Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội sẽ quyết định nhiều nội dung quan trọng

Thứ ba, 23/10/2018 09:13

Ngày 22-10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Trước phiên khai mạc, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện các Ðoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Quốc hội đã họp phiên trù bị, thảo luận, thông qua Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6. Tại phiên họp trù bị, các vị ĐBQH đã dành một phút mặc niệm nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, ĐBQH khóa II, IV, V, VI, VII, VIII và IX; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh; đại biểu Lê Minh Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Xem xét, thông qua 9 dự án luật và 1 Nghị quyết

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị ĐBQH, các vị khách quý, đại diện Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự Phiên khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến thời điểm hiện nay, đất nước đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2020. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, KT-XH phát triển khá toàn diện, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao. Việc cơ cấu lại nền kinh tế cũng đã đạt được những kết quả khả quan.

Tiếp nối đà phát triển, tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu... tăng khá cao. Đời sống xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí tiếp tục được quan tâm tích cực...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng những thành tựu đạt được trong thời gian qua đã tạo đà tăng trưởng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Thông báo nội dung Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều  nội dung quan trọng.

“Bên cạnh việc xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách Nhà nước năm 2018, quyết định kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2019, Quốc hội sẽ xem xét đánh giá toàn diện việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016-2020 trong nửa nhiệm kỳ, đánh giá 3 năm việc thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, để từ đó đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa nguồn lực, cơ hội phát triển nhằm thực hiện thắng lợi, bền vững các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 1 Nghị quyết, đồng thời cho ý kiến 6 dự án luật khác nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách tư pháp, củng cố quốc phòng an ninh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những dự án luật quan trọng, được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm, được chuẩn bị chu đáo, trong đó dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần thứ hai để xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan để tạo cơ sở quan trọng cho Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự phiên khai mạc Kỳ họp.

Sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước

Trong kỳ họp này, trên cơ sở Quốc hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

“Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi ĐBQH sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan và công tâm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Nhấn mạnh Kỳ họp thứ 6 có nhiều nội dung quan trọng, thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng đề nghị các vị ĐBQH căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước, của địa phương nơi mình đại diện; nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, tập trung nghiên cứu, tích cực thảo luận, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình KT-XH năm 2018 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 (trong đó bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020). Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019.

THU THỦY – TTXVN

-------------------------------------------------

Giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước

Chiều 22-10, thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Theo đó, UBTVQH giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội khóa XIV, để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành quy trình, thủ tục, lựa chọn, giới thiệu nhân sự để trình Quốc hội xem xét, bầu, phê chuẩn theo đúng quy định về công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước.

Với yêu cầu đặt ra là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy trách nhiệm, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH nghiên cứu kỹ Tờ trình và các tài liệu kèm theo về nhân sự để Quốc hội tiến hành thảo luận, quyết định bầu, phê chuẩn nhân sự đạt kết quả tốt.

Trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Căn cứ Điều 74 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13; Điều 31 Nội quy kỳ họp Quốc hội; Điểm 4 Nghị quyết số 34 ngày 6-10-2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, UBTVQH trân trọng giới thiệu Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội khóa XIV đã được Ban Chấp hành T.Ư Đảng thống nhất rất cao, giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo chương trình, hôm nay, 23-10, các ĐBQH thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Nội dung thảo luận phải được lập biên bản và gửi đến Ban Công tác đại biểu ngay sau khi kết thúc thảo luận.         

TTXVN

-------------------------------------------------

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được dư luận, cử tri cả nước dành sự quan tâm đặc biệt. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH, Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho biết: Theo quy định tại điều 18 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Theo đó, các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là 50 người.

Tuy nhiên, theo quy định thì sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với người có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng. Hiện nay, có 2 chức danh là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong Kỳ họp thứ 6, chưa đủ 9 tháng nên Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ 2 chức danh này. Như vậy, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.  

l Theo Thông cáo báo chí số 1 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, tại phiên trù bị, Quốc hội đã nghe ông Trần Văn Túy trình bày Báo cáo và Nghị quyết của UBTVQH số 589/NQ-UBTVQH14 ngày 20-10-2018 về việc xử lý kỷ luật với ông Nguyễn Bắc Son - nguyên Bộ trưởng Bộ TT và TT nhiệm kỳ 2011-2016 bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ TT và TT nhiệm kỳ 2011-2016, đồng thời giao Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Bắc Son.

T.PHƯƠNG

-------------------------------------------------