Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Đề xuất điều chỉnh chính sách nhà ở xã hội theo hướng tăng nhà cho thuê

Thứ ba, 20/06/2023 06:40
Sáng 19-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội và hỗ trợ bồi thường tái định cư. Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường đề nghị ban soạn thảo cần quy định theo hướng giao HĐND hoặc UBND cấp tỉnh quy định đối tượng, điều kiện được thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn nhằm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu thảo luận.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu thảo luận.

Theo đại biểu Trần Chí Cường, dự thảo Luật cơ bản đã khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực nhà ở. Tuy nhiên, để làm rõ và hoàn thiện hơn, đại biểu góp ý nhiều nội dung quan trọng.

Thứ nhất là vấn đề tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Điều 19, Điều 20 và Điều 22 của dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả nhà ở riêng lẻ, kèm theo một số quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, thời hạn sở hữu và quyền sở hữu.

Dự thảo Luật không quy định rõ việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất hay không và chưa phù hợp với Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về người sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân người nước ngoài và quy định tại khoản 1 Điều 14 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) “trường hợp cá nhân người nước ngoài mua nhà ở của chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định của Luật Nhà ở, tổ chức, cá nhân nước ngoài mua công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thì các nội dung liên quan về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở, công trình xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở.”

Bên cạnh đó, tại điểm c khoản 1 Điều 19 quy định “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam” là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và khoản 3, Điều 21 quy định về điều kiện được sở hữu nhà ở đối với cá nhân người nước ngoài. Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định như vậy là quá rộng và cần phải được nghiên cứu, cân nhắc; đặc biệt, lưu ý việc người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng với mục đích đi du lịch thì có được quyền sở hữu nhà ở hay không.

Ngoài ra, cần xem xét quy định này có xung đột với quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam hay không. Bởi lẽ, theo quy định hiện nay và dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và lưu trú của người nước ngoài đang trình Quốc hội, thời gian thị thực được cấp cho khách nước ngoài vào Việt Nam tối đa là 90 ngày, trừ một số trường hợp khác nhưng thời gian nhiều nhất là 5 năm đối với nhà đầu tư.

Nếu được sở hữu nhà ở thì những người được cấp thị thực có thời gian ngắn dưới một năm có quyền tiếp tục ở tại Việt Nam sau khi hết thời hạn thị thực hay không, vấn đề này cần phải được xem xét, nghiên cứu quy định kỹ lưỡng, tránh việc có thể dẫn đến khiếu kiện và tranh chấp pháp lý.

Theo đại biểu Trần Chí Cường, vấn đề tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một vấn đề lớn, hệ trọng và nhạy cảm, vừa liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là an ninh, quốc phòng của quốc gia, vừa cân nhắc để bảo đảm phù hợp với xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Do đó, cần giải trình cụ thể, đánh giá tác động rõ ràng hơn, đặc biệt từ góc độ an ninh, quốc phòng, trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương “về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” và thống nhất, tiếp cận đồng bộ với các quy định về chính sách đất đai, bất động sản, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ hai là, về vấn đề cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo đại biểu Trần Chí Cường, trong thực tiễn thời gian qua, việc xử lý đối với những nhà chung cư, nhà ở tập thể do Nhà nước đầu tư và quản lý đã xuống cấp, hư hỏng nặng, gây nguy hiểm và rủi ro lớn đến tính mạng và tài sản của người đang cư trú gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn, từ công tác quản lý đến việc giải quyết chế độ cho các hộ gia đình đang sinh sống trong các khu nhà.

Hiện nay, số lượng nhà ở tập thể của Nhà nước ở nhiều địa phương rất lớn; nhiều nhà đã xuống cấp trầm trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng của người dân, nhất là vào mùa mưa bão nhưng chưa có quy định cụ thể giải quyết đối với các trường hợp nhà chung cư, nhà ở xã hội xuống cấp này.

Do đó, tại Điều 64 của dự thảo Luật, đối với trường hợp chung cư, nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước thuộc diện phải phá dỡ, xây dựng lại, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung thêm hình thức Nhà nước đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các hộ đang thuê.

Về đối tượng, điều kiện thuê, thuê mua, mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, đại biểu cho rằng việc quy định như Điều 124 của dự thảo Luật là quá chi tiết; cần quy định theo hướng giao HĐND hoặc UBND cấp tỉnh quy định đối tượng, điều kiện để được thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn nhằm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Theo đó, địa phương có thể xem xét, bổ sung thêm các đối tượng được miễn, giảm tiền cho thuê, tiền bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và xem xét giao địa phương quy định thêm một số đối tượng được miễn, giảm tiền cho thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước để phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa phương.

T.T