị trường lao động tốt lại có hiện tượng nhiều lao động xuất khẩu trốn việc ở công ty đã ký hợp đồng ra làm cho công ty khác hoặc ở lại nước bạn không hợp pháp làm ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hợp tác lao động của nước ta với những nước này. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết trách nhiệm trong việc này; giải pháp nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, khắc phục những bất cập. 

Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc đưa người lao động Việt Nam đi lao động và làm việc ở nước ngoài là chủ trương của Đảng và Nhà nước. “Trong chương trình quốc gia về giải quyết việc làm cho tuổi trẻ, cho thanh niên, chúng ta có đặt ra mục tiêu phấn đấu có khoảng 1 triệu thanh niên, người lao động được đi lao động, học tập ở nước ngoài. Đến nay, đã có khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam ở nước ngoài; con số này gần đây có tăng lên. Đặc biệt, năm 2017, có 134 nghìn lao động xuất khẩu, tương đương 128% so với chỉ tiêu đặt ra”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. 

Theo Bộ trưởng, quan trọng là các thị trường tiềm năng những năm trước đây khó khăn như Hàn Quốc, sau 4 năm gián đoạn đã nối lại được. Lần đầu tiên, Việt Nam ký kết cấp quốc gia về lao động với Nhật Bản (Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi Nhật Bản - PV). Xuất khẩu lao động mỗi năm giải quyết hơn 100 nghìn lao động, thu nhập bình quân xấp xỉ 3 tỷ USD, trong đó thu nhập địa phương cao nhất hiện nay là Nghệ An với 250 triệu USD/năm. 

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, tại các thị trường tiềm năng, thu nhập cao lại có hiện tượng lao động Việt Nam bỏ trốn, kết thúc hợp đồng nhưng không về nước, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc với tỷ lệ bỏ trốn vào năm cao nhất lên tới 55%. Chính vậy, 4 năm liền, Hàn Quốc không ký lại biên bản ghi nhớ tuyển dụng lao động Việt Nam. Một nguyên nhân rất quan trọng theo Bộ trưởng, số lao động ở lại cao vì các chủ doanh nghiệp nước bạn cũng có nhu cầu trong khi lượng lao động hết thời hạn này có tay nghề cao, trốn được thuế, cơ hội quay trở lại khi về Việt Nam là khó... Sau một thời gian kiên trì từ hai phía, hiện tỷ lệ người Việt Nam trốn ở lại Hàn Quốc giảm xuống còn 33%. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước tình hình nhiều lao động Việt Nam hết hợp đồng nhưng vẫn trốn ở lại lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, phía bạn đã yêu cầu tất cả những huyện có tỷ lệ lao động bỏ trốn trên 30% sẽ không được tuyển dụng. Năm 2016 có 12 tỉnh và 58 huyện  có trên 30% lao động trốn ở lại, đến năm 2018 số này giảm đi, hiện còn 49 huyện. 

Về thị trường lao động Saudi Arabia, theo Bộ trưởng, hiện nay có khoảng 9 nghìn lao động đang làm việc ở đây, chủ yếu làm giúp việc gia đình. Đặc thù của thị trường này rất nhạy cảm, sức ép lớn nhưng lại có thuận lợi là yêu cầu đối với lao động tương đối đơn giản, không cần nhiều ngoại ngữ, trước khi đi, các lao động còn được cấp 4 nghìn USD trong đó 2 nghìn USD dành cho doanh nghiệp và 2 nghìn USD dành cho người lao động. Các lao động đi xuất khẩu thị trường này phần lớn cũng khó khăn, không đi được chương trình EPS (Chương trình hợp tác với Hàn Quốc), IM Japan (Chương trình hợp tác với Nhật Bản). Tuy nhiên, về phía Bộ thì cho rằng đây là thị trường rủi ro, nảy sinh nhiều hệ lụy nên đã đưa ra một số cảnh báo với các doanh nghiệp, khuyến cáo với nhân dân hạn chế đi khu vực này.

Khắc phục tình trạng chất lượng lao động thấp 

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nêu thực trạng: Chất lượng lao động nước ta hiện nay còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo còn nhiều bất cập, thiếu lao động trình độ cao, hệ thống giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động... Đây chính là nguyên nhân làm năng suất lao động Việt Nam thấp, thua xa so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Đặc biệt, trước thực tế lao động phổ thông tại các doanh nghiệp đang bị máy móc dần thay thế và yêu cầu kỹ năng lao động ngày càng cao, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị Bộ trưởng đưa ra các giải pháp căn cơ để khắc phục những hạn chế, thách thức nêu trên trong thời gian tới. 

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Ngày 2-6 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Bộ chủ trì xây dựng Đề án để nâng cao chất lượng và điều chỉnh cơ cấu lao động phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, một số nội dung cần quan tâm là: tập trung xử lý và tìm cách để giải quyết được 215.000 sinh viên và người lao động có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp; chăm lo, giải quyết và phân luồng “mạnh” lực lượng lao động vào tuổi; đào tạo và đào tạo lại người lao động đang làm việc nhưng có nguy cơ mất việc, sa thải, đặc biệt ở ba lĩnh vực: giày da, dệt may, công nghệ. 

Xây dựng Đề án đào tạo đối với lao động chưa có bằng cấp

Tham gia giải trình, làm rõ hơn các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Việc thống kê đầy đủ về mức độ đào tạo, tỷ lệ lao động được đào tạo có việc làm, tỷ lệ chưa có việc làm... của nước ta hiện nay vẫn chưa được làm tốt. Số liệu thống kê về bằng đại học, cao đẳng, trung cấp đã làm tương đối tốt nhưng thống kê về đào tạo khác không có chứng chỉ lại không tốt.  

Phó Thủ tướng phân tích cụ thể: Việc thống kê các số liệu của Việt Nam hơi khác với các nước trên thế giới. Các số liệu thống kê của Việt Nam chủ yếu là thống kê về trình độ chứ không phải thống kê về lao động. Cơ cấu lao động theo trình độ của Việt Nam là “hình thắt ở giữa”; nhưng cơ cấu lao động của thị trường Việt Nam lại đúng với mô hình của các nước đang phát triển - “hình chóp”. Ở các nước kém phát triển, hình chóp rất cao; ở những nước đang phát triển hình chóp thấp hơn, tương tự như “hình tam giác đều”; ở các nước phát triển, mô hình được ví như “củ khoai tây” hoặc “quả trứng”. Tại Việt Nam, mô hình lao động đang là hình tháp và có dấu hiệu chuyển dần sang hình “trứng” hoặc “củ khoai tây”. 

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới cần cải cách hệ thống giáo dục, bao gồm cả hệ thống phổ thông, dạy nghề, trên đại học; mặt khác ngành LĐ-TB&XH cần đẩy mạnh đào tạo đối với 32 triệu lao động chưa có bằng cấp. Việc này đã được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo Chính phủ; Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để xây dựng Đề án tăng cường đào tạo số lao động này.

THU THỦY – TTXVN

Ngăn chặn tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em

Nêu quan điểm tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại đối với trẻ em trong những năm qua ngày càng tăng, nhiều vụ việc phức tạp, nghiêm trọng xảy ra từ thành thị đến nông thôn và đang trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Bộ trưởng đưa ra các giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề trên một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin hiện nay, trên thế giới, bình quân có khoảng 150 triệu trẻ em bị bạo lực/năm. trong đó khoảng 73 triệu là bé trai. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ bạo lực và xâm hại trẻ em lớn nhất. Tại Việt Nam, hàng năm, bình quân có khoảng 2.000 trường hợp bạo lực. Đây là con số phản ánh, còn con số thực tế có thể tăng lên vì nhiều trường hợp không có thông tin. 

Bộ trưởng khẳng định về khung pháp lý hoàn toàn đầy đủ, được quy định trong Luật Trẻ em, Nghị định 56/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật trẻ em; đặc biệt, sau tình hình bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em gia tăng, Thủ tướng đã có Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2017 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phân công rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từng địa phương. 

Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành nhiều giải pháp, như: tuyên truyền, vận động; xây dựng đường dây nóng 111; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm một số vụ việc, đặc biệt là các vụ nổi cộm. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ đã trực tiếp đôn đốc, theo dõi những vấn đề này. Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật; cụ thể hóa hơn trách nhiệm các ngành, đặc biệt là tăng cường phối hợp hiệp đồng; đề cao trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong vấn đề quản lý phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi bố mẹ đi làm vắng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm trước hết của mỗi gia đình và toàn xã hội. Nhiệm vụ hàng đầu là cần đẩy mạnh, đề cao trách nhiệm của gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các quyền của trẻ em. Thứ hai, cần tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu - đây là một điều quan trọng.

Thời gian qua, có nhiều vụ việc xâm hại, bạo lực đối với trẻ em nhưng các cơ quan chức năng mới tập trung xử lý trách nhiệm của người trực tiếp gây ra. Tại các cơ sở giáo dục ở các địa phương khi để xảy ra tình trạng bạo lực đối với trẻ em, trách nhiệm của người đứng đầu hầu như không có. Nội dung này đã được quy định rõ trong Luật. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần chú trọng nội dung này; tăng cường thanh, kiểm tra khi có vi phạm xảy ra.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, trong số xâm hại, bạo hành trẻ em trong 5 tháng đầu năm 2018 thì xâm hại tình dục chiếm 84%. Xâm hại tình dục trẻ em diễn biến rất phức tạp, không chỉ trẻ em gái, trẻ em trai cũng bị xâm hại. Có cả những đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội...

Nguyên nhân của tình hình trên là do: Việc tố cáo trình báo tội phạm xâm hại trẻ em thường chậm, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý tội phạm; vụ việc có tính nhạy cảm nên người thân thường giấu kín, lo ngại nạn nhân bị ảnh hưởng tâm lý nên không hợp tác với cơ quan điều tra; hầu hết các vụ không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân còn nhỏ tuổi, hoảng loạn tâm lý nên khai báo không chính xác, hoặc khai báo không thống nhất,...

Về giải pháp, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân về phòng chống xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thực hiện các hiệu quả giải pháp tuyên truyền, giáo dục; đổi mới việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xét xử tội phạm; cần có quy trình điều tra, xét xử đặc biệt đối với loại tội phạm xâm hại trẻ em, theo đó Ủy ban Tư pháp sẽ đứng ra làm trọng tài, tạo điều kiện cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực này theo quy trình đặc biệt chứ không thể theo trình tự thông thường; bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung hướng dẫn, đào tạo đội ngũ điều tra viên; tăng cường hợp tác quốc tế ngăn chặn đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam phạm tội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thời gian tới cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, tích cực truyền thông, đề cao trách nhiệm giáo dục của gia đình, của nhà trường, của cộng đồng đối với trẻ em về các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, xây dựng đề án huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Thực hiện tốt phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia quyền trẻ em.

T.T