Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV: Tiếp tục hoàn thiện quy định quản lý không gian mạng

Thứ năm, 01/11/2018 07:56

* Chất vấn về kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến quản lý đất đai tại Đà Nẵng.

Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với mạng xã hội; việc xử lý thông tin độc, bẩn trên môi trường mạng; giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử... là những vấn đề được đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn các trưởng ngành, thành viên Chính phủ tại phiên họp ngày 31-10.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

KHÔNG THỂ BỎ TRẬN ĐỊA KHÔNG GIAN MẠNG

Đề cập đến vấn đề quản lý nhà nước trên môi trường mạng, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chất vấn tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay, các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, tin độc, tin bẩn, hình ảnh phản cảm, lợi dụng mạng để đánh bạc nghìn tỉ, rửa tiền, lừa đảo qua mạng... đang diễn ra ngày càng phức tạp, gây hậu quả lớn về kinh tế - xã hội, đạo đức, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Dù Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xử lý giải quyết nhưng đây vẫn là vấn đề nóng, gây bất an cho gia đình, xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp đột phá khắc phục tình trạng này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mới được Quốc hội phê chuẩn nên vấn đề này do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không gian mạng cơ bản giống như cuộc sống thật. "Cuộc sống thật có gian lận, lừa đảo thì trên mạng có lừa đảo; cuộc sống thật có đánh bạc thì trên đó có đánh bạc; cuộc sống thật có tống tiền thì trên đó có tống tiền... Vì thế, chúng ta phải hoàn thiện các quy định của pháp luật; tất cả các quy định pháp luật về quản lý xã hội đều phải lưu ý đến các hình thái phát sinh trên không gian mạng và ngược lại", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại phiên chất vấn chiều nay (31-10), Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng lâu nay một số cá nhân trên mạng xã hội cho mình cái quyền thích nói gì thì nói, xúc phạm ai thì xúc phạm. Ví dụ sau lấy phiếu tín nhiệm, có nhiều phát ngôn xúc phạm đến các Bộ trưởng. “Tôi xin hỏi Chính phủ, Bộ Công an có cần xử lý và xử lý được tình trạng này không?” – ông Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi.

Lần đầu tiên trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, câu chuyện thông tin sai trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu, kể cả nước lớn như Mỹ hay nhỏ như Tio Leste cũng bị và “càng ngày càng nặng hơn”. Bộ trưởng này cho rằng, chúng ta sống trên không gian mạng chục năm, chưa nhiều kinh nghiệm và sự phát triển còn tiếp tục. Trong khi đời sống thực có kinh nghiệm nhiều nghìn năm và có những kinh nghiệm thực trong đời sống có thể “mang sang không gian mạng”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trước tiên phải tường minh thế nào là thông tin sai thì phải sửa quy định pháp luật. Thứ hai là phải có công cụ giám sát, phân tích, đánh giá, tức phải dùng công nghệ.

Hiện trên không gian mạng thì bằng tiếng Việt có khoảng 100 triệu thông tin, con người không thể làm được mà phải dùng công nghệ. Do đó, Bộ bước đầu xây dựng trung tâm quốc gia giám sát an toàn thông tin quốc gia trên không gian mạng, có thể phân tích đánh giá số lượng thông tin trên.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh phải có công cụ “quét rác”. Đây cũng là câu chuyện vừa pháp luật vừa công nghệ. Thứ nhất là chỉ ra đầu mối và Chính phủ sẽ quyết định điều này. Thứ hai công cụ “dọn dẹp” là công nghệ có thể làm được.

“Cái khó của ta là mạng xã hội xuyên biên giới, họ cung cấp ở nước ngoài vào Việt Nam. Ta cần mạnh tay hơn yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ tuân thủ luật pháp Việt Nam” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và cho biết có thể học kinh nghiệm quốc tế như EU và một số nước ASEAN đã làm, cương quyết thượng tôn pháp luật. Cùng với đó là có chế tài xử lý người đưa thông tin sai.

“Mạng xã hội không phải ảo nữa mà thật rồi, không thể bỏ trận địa này” – Bộ trưởng Bộ TT-TT khẳng định.

Một vấn đề khác mà vị đại biểu này đặt ra là tình trạng sim rác, dù có giảm nhưng vẫn tồn tại. “Nay ta có một Bộ trưởng Bộ TT-TT xuất thân từ một nhà mạng. Vậy xin hỏi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là có chấm dứt được tình trạng sim rác không?”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, gốc của vấn đề nằm ở chỗ ta phải có cơ sở dữ liệu công dân chính xác, phải xác định mối quan hệ của người đăng ký gắn vào sim và chứng minh nhân dân.

Theo ông, nhiều nước cài vào chứng minh nhân dân thông tin ID duy nhất như ảnh, vân tay. Khi đăng ký chỉ cần cắm chứng minh nhân dân vào máy là các thông tin hiện lên để xác thực với cơ sở dữ liệu và chứng minh chủ sở hữu sim. Đây là giải pháp căn cơ nhất.

“Ta chưa làm căn cơ được thì dùng nhiều biện pháp thì tình hình cũng tốt lên, nhưng cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, không chỉ cho vấn đề “sim rác” mà cho cả Chính phủ điện tử” – tân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời trước Quốc hội.

XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nêu vấn đề thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc xây dựng Chính phủ điện tử, đặc biệt là đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 gắn với cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai số hóa và xây dựng các cơ sở dữ liệu số chuyên ngành cũng như các cơ sở dữ liệu dùng chung tiến độ còn khá chậm, chưa đồng bộ, mức độ chia sẻ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của Chính phủ điện tử. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của thực trạng trên và những giải pháp gì để giải quyết những tồn tại đó?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một xu hướng tất yếu của các quốc gia và nền kinh tế. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng như trong các dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, công tác này đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, ban hành được một số văn bản và các giải pháp để xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý doanh nghiệp, về bảo hiểm xã hội đồng thời cung cấp được một số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 như đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... Tuy nhiên, vấn đề này chưa đạt được như kỳ vọng. Hiện nay, rất cần hoàn thiện thể chế pháp lý, cần có quy định về kết nối và chia sẻ dữ liệu, quy định về bảo mật thông tin cá nhân, định danh cá nhân, lưu giữ hồ sơ điện tử... Bên cạnh đó, cần có cơ chế tài chính, đầu tư, nguồn lực cho những dự án đặc thù về công nghệ thông tin.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, vừa qua Thủ tướng đã có quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Thủ tướng cũng giao cho một số bộ, ngành liên quan chủ trì để xây dựng cơ sở pháp lý, xây dựng khung tổng thể kiến trúc về Chính phủ điện tử, đặc biệt vấn đề liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.

TỈ LỆ GIẢI QUYẾT ÁN HÀNH CHÍNH CÒN THẤP

Án hành chính tăng, tỷ lệ giải quyết thấp, sự vắng mặt của các cấp chính quyền khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính rất phổ biến... Đây là thông tin được Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc khởi kiện các quyết định hành chính, nhất là những vụ án hành chính liên quan đến đất đai.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, số lượng án hành chính tăng đều qua các năm, trung bình tăng 11% mỗi năm, chủ yếu liên quan đến đất đai và thường là những vụ kiện rất khó. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết các vụ án này rất thấp, chỉ đạt 39% trong khi Quốc hội yêu cầu là 60%. Tồn đọng của án hành chính rất nhiều, chủ yếu là tại các thành phố lớn, trung tâm công nghiệp và thời gian giải quyết kéo dài.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, bên cạnh hạn chế về phía tòa án thì sự vắng mặt của các cấp chính quyền khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính là rất phổ biến. Họ thường không có mặt nên phiên tòa phải hoãn. Nếu phải xử vắng mặt, bản án bất lợi cho chính quyền thì chính quyền lại kháng cáo, kháng nghị nên vụ án kéo dài.

Theo Chánh án, Quốc hội cần tổng kết Luật Hành chính và Luật Tố tụng Hành chính. "Thực tiễn cho thấy, nếu như tất cả các khâu, các cấp đã nỗ lực, mà tình hình không được cải thiện thì có điều gì đó không hợp lý trong quy định của luật. Nhiều địa phương phản ánh là Chủ tịch, nếu như tất cả các vụ án hành chính phải có mặt sẽ không có thời gian làm việc. Tôi đề nghị phải tổng kết lại, nếu như không hợp lý thì cũng cần phải xem xét", Chánh án nêu.

THU THỦY – TTXVN

CHẤT VẤN VỀ KẾT LUẬN CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI TẠI ĐÀ NẴNG

Tại phiên chất vấn ngày 31-10, đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) chất vấn đối với Thủ tướng và Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) liên quan đến việc thực hiện Kết luận số 2852 của TTCP về quản lý đất đai tại Đà Nẵng. ĐB Như Hoa đặt câu hỏi: “Theo KL số 2852, TTCP yêu cầu Đà Nẵng phải thực hiện 02 nội dung lớn: Thứ nhất, là thu hồi, sửa đổi thời hạn sử dụng đất trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) do Chính quyền Đà Nẵng đã cấp sai; Thứ hai, là thu hồi số tiền 5-10% chính quyền đã giảm khi cấp GCNQSDĐ trong một số các dự án liên quan đến đền bù, giải tỏa.

Để thực hiện Kết luận trên, Chính quyền Đà Nẵng đã dùng biện pháp hạn chế QSDĐ bằng cách tạm thời không cho giao dịch, chuyển nhượng, xây dựng trên đất. Điều này đã gây ra những ách tắc lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp; cũng như sự phản ứng quyết liệt trong các buổi tiếp xúc cử tri. Bởi lẽ, hầu hết những trường hợp này là những người đã nhận chuyển nhượng, họ không phải là những người đã từng được giảm 5-10% và đây đang là vấn đề rất nóng tại địa phương. Do vậy, tháng 6 năm 2018, Đoàn đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Vậy xin hỏi Thủ tướng và TTCP phương án xử lý vấn đề này như thế nào? Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp”.

Về nội dung chất vấn của đại biểu Hoa, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ trả lời, làm rõ vào phiên chất vấn chiều ngày 1-11-2018.

* Sáng ngày 30-10-2018, sau khi ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) thực hiện chất vấn, tranh luận liên quan đến việc 29 ý kiến, kiến nghị của cử tri Đà Nẵng chưa được trả lời, giải quyết và thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội. Ngay trong buổi chiều cùng ngày các Bộ: Y tế, KH&ĐT, Nội vụ, Ngoại giao và TTCP đã có văn bản trả lời, phúc đáp gửi cho Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng.

VŨ HƯNG

Sửa ngay những quy định phản cảm, gây bức xúc trong xã hội

Cuối phiên họp chiều 30-10, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nêu câu hỏi: Dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cho lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có quy định xử lý học sinh, sinh viên bán dâm. Dù là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục, nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng, nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay. “Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình về vấn đề này, vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi Bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay”, đại biểu chất vấn.

Ngày 31-10, trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, quy định trong các văn bản thông tư của ngành giáo dục rất nhiều. Bộ đang rà soát các văn bản, trong đó có thông tư ban hành trong nhiều năm gần đây.

Quy định bán dâm đối với học sinh, sinh viên được nêu trong nội quy từ năm 2007, đến đầu năm 2016 lại có thông tư. Như vậy, thực tế quy định này đã có. Khi rà soát, Bộ quy định tất cả những nội dung không phù hợp thì phải bỏ hoặc sửa, trong đó có nội dung này. Tuy nhiên, khi sửa thì ban soạn thảo, đặc biệt là những cá nhân trực tiếp làm công việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đã đưa lên website dẫn đến phản ứng của xã hội. "Khi có thông tin, tôi chỉ đạo xử lý ngay. Quan điểm của tôi với tư cách Bộ trưởng Giáo dục là nội dung này không cần đưa vào thông tư vì đây là phạm vi xã hội", Bộ trưởng cho hay.

Hoan nghênh Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu ý kiến dư luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị những quy định gây phản cảm, bức xúc  phải sửa ngay. “Một thông tư của Bộ lại đưa lấy ý kiến rộng rãi gây bức xúc trong học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh và dư luận xã hội. Đề nghị Bộ trưởng chú ý chỉ đạo khắc phục ngay”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với tư cách phụ huynh, đại biểu bày tỏ sự lo lắng đối với ngành giáo dục thời gian qua và đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn thẳng sự thật. “Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận trách nhiệm người đứng đầu và thấy năng lực của bộ máy hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục. Tôi mong Bộ trưởng nhìn thẳng không tránh né để có giải pháp” đại biểu Hiền nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần rút kinh nghiệm, “ban nãy trả lời đổ cho cán bộ thiếu năng lực của ngành chứ chưa thấy trách nhiệm của người đứng đầu”.