Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Thể hiện rõ nét hình ảnh của một Quốc hội đổi mới

Thứ hai, 22/10/2018 08:01

Hôm nay, 22-10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Diễn ra vào cuối năm, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội có nhiệm vụ quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước trong năm tới, là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra. Chương trình nghị sự của kỳ họp lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, xây dựng đất nước ta ngày càng đổi mới, phát triển nhanh, vững mạnh về mọi mặt: Kinh tế, chính trị, xã hội.

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Thông cáo Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Thứ hai, ngày 22-10, Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6 tại thủ đô Hà Nội.

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, tổ chức tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội.

Từ 7 giờ 15, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 8 giờ, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua Chương trình Kỳ họp. Đúng 9 giờ, Quốc hội họp phiên khai mạc.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.

TTXVN

Theo thông lệ, tại kỳ họp cuối năm, bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội thường tập trung xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, từ đó xem xét, tìm ra vướng mắc, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2016-2020. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, "nội dung này là cần thiết trong điều kiện cuộc chiến thương mại đang diễn ra phức tạp, khó lường và chúng ta phải có đối sách phù hợp”.

Kỳ họp thứ 6 có sứ mệnh đặc biệt bởi Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay những ngày đầu diễn ra kỳ họp. Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Quốc hội cũng xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Một nội dung quan trọng khác được dư luận quan tâm theo dõi, đó là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp này được thực hiện theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28-11-2014. Hoạt động này cũng sẽ được tiến hành ngay những ngày đầu Quốc hội họp, trước khi diễn ra các phiên chất vấn.

Sẽ là Kỳ họp đi vào lịch sử, khi tại Kỳ họp này Quốc hội tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao của đất nước.

Công tác lập pháp luôn là một nội dung quan trọng của mỗi Kỳ họp. Trong 24 ngày làm việc, tại Kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 9,5 ngày để thảo luận, xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Nhiều dự án luật quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch, hay Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)... đã được chỉnh lý nhiều lần trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đại biểu Quốc hội, sẽ tiếp tục được trình ra để Quốc hội xem xét, quyết định. Đây đều là những dự án luật quan trọng, tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội luôn được dư luận xã hội quan tâm theo dõi. Việc chất vấn thực hiện theo phương thức hỏi nhanh – đáp gọn tại Kỳ họp trước tiếp tục được phát huy tại Kỳ họp này. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 sẽ không thảo luận về nội dung báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... mà dành trọn vẹn 3 ngày cho các đại biểu chất vấn những vấn đề Chính phủ đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ tới nay, phân tích rõ nguyên nhân những mặt chưa làm được và đề ra giải pháp khắc phục.

Nối tiếp những đổi mới được đánh giá cao tại các kỳ họp trước, Kỳ họp thứ 6 dự kiến sẽ có 15 phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 31,25% thời lượng của kỳ họp). Ngoài những nội dung được phát thanh, truyền hình trực tiếp theo quy định của Nội quy kỳ họp, dự kiến các phiên thảo luận ở hội trường về vấn đề: kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Chương trình nghị sự với rất nhiều nội dung đặc biệt quan trọng được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 chắc chắn sẽ có những tác động sâu sắc, nhiều mặt tới đời sống của nhân dân. Các nội dung kỳ họp trong nhiều ngày qua đã được các cơ quan chức năng nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng trên nền tảng những đổi mới đáng ghi nhận trong phương thức hoạt động của Quốc hội, thể hiện rõ nét hình ảnh của một Quốc hội thực sự đổi mới, hành động vì lợi ích của nhân dân.

T.THỦY - Q.HOA

Sẽ thí điểm tập sự nữ thứ trưởng dưới 40 tuổi

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ  đã xây dựng Đề án thí điểm thực hiện chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo quản lý, trong đó bổ sung quy trình, thủ tục bổ nhiệm người tập sự; làm rõ về việc đưa ra khỏi quy hoạch đối với người không đạt yêu cầu tập sự, không hoàn thành chế độ tập sự; bổ sung làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch - tập sự - thí điểm thi tuyển chọn lãnh đạo để có sự gắn kết giữa các Đề án, bảo đảm sự thống nhất liên thông. Bộ Nội vụ đã tiếp thu, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị về Đề án này.

Đối tượng thực hiện thí điểm tập sự lãnh đạo, quản lý được thực hiện với các chức danh quản lý, lãnh đạo cấp phó: Thứ trưởng và tương đương; phó tổng cục trưởng; phó cục trưởng; phó vụ trưởng và tương đương; phó giám đốc sở và tương đương. Tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện tập sự bao gồm nam dưới 45 và nữ dưới 40 tuổi; thuộc diện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có 3 năm liên tiếp tính đến thời điểm xem xét thực hiện tập sự lãnh đạo quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; đơn vị có nhu cầu bổ sung chức danh lãnh đạo, quản lý; được người đứng đầu đề nghị, cấp ủy thống nhất thông qua.

* Tỉnh Đắc Lắc đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chấn chỉnh ngay việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hàng loạt công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý cấp phòng chuyên môn còn thiếu điều kiện về lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ và quản lý nhà nước. Theo UBND tỉnh Đắc Lắc, qua thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ đã phát hiện 366 công chức, viên chức bổ nhiệm, bổ nhiệm lại giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng còn thiếu các điều kiện; trong đó có 95 công chức, viên chức chưa qua bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chưa bảo đảm về trình độ lý luận chính trị (trung cấp trở lên) và 271 cán bộ quản lý giáo dục (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học trực thuộc) chưa qua bồi dưỡng quản lý giáo dục, chưa có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học... Các công chức, viên chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý cấp phòng còn thiếu các điều kiện tập trung chủ yếu ở các huyện: Ea Kar, Krông Bông, Cư Mgar, Ea Súp và TP Buôn Ma Thuột.

TTXVN - QUANG HUY