Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Nâng cao chất lượng tăng trưởng

Thứ bảy, 26/05/2018 10:40

Chất lượng và tính bền vững trong tăng trưởng, đổi mới mô hình tăng trưởng... là những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại phiên làm việc chiều 25-5.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên thảo luận.

Chuyển hướng thu hút FDI

Về vấn đề đầu tư có yếu tố nước ngoài, một số ý kiến cho rằng tăng trưởng hiện nay đang dựa nhiều vào yếu tố nước ngoài, như vậy là thiếu bền vững.Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, kể từ khi có đầu tư nước ngoài (FDI) vào năm 1987, đến nay đã 30 năm, nước ta đã thu hút được trên 370 tỷ USD và giải ngân 172 tỷ USD. Hiện còn khoảng 24.800 dự án đang tiếp tục có hiệu lực. Theo nhìn nhận của đại biểu, đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp nhất định đến nền kinh tế nước ta, đóng góp 20% GDP, 24% tổng vốn đầu tư xã hội và 72% kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra còn giải quyết công ăn việc làm, thu ngân sách. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư nước ngoài còn rất nhiều tồn tại cần phải khắc phục như: vấn đề về môi trường, chuyển giá, gian lận thương mại, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ... Do đó, trong thời gian tới, cần phải có một chiến lược định hướng thu hút FDI.

Trả lời vấn đề các đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả phát triển của nền kinh tế nước ta hiện nay có sự đóng góp rất lớn của khu vực đầu tư nước ngoài, đã giúp làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế Việt Nam trên cả ba phương diện. Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong sản xuất công nghiệp và chiếm trên 70% tổng giá trị hàng xuất khẩu; tạo ra sự dịch chuyển ngành nghề trong xã hội và tạo việc làm cho 4,2 triệu lao động...

"Chúng ta cần có một cái nhìn tích cực và khách quan đối với khu vực đầu tư nước ngoài, bởi lẽ khu vực kinh tế FDI đã trở thành một thành phần không thể thiếu đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng. Mặt khác, cần phải đặt vấn đề là làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, bắt kịp tốc độ phát triển của khu vực kinh tế FDI, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo lập được sự liên kết chặt chẽ giữa hai khu vực để hỗ trợ, bổ trợ cho nhau cùng nhau phát triển", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho rằng, giải pháp trọng tâm là phải tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sắp tới Chính phủ sẽ có những định hướng mới đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, sẽ chuyển hướng tập trung và lựa chọn những dự án và nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao, sử dụng ít đất đai, tài nguyên và có khả năng lan tỏa chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước.

Tốc độ tăng trưởng GDP sẽ không theo mô hình truyền thống

Liên quan đến những vấn đề đại biểu đặt ra về tốc độ tăng trưởng GDP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, diễn biến tăng trưởng kinh tế, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP theo quý của năm 2018 sẽ không duy trì được mô hình truyền thống là cứ quý sau cao hơn quý trước. Lý giải về việc tốc độ tăng trưởng quý I-2018 đạt cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích: tăng cao một phần là do được so sánh với mức thấp của quý I-2017. Trong khi các quý khác còn lại của năm 2018 lại chưa định hình được những yếu tố bứt phá rõ ràng như năm 2017 và lại phải so sánh với các mốc tính mức giá cao của các quý cuối năm 2017.

"Điều này dễ dẫn tới tâm lý sớm hài lòng thỏa mãn và làm mất đi động lực và niềm tin, thiếu kiên trì, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, hoặc là kỳ vọng quá cao về mức tăng trưởng cao của các quý cuối năm nếu theo mô hình truyền thống" - Bộ trưởng nhấn mạnh. Ông cho biết, để khắc phục điều này, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành kiên định thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ; đồng thời yêu cầu tăng cường các giải pháp bổ sung, đáp ứng diễn biến tình hình thực tế và chủ động xây dựng, quyết tâm thực hiện các mục tiêu kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 cả nước ở mức cao là 6,7%.

Báo cáo trước Quốc hội về chất lượng tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù còn ở mức thấp nhưng chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2017 có nhiều cải thiện và đang dần được nâng lên trên nhiều khía cạnh. Trong các nhân tố, năng suất lao động là một nhân tố cốt lõi quan trọng nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng và thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành triển khai xây dựng đề án các giải pháp thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh tác động và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó là nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đối với hình thức kinh tế chia sẻ trong các điều kiện cụ thể của nước ta; xây dựng đề án về chiến lược quốc gia với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. "Đây được coi là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thực hiện thành công các nhiệm vụ này sẽ là những nhân tố quyết định sự phát triển đột phá trong các ngành các lĩnh vực và của cả nền kinh tế", Bộ trưởng nhấn mạnh.

THU THỦY – TTXVN

---------------------------------------------------------

Quan điểm trái chiều về đấu giá biển số đẹp

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 25-5, đấu giá biển số đẹp là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập, tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) khẳng định, nếu sớm triển khai đấu giá biển số xe ô-tô, hằng năm ngân sách sẽ thu về được khoảng 5.000 tỷ đồng từ việc đấu giá hơn 12% số biển số đẹp được sắp xếp có quy cách, biển số được người dân ưa thích và hơn 60% biển số theo yêu cầu của người dân trong tổng kho số.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn đấu giá biển số xe với kho số đẹp được mở rộng hơn.

Cho rằng quy định hiện hành chỉ mới đấu giá được một tỷ lệ rất nhỏ biển số xe trong kho biển số hiện có, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đánh giá, đây là biểu hiện của sự lãng phí khi chính sách không phát huy hết được nguồn lực, thu triệt để cho ngân sách. “Khi xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số, có ý kiến đề xuất chỉ đấu giá các biển số có 5 chữ số giống nhau, có 4 chữ số giống nhau, có 3 chữ số giống nhau và số tiến cũng như những số người dân có nhu cầu khác 4 nhóm trên. Như vậy chiếm chưa đến 1% tổng kho số. Bên cạnh đó, còn có ý kiến không cho phép người có biển số thông qua đấu giá được tiếp tục sử dụng cho chiếc xe tiếp theo của mình. Với con số dẫn chứng hơn 12% biển số xe đẹp khi đề xuất ban hành Luật, đến dự thảo Nghị định thì đề xuất còn chưa tới 1% biển số xe đẹp, giảm hàng chục lần về số lượng”, ông Cảnh nêu ý kiến.

Đại biểu Cảnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn đấu giá biển số xe với kho số đẹp được mở rộng hơn. Người dân có biển số đẹp, biển số theo nhu cầu, phải trả tiền, được quyền sử dụng cho chiếc xe tiếp theo của mình.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) không tán thành việc đưa ra đấu giá biển số đẹp, biển số theo yêu cầu người dân. Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng dẫn chứng có nhiều nước trên thế giới làm việc này, nhưng cũng có nhiều nước không làm. Khẳng định quan điểm bản chất của biển số đẹp là để phục vụ quản lý nhà nước, đấu giá biển số đẹp sẽ phá vỡ hệ thống quản lý, đại biểu cho rằng: “Biển số đẹp khác hoàn toàn với số điện thoại, với số tài khoản ngân hàng, nó cũng tương tự như số căn cước công dân và các loại số quản lý nhà nước khác, sinh ra để làm nhiệm vụ quản lý chứ không phải sinh ra là một tài sản theo nghĩa là để đấu giá, hay để bán”.

Ngoài ra, đại biểu đặt vấn đề việc đấu giá biển số đẹp thì công dân có quyền lựa chọn, từ chối các số "xấu" hay không? Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, qua thực tế đấu giá số điện thoại đẹp, việc đấu giá và nguồn thu cũng thay đổi theo từng thời kỳ và tâm lý của người sử dụng. Con số hàng ngàn tỷ đồng nguồn thu theo tính toán cũng không thể thu ngay vào ngân sách. Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đề nghị cần “hết sức cân nhắc” vấn đề này.

T.THỦY

---------------------------------------------------------

CÔNG CUỘC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, các đại biểu khá quan tâm đến công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí đang được đẩy mạnh. Theo đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), công cuộc phòng chống tham nhũng trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin cho người dân, đảm bảo chấp hành quy định của pháp luật đồng bộ giữa các cấp và các ngành từ Trung ương đến địa phương. Việc đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng đã gạt bỏ những lực cản của sự phát triển. Thông qua sự phát triển vững mạnh của đất nước đã minh chứng đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng góp phần tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong nội bộ, tạo thêm sức mạnh cho sự phát triển.

---------------------------------------------------------

GIẢI NGÂN CHẬM DO TẾT, LÀ KHÔNG THUYẾT PHỤC

Trao đổi về vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư cơ bản của năm 2017 và các tháng đầu năm 2018, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho biết, năm 2017, vốn từ ngân sách nhà nước chỉ giải ngân được 86,8% và vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 45%... Đặc biệt trong quý I-2018 mới đạt 16,3%. Tình hình giải ngân này chắc chắn sẽ tác động đến các dự án, công trình trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, đường cao tốc phía Đông, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ... Không hoàn thành đúng kế hoạch, hậu quả có thể là tăng chi phí đầu tư, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

"Lý giải của Chính phủ về chậm giải ngân đầu năm 2018 là do các bộ, ngành tập trung giải ngân vốn 2017 và ảnh hưởng của Tết Nguyên đán xem ra không thuyết phục" - đại biểu Xuân đặt vấn đề và đề nghị Chính phủ có phân tích căn cơ nguyên nhân và giải pháp hợp lý để đẩy mạnh tốc độ giải ngân và tránh lặp lại trong những năm tiếp theo, hoàn thành các công trình dự án đầu tư đúng kế hoạch.

---------------------------------------------------------

LÃNG PHÍ NGUỒN LỰC NHÀ NƯỚC TRONG QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI, XÂY DỰNG CƠ BẢN

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết, cử tri trăn trở trước sự lãng phí nguồn lực nhà nước trong quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, các chủ đầu tư thực hiện các dự án lớn nhưng chậm đóng thuế cho nhà nước, gây thất thoát cho ngân sách. Trong khi đó, nhiều người dân không có đất sản xuất, tình trạng dự án treo còn xảy ra nhiều, xuất hiện tình trạng đầu cơ "đất vàng" để trục lợi...

"Trong xây dựng cơ bản, cử tri so sánh rằng, khi xây một ngôi nhà có cùng thiết kế thì người dân chỉ xây hết 650 triệu đồng, còn nhà nước phải xây hết 1 tỷ đồng mà chất lượng, thẩm mỹ không bằng một nửa nhà dân" - đại biểu Cầu nêu ý kiến và cho biết cử tri kiến nghị nhà nước nên tính toán lại vấn đề bù giá, trượt giá, đội giá nếu không sẽ còn thất thoát hơn. Thực tiễn 12 đại dự án thua lỗ và Chính phủ phải xử lý rốt ráo hiện nay là một ví dụ nhãn tiền. Gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm tại các dự án BT, BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp..., cá biệt là dự án nạo vét kè sông Sào Khê ở Ninh Bình điều chỉnh tăng đến 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng, đã chứng minh tâm tư của cử tri là có cơ sở, Chính phủ cần xử lý rốt ráo những vấn đề này.

---------------------------------------------------------