Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Kết hợp nhuần nhuyễn kinh tế với quốc phòng

Thứ bảy, 09/06/2018 09:15

Chiều 8-6, với đa số đại biểu tán thành, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi)

Luật Quốc phòng (sửa đổi) có 7 chương và 40 điều, quy định về nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng; kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng.

Luật Quốc phòng (sửa đổi) quy định kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước có kế hoạch, chương trình kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, vùng, địa phương, các dự án quan trọng quốc gia, khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược phải kết hợp với quốc phòng, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Đưa 3 dự án Luật ra khỏi Chương trình năm 2018

Quốc hội quyết nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, bổ sung vào Chương trình các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Trẻ em, Luật Công chứng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, điều chỉnh thời gian trình các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8).

Ngoài ra, các dự án Luật đưa ra khỏi Chương trình năm 2018 là: Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Công an xã.

Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tại kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua: Luật Hành chính công; Luật Kiến trúc; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến gồm: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Tại kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Thư viện; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi).

Quy định rõ trách nhiệm dự báo thị trường

Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trồng trọt. Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành dự án Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển trồng trọt, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nhận định, dự thảo Luật chưa có quy định về chính sách của Nhà nước để cân đối cung – cầu, đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng nông dân bị thua lỗ, ép giá và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp trong thời gian qua. “Những quy định về chính sách quản lý Nhà nước về trồng trọt chưa đạt được mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật là “nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trồng trọt, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế” như Tờ trình của Chính phủ”, đại biểu chỉ rõ.

Đại biểu Mai Sỹ Diến kiến nghị, dự án Luật Trồng trọt phải bổ sung rõ hơn vào Điều 6 về “Chính sách phát triển thị trường” và thiết kế 1 điều trong chương VI (về quản lý Nhà nước về trồng trọt) quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của UBND cấp tỉnh trong việc dự báo, thông tin, cảnh báo, định hướng về thị trường sản phẩm trồng trọt nhằm bảo đảm cân đối cung – cầu sản phẩm, khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá, thua lỗ, để đừng có một bài ca mà nông dân nhắc đến nhưng không vui là “được mùa thì thường xuyên mất giá, thỉnh thoảng được giá thì lại mất mùa”.

THU THỦY - TTXVN

CƠ BẢN TÁN THÀNH XÁC ĐỊNH CẢNH SÁT BIỂN LÀ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 phối hợp UBND H. Lý Sơn, Quảng Ngãi tổ chức chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" năm 2018.

Cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật để thực hiện Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc, chặt chẽ, đầy đủ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát biển, đây là nội dung quan trọng của dự thảo luật chi phối toàn bộ nội dung dự án luật. Cơ bản các ý kiến tán thành xác định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang. Việc thực thi pháp luật trên biển hiện nay không chỉ có lực lượng cảnh sát biển, mà còn nhiều lực lượng khác tham gia như hải quân, kiểm ngư, biên phòng...

Một số đại biểu đề nghị phân tích, nghiên cứu kỹ, đảm bảo phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì, nhiệm vụ nào là phối hợp để bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo theo đúng nguyên tắc một cơ quan tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

P.V