Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được đảm bảo khi tham gia CPTPP

Thứ ba, 06/11/2018 08:05

Ngày 5-11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. “Các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được đảm bảo khi tham gia CPTPP” là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khi báo cáo giải trình trước Quốc hội về vấn đề trên.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại Hội trường.

Tiềm năng & thách thức

Thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Theo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Về mặt kinh tế, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng  tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Về mặt thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế. Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân (thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, tham gia CPTPP, Việt Nam có nhiều cơ hội bởi đây là thị trường rất lớn với 11 quốc gia có tổng GDP 11 ngàn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu là 10 ngàn tỷ USD, chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu; dân số thị trường là 500 triệu dân. Do đó, xuất khẩu của Việt Nam như đánh giá của Chính phủ chắc chắn sẽ tăng. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu một số lưu ý: “Đây là thị trường rất khó tính, bởi vì thu nhập bình quân đầu người là trên 300 nghìn USD/người. Như vậy, khi chúng ta đã quen với các sản phẩm giá rẻ thì sẽ khó đi vào khu vực này. Bởi khu vực này yêu cầu chất lượng cao, an toàn thực phẩm, giá cả cạnh tranh và yêu cầu áp dụng khoa học công nghệ...”.

Với nhiều thách thức cũng như cơ hội khi Việt Nam tham gia CPTPP, đại biểu Trần Hoàng Ngân đưa ra một số câu hỏi tới Quốc hội, Chính phủ. “Bên cạnh đó, chúng tôi muốn đặt câu hỏi: Tại sao các nước mời Việt Nam tham gia vào Hiệp định này. Hiệp định này có được từ 4 quốc gia năm 2002 là Singapore, Brunei, New Zealand và Chile; sau đó các quốc gia khác tham gia đàm phán. Đến năm 2010, họ mời Việt Nam đàm phán và tham gia. Thế thì tại sao họ lại thích mời Việt Nam như vậy, mặc dù thu nhập bình quân đầu người của chúng ta thấp (chỉ khoảng 2,8 ngàn USD), mà bình quân của họ là 30 ngàn USD. Và tôi nghĩ Chính phủ sẽ có câu trả lời” - đại biểu Ngân nói.

Đồng thời, đại biểu cho rằng, các nước trong CPTPP đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam, một đất nước đã thành công trong 30 năm đổi mới, đang đẩy nhanh thực hiện 3 đột phá chiến lược, đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Việt Nam cũng tiến hành tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt đã nâng cao cách thức, năng lực quản trị, quản lý doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế... “Nhưng tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất mà họ nhìn thấy đó là thị trường 95 triệu dân của Việt Nam... Họ nhìn thấy cơ hội rằng, Việt Nam vào CPTPP rồi mình sẽ đầu tư vào Việt Nam, mình sẽ xuất khẩu hàng sang Việt Nam vì đây là thị trường lớn. Chính vì thế, thách thức đối với lần này là không nhỏ” - đại biểu Ngân khuyến nghị.

Lợi ích cốt lõi

Nhiều đại biểu đưa ra khuyến nghị về những thách thức, khó khăn khi Việt Nam tham gia CPTPP. Đó là, thực tiễn thương mại song phương, đa phương có thể gặp một số khó khăn. Một số ngành như dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics... có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội trong việc giảm thiểu chi phí kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp trong nước nói chung. Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động...

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn, điều đó có nghĩa nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Nếu muốn ổn định, đương nhiên chúng ta phải giữ được cam kết quốc tế, thị trường bên ngoài. Nên tham gia CPTPP là cơ hội rất lớn, nhưng cũng nhiều thách thức, khó khăn.

“Thời điểm này, chúng ta không cần dành nhiều thời gian cho việc thảo luận có nên hay không nên tham gia CPTPP. Mà quan trọng nhất là bây giờ cần làm rõ xem, chúng ta sẽ hành động như nào để tập trung được những lợi thế, những cơ hội có thể có được khi tham gia CPTPP và hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước” - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã giải trình thêm trước Quốc hội một số vấn đề liên quan về đánh giá tác động, lao động và sửa đổi một số luật khi Việt Nam tham gia CPTPP. Theo Phó Thủ tướng, trong qua trình đàm phán, bằng nhiều hình thức, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhiều ngành hàng, doanh nghiệp chịu tác động chính của CPTPP. Ngoài ra, các chuyên gia độc lập quốc tế cũng có những nghiên cứu rất sâu về CPTPP, trong đó có kinh tế Việt Nam. Đây là nguồn tham khảo quan trọng để chúng ta đánh giá tác động.

“Các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được đảm bảo, và chúng ta cũng đã giành được các bảo lưu và linh hoạt cụ thể để tham gia CPTPP hiệu quả và có lợi cho đất nước. Trong quá trình thực thi Hiệp định, Chính phủ sẽ thường xuyên cập nhật đánh giá tác động đến tổng thể nền kinh tế, cũng như từng ngành cụ thể; đồng thời xây dựng các giải pháp điều hành một cách phù hợp” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết.

THU THỦY – TTXVN

 --------------------------------------

Đề nghị kéo dài thí điểm cấp thị thực điện tử

Ngày 5-11, Quốc hội thảo luận việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề nghị, không ra Nghị quyết riêng, mà chỉ cho kéo dài thời gian thí điểm thực hiện Nghị quyết; thời gian kéo dài là 2 năm kể từ ngày 1-2-2019; nội dung thực hiện thí điểm vẫn theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội. Đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương chuẩn bị Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để có thể báo cáo Quốc hội xem xét. Trình bày báo cáo của Chính phủ, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đến nay, Chính phủ quyết định thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân của 46 nước. Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử có thể nhập cảnh Việt Nam tại 28 cửa khẩu quốc tế gồm 8 cửa khẩu đường không, 13 cửa khẩu đường bộ, 7 cửa khẩu đường biển.

VŨ HƯNG

 --------------------------------------

Còn nhiều ý kiến khác nhau về vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam

Chiều 5-11, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam; thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Dự thảo Luật Cảnh sát biển trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 8 chương, 48 điều. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25, một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật gồm: về vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 3); về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (Điều 14); về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển Việt Nam (Điều 11); về phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam (Chương IV). Quy định vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam hiện còn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định trong dự thảo Luật là lực lượng vũ trang nhân dân vì đây là nội dung được kế thừa từ Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; quá trình thực hiện không có vướng mắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình hiện nay. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân vì không thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng.

Q.H

 --------------------------------------

Doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn

Bên lề kỳ họp, phân tích những lợi ích mà CPTPP đem lại, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết: Theo quy định của CPTPP, mức thuế suất xuất nhập khẩu bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi về tài chính, trình độ quản trị, chuỗi phân phối toàn cầu thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ “nhanh chân” hơn doanh nghiệp Việt Nam trong việc hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan từ CPTPP. Hơn nữa, tiềm lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, sự liên kết với nhau kém thì sức ép cạnh tranh trên thị trường nước ngoài cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp này.

Theo đại biểu, tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”. Điều này sẽ gây nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam trong việc cạnh tranh với các quốc gia khác ngay tại thị trường trong nước. Hơn nữa, khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế gia tăng.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), để nắm bắt nhiều cơ hội hơn, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến nhu cầu thị trường các nước để thiết kế lại hệ thống sản xuất các mặt hàng. Trong đó, cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Theo đại biểu tỉnh Bến Tre, Việt Nam phải chú trọng xây dựng đạo đức kinh doanh, tạo thương hiệu, vì nếu không có thương hiệu, mặt hàng của Việt Nam sẽ khó được chấp nhận. Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ công dân của Nhà nước phải chặt chẽ, kể cả cá nhân và doanh nghiệp.

“Khi có tất cả các vấn đề tranh chấp xảy ra, Nhà nước phải có sự hỗ trợ về tư pháp. Chúng ta cần áp dụng các quy tắc quan hệ quốc tế để bảo hộ cho công dân của chúng ta thì mới tham gia được các thị trường này”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

 --------------------------------------