Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII: Cân nhắc việc tập trung quyền lực về Tòa án nhân dân Tối cao

Thứ sáu, 23/05/2014 00:51

(Cadn.com.vn) - Ngày 22-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa điều hành phiên thảo luận của Tổ đại biểu số 6 bao gồm Đoàn đại biểu Quốc hội 4 tỉnh: Hòa Bình, Hưng Yên, Cần Thơ, Đà Nẵng.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhất trí bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp như đã thể hiện tại Điều 2 dự thảo luật, vì đây là sự thể hiện việc cụ thể hóa một bước Hiến pháp vừa mới được thông qua năm 2013. Tuy nhiên, ĐB cho rằng đây vẫn là vấn đề mới, cần tiếp tục được nghiên cứu, cân nhắc thận trọng. Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tòa án nhân dân để đảm bảo phù hợp với định hướng cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Thảo luận về Tòa án sơ thẩm khu vực, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, tại hội thảo ở địa phương chỉ có duy nhất 1 đại biểu thống nhất. Do đó, ĐB kiến nghị cần nghiên cứu thấu đáo mô hình mới này, bởi việc giải trình của TAND Tối cao là khiên cưỡng và không thuyết phục. Về vai trò quản lý của địa phương trong việc bổ nhiệm Thẩm phán, cần làm rõ cơ chế giám sát của cử tri, của cơ quan quyền lực Nhà nước địa phương đối với cơ quan xét xử trước khi quyết định bỏ quy định về Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán của các địa phương.

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đề nghị quy định ngạch Kiểm sát viên như ngạch Thẩm phán; đồng thời mô hình tổ chức của Viện kiểm sát nên như mô hình tổ chức của Tòa án.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng), hiện nay ở Tòa án quân sự đã có Tòa án quân sự khu vực. Đối với Tòa án sơ thẩm khu vực thì tất nhiên phải chọn nơi trung tâm để đặt trụ sở, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân trong việc đi lại. Theo ĐB thì mô hình tổ chức Tòa án sơ thẩm khu vực như vậy là hợp lý, đảm bảo tiết kiệm về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực.

Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa thống nhất với nhận định của ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình). Theo ĐB thì dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã dồn quyền về TAND Tối cao khá nhiều, cần cân nhắc thêm, nhất là quy định về việc tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán. Bởi vì theo quy định hiện hành thì Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân phải báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân địa phương để giám sát. Do đó, nhất thiết Hội đồng nhân dân phải có ý kiến đối với công tác kiểm sát, công tác xét xử của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân nói chung và Kiểm sát viên, Thẩm phán nói riêng.

Sáng cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Theo chương trình, hôm nay (23-5) buổi sáng, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm; buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.