Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX: Quảng Nam "khủng hoảng thừa" dự án đầu tư đất nhà ở, thương mại

Thứ năm, 19/07/2018 15:02

Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Quảng Nam đánh giá, dự án (DA) đầu tư đất nhà ở, thương mại thì "khủng hoảng thừa" trong khi chưa quan tâm bố trí quỹ đất phát triển các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp gắn với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho lao động bị mất đất sản xuất. Sự lỏng lẻo trong công tác quản lý đất đai dẫn đến nhiều hệ lụy cho địa phương có DA, đời sống người dân khó khăn trong khi ngân sách bị thất thu.

Ông Võ Hồng trả lời báo chí bên lề kỳ họp HĐND.

Theo thống kê, tại Quảng Nam hiện có 304 DA đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) dưới nhiều hình thức. Các đại biểu nhận định, một số DA được giao đất, cho thuê đất phát triển đô thị, du lịch nhưng thực tế chiếm đất, kinh doanh BĐS. Nhiều DA nhà ở thương mại, khu đô thị... thu hồi đất nông nghiệp diện tích lớn, nhưng chậm được đầu tư, không phát huy hiệu quả sử dụng đất trong khi người dân mất đất sản xuất. Bên cạnh đó, một số khu đô thị, khu dân cư đã đầu tư cơ bản về kết cấu hạ tầng, nhưng việc xây dựng nhà ở trên thực tế còn rất ít, phần lớn là rao bán, chuyển nhượng, khai thác chênh lệch giá... dẫn đến tình trạng hoang hóa, chưa hình thành khu đô thị thật sự, gây lãng phí nguồn lực. Ông Võ Hồng- Phó chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá: "Rất nhiều hệ quả xảy ra từ những DA BĐS tại khu quy hoạch. DA bố trí chồng lấn quy hoạch, xác định sai loại đất, phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhiều lần. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất công cộng một số nơi chưa hợp lý. Thậm chí còn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều trường hợp nhưng thực tế không có đất".

Những tác động tiêu cực từ sự phát triển quá nóng của thị trường BĐS lâu nay là hiện tượng đầu cơ đất, tăng giá đột biến,... đã tạo nên những áp lực không nhỏ trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, giải quyết đất ở cho người thật sự có nhu cầu, cũng như các vấn đề về môi trường, dân sinh. Việc quy hoạch, bố trí các DA thương mại - dịch vụ còn bất cập kéo theo nhiều hệ lụy môi trường.  Đơn cử như một số DA khu vực ven biển Điện Bàn- Hội An được thỏa thuận địa điểm trước thời điểm Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 có hiệu lực, chưa đảm bảo khoảng cách khu đất DA với mép nước triều cường trung bình nhiều năm về phía đất liền (100 m), khoảng cách giữa các DA liền kề, làm ảnh hưởng việc sử dụng bãi biển công cộng của người dân, khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn...

Kỳ họp đánh giá, vấn đề giám sát việc tổ chức thực hiện quản lý đất đai tại Quảng Nam đã được đưa ra bàn luận tại nhiều kỳ họp HĐND, tuy nhiên vì nhiều lý do mà địa phương vẫn chưa thể siết chặt quản lý. Việc điều chỉnh cơ chế bồi thường, giá đất chưa theo kịp biến động thị trường gây nên tình trạng so bì, khiếu nại, khiếu kiện, làm chậm trễ tiến độ triển khai DA. "Từ kết quả giám sát thực tế, chúng tôi đề xuất không gia hạn thời gian cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kể cả dự án khai thác khoáng sản, kinh doanh BĐS. Xử lý nghiêm các trường hợp giao đất, cho thuê đất thực hiện DA, nhưng quá thời hạn cam kết vẫn chưa triển khai, không đưa đất vào sử dụng, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Kiên quyết thu hồi đất đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích. Không quy hoạch và triển khai các DA xây dựng khu đô thị, khai thác quỹ đất trên đất chuyên trồng lúa dọc quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ; riêng đối với DA triển khai tại các điểm xen cư trong nội thị, xây dựng khu đô thị trên địa bàn thị trấn, khu vực phù hợp với quy hoạch nông thôn mới", ông Võ Hồng cho biết. 

Riêng với khu vực ven sông Cổ Cò một trong những điểm đang rất nóng về BĐS phải khẩn trương xúc tiến đầu tư nạo vét, khơi thông, tạm dừng phê duyệt thực hiện DA mới, rà soát các DA đã cấp phép để điều chỉnh phù hợp quy hoạch phát triển không gian đô thị dọc hai bên bờ sông, đảm bảo khớp nối quy hoạch giao thông, du lịch và quy hoạch chung giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

ĐỒNG DAO